14/05/2016 - 17:08

Bé con và chiếc cà mèn cơm

 Truyện ngắn LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Đứa bé ấy, trông rất cô đơn. Tôi thấy bé hầu như mỗi ngày vào buổi sáng. Bé chẳng có vẻ đáng yêu, cũng chẳng bụ bẫm để người ta vừa nhìn là muốn yêu chiều, cưng nựng. Trông bé gầy đét, đen nhẻm đến tội. Sáng nào tôi cũng thấy bé dắt chiếc xe đạp còn lớn hơn cả người, tay mang một cái cà mèn, có vẻ là đựng cơm trong đó, đi về một nơi nào xa lắm. Guồng quay cuộc sống bận rộn khiến tôi cũng không có nhiều thời gian chú ý tới bé, cho tới một ngày vô tình bé ngã trước mặt tôi. Chiếc cà mèn đựng cơm bỗng tung tóe trước mặt. Vô thức tôi đưa tay ra đỡ nhưng bé vội rụt lại như thấy điều gì đáng sợ. Rồi bé khóc lên cứ như tôi là người có lỗi. Tôi giúp bé thu dọn cà mèn, trong đó không có gì ngoài cơm trắng, vài miếng dưa muối và ít xì dầu.

- Em mang cơm đến đâu vậy? Để anh đưa em đi nhé.

Bé chỉ lúc lắc đầu rồi đi thẳng. Bất giác, tôi bỏ dở công việc của mình mà đi theo. Bé tới bệnh viện và có vẻ cà mèn cơm ấy thuộc về người mẹ đau bệnh của bé. Bỗng dưng trong tôi dấy lên cảm giác chua xót không rõ nguồn cơn và nó nặng nề hơn tôi tưởng nhiều.

Sau lần đó tôi chú ý đến bé hơn. Bởi tưởng tượng có một bé con đơn độc cứ mỗi sáng vừa mở mắt đã vội chuẩn bị cơm cho người mẹ đang bệnh, lại khiến lòng tôi thương cảm. Lần thứ hai tôi nói chuyện với bé, lúc bé con đang khoác trên mình chiếc áo có màu cháo, mang khăn quàng đỏ hẳn hoi, nhưng trông vẫn bé nhỏ so với những cô cậu bạn cùng lứa, đến trường. Thấy tôi, bé sững lại, rồi cứ như ngại ngùng chuyện gì đó, trông già hẳn đi: - Em xin lỗi bữa làm đổ cơm rồi còn khóc lóc.

Cái điệu xin lỗi trông buồn cười, cứ tỏ ra mình lớn lắm nhưng ngôn ngữ thực trẻ nít.Tôi bất giác chú ý đến những vết thâm trên tay bé.

- Tay của em?

Bé vội rụt lại rồi chạy biến vào trường. Bỗng dưng tôi thấy lo.

 

- Ba nó đánh nó đấy. Kể từ ngày mẹ nó bệnh, ba nó chè chén miết. Ổng cứ suốt ngày lê la đầu đường xó chợ, bỏ con nhỏ quần quật. Mình con nhỏ phải lo cho mẹ, rồi đi làm thêm dọn dẹp nhà cửa tất - Cô hàng nước trước cổng trường phe phẩy quạt nói với tôi.

Trong lòng tôi dấy lên nỗi thương cảm. Bấy lâu nay bé với tôi ở cùng xóm, nhưng tôi thì công việc tối ngày không chú ý tới xung quanh. Nhà bé ở cuối xóm, thực ra là một túp lều, chỗ để hai cha con chui ra chui vào. Ba bé đạp xích lô cả ngày, tối lại say xỉn với mấy anh chàng rỗi hơi trong xóm. Có bận đi làm về, thấy cả xóm tụ lại ồn ào. Tôi lại gần thấy một người đàn ông mặt đỏ gay vì nắng, vì say đang đánh một đứa nhỏ trông rất thảm. Tôi chợt nhận ra bé. Tôi cùng với mấy thanh niên trong xóm, đứa cản ông ta, đứa kéo bé lại che chở. Có người không kìm được động tay động chân với ba của bé. Bé khóc không còn ra tiếng, trong sự ngạc nhiên của mọi người, nhào lại bảo vệ ba.

- Đừng đánh ba con. Ba con chỉ uống rượu vì buồn và lo lắng cho mẹ.

Mọi người sững sờ. Ba của bé cũng chết lặng.

***

Từ dạo ấy bé càng tránh né mọi người. Tôi cũng không biết làm gì để an ủi. Thi thoảng từ túp lều cuối xóm lại có tiếng người say ồn ào. Có tiếng trẻ khóc. Nhưng không còn thường xuyên như trước, và gần đây hình như vắng hẳn. Chỉ còn hình ảnh mỗi sáng sớm bé loắt choắt đạp xe mang cơm cho mẹ vẫn không đổi. Bẵng đi ít lâu nữa, trên đầu bé phủ vành tang trắng. Mẹ bé mất. Cả hai cha con bé rơi nước mắt mà không có tiếng khóc. Ngày tang tóc trôi qua lặng lẽ. Tôi bắt gặp ba bé đang ngồi rít thuốc trong hàng nước ven đường. Chẳng hiểu vì sao tôi tạt vào. Và chẳng hiểu vì sao câu chuyện lại xoay quanh bé. Người đàn ông ấy, trên người vẫn ngập mùi rượu, chỉ có đôi mắt trông rất tỉnh.

- Bé tên là Ga. - Người đàn ông bắt đầu câu chuyện như thế - Chẳng phải tôi muốn đánh bé hay không thương bé đâu. Tôi phẫn nộ vì cuộc sống bất lực và bất hạnh của mình. Cứ nhìn bé, với những cam chịu và vất vả, tôi lại thấy mình cần phải say. Khi say vào tôi không làm chủ được mình nữa.

Người đàn ông thậm chí còn chẳng nhìn tôi, ông cứ kể. Rồi mờ mịt hỏi tôi:

- Vợ tôi mất rồi. Mối dây liên kết giữa tôi với bé cũng đứt. Chắc bé cũng chẳng còn thương tôi nữa phải không cậu?

Cuộc nói chuyện kết thúc khi người đàn ông ấy chìm trong biển sương mù cuộc đời với những bước đi rệu rã.

Tiếng giằng co. Tiếng bước chân dồn dập. Tiếng khóc huyên náo góc xóm nhỏ. Tôi bước về phía túp lều ấy, theo tiếng bé Ga khóc mỗi lúc một to hơn. Xung quanh vài tiếng nói nhỏ "Dì của bé đến đón đi", "Mà sao bé không chịu đi, mà nhất quyết sống cùng người cha nát rượu", "Gần đây ông ấy bớt uống rồi, nhưng ai biết được đệ tử lưu linh…". Tôi nhìn bé Ga ôm kéo giằng co giữa dì và ba. Bé đu trên người ba như sinh linh tìm chỗ bấu víu trước cuộc đời bơ vơ. Dần dần đám đông tản ra, chỉ còn ở đó, đứa nhỏ khóc bên người cha ngồi phịch xuống đất, bất động.

Thế nhưng người dì vẫn ở đó và nhất quyết mang bé về nuôi. Dì bé giằng co kéo bé ra khỏi tay ba nó. Mà người đàn ông ấy cũng không dám giữ. Nhìn ông, tôi thấy thương, vì có lẽ ông tưởng những cơn say đã làm con gái ghét mình rồi. Dì bé thuyết phục:

- Ga, về với dì đi. Mẹ con một đời khổ vì người dùng rượu để trốn tránh này rồi.

Bé đứng ở giữa, im lặng không nói, nước mắt cứ tuôn trào.

- Dì, con muốn ở với ba.

Người đàn ông im lặng. Dì bé lại hỏi:

- Con có chắc ở với ba sẽ không bị đánh nữa không?

Bé Ga co rúm người lại. Người đàn ông bất giác ngẩng lên, hai mắt mở to rồi cúi xuống với vẻ mặt đầy xấu hổ. Không gian cô đặc lại. Bỗng, con bé không nói không rằng, tay quệt nhanh nước mắt, tiến lại phía ba nó, ôm chặt lấy cổ ông, nói nhỏ:

- Ba à, con muốn chăm sóc ba, như đã hứa với mẹ. Người cha ngỡ ngàng rồi ôm chặt con gái của mình...

Hình ảnh cuối cùng tôi thấy là cô bé trong vòng tay ba, môi cắn chặt không muốn khóc trước quyết định quan trọng của mình.

Lâu sau, tôi gặp lại bé. Vẫn là một cô bé vụng về đi ngang qua làm đổ cà mèn cơm trước mặt tôi. Lần này con bé cũng òa khóc, nhưng khi bé khóc, có một người đàn ông chạy ra vỗ về. Và tôi thấy trong nước mắt, bé con nở nụ cười...

Chia sẻ bài viết