17/12/2014 - 20:57

QUY ĐỊNH VỀ ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI LƯỢNG CỦA HÀNG HÓA ĐÓNG GÓI SẴN

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thông tư 21/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 15-7-2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 30-8-2014, quy định về đo lường đối với lượng của hàng hóa đóng gói sẵn nhằm đảo đảm công bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời hài hòa quy định pháp lý, kỹ thuật về lượng của hàng đóng gói sẵn giữa Việt Nam và các nước, các khu vực. Đây được coi là bước tiến mới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng trong hoạt động giao thương.

Sau hơn 3 tháng Thông tư có hiệu lực, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình triển khai thực hiện Thông tư này.

 Hơn 3 tháng sau khi Thông tư 21 có hiệu lực, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, xin ông đánh giá về tình hình triển khai Thông tư?

- Thông tư 21 có nhiều quy định mới và được xây dựng trên cơ sở các Khuyến nghị (R) của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML) như OIML R79 về ghi nhãn hàng đóng gói sẵn, OIML R87 về lượng của hàng đóng gói sẵn cũng như các văn bản liêu quan của ASEAN và của một số nước.

Thông tư 21 nhằm bảo đảm công bằng lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi việc định lượng không có sự chứng kiến của bên mua nên cần phải quy định cụ thể yêu cầu kỹ thuật, đo lường lượng của hàng đóng gói sẵn để doanh nghiệp tự kiểm soát và đưa ra thị trường hàng hóa đúng định lượng quy định, tránh gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng. Đồng thời, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có căn cứ pháp lý để kiểm tra, giám sát lượng của hàng đóng gói sẵn. Bên cạnh đó, hài hòa quy định pháp lý, kỹ thuật về lượng của hàng đóng gói sẵn giữa Việt Nam và các nước, các khu vực, tạo thuận lợi trong thương mại quốc tế.

Ngoài ra, các quy định chi tiết về yêu cầu kỹ thuật đối với lượng của hàng đóng gói sẵn của Thông tư này là các nội dung hoàn toàn mới, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường trước đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng lần đầu tiên quy định dấu định lượng (ký hiệu “V”) tại Thông tư 21, công bố sử dụng dấu định lượng, chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng. Đây là một bước tiến trong quá trình hội nhập về đo lường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thương mại hàng hóa với quốc tế và khu vực như các nước EU, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên, việc thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn được áp dụng để siết chặt quản lý định lượng các sản phẩm hàng hóa đóng bao bì sẵn nhưng cũng đã và đang “hơi” khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian đầu Thông tư có hiệu lực.

Người tiêu dùng xem kỹ nhãn mác trên bao bì trước khi chọn mua hàng hóa. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Vinatex Cần Thơ. Ảnh: M. HOA 

Thực tế để bảo vệ chặt chẽ hơn quyền lợi người tiêu dùng, hiệu quả tính pháp lý của Thông tư, ngày 9-9-2014 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có văn bản số 1694 gửi Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư 21. Hiện nhiều địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư 21 đến các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn; đồng thời tổ chức kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tuân thủ quy định tại Thông tư 21.

 Để tuyên truyền tới người tiêu dùng cũng như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư, Tổng cục có gặp “vướng” không, thưa ông?

- Do Thông tư 21 bảo vệ “chặt chẽ” hơn quyền lợi của người tiêu dùng nên qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Đo lường Việt Nam và khảo sát thực tế, người tiêu dùng thể hiện sự đồng thuận, nhất trí với quy định của Thông tư 21. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa gói sẵn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, EuroCham… như: Đề nghị cho phép doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng số lượng bao bì đã sản xuất trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 21. Bao bì có kích thước và chiều cao tối thiểu của chữ số thể hiện lượng hàng đóng gói sẵn chưa hoàn toàn phù hợp với quy định, nhưng do số lượng lớn nên đề nghị được sử dụng không quá ngày 31-12-2015. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị quy định về chiều cao chữ và con số thể hiện lượng của hàng hóa gói sẵn tại Thông tư 21 (không nhỏ hơn 2mm) không thống nhất với quy định tương tự tại Thông tư liên tịch số 34/2014 ngày 27-10-2014 quy định về ghi nhãn thực phẩm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trước kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng số lượng bao bì đã in trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 21 để tránh lãng phí. Trả lời kiến nghị đối với quy định không thống nhất, Thông tư 21 là áp dụng chung cho các loại hàng đóng gói sẵn. Trường hợp Thông tư liên lịch 34 quy định khác với Thông tư 21 thì áp dụng theo Thông tư liên tịch, do Thông tư liên tịch ban hành sau và quy định chuyên về thực phẩm.

 Liệu Thông tư 21 có thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả đối với cộng đồng như mục tiêu đề ra?

- Tôi cho rằng Thông tư 21 sẽ thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả đối với cộng đồng bởi đối tượng hưởng lợi chính của Thông tư 21 là người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi chính sách đều cần có thời gian, sự quyết tâm của các cấp để chuyển từ nhận thức thành hành động thực tiễn.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát về đo lường hàng hóa tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn để phát hiện các hành vi không thực hiện đúng quy định về đo lường định lượng, từ đó có các biện pháp và chế tài xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn tuân thủ các quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư 21; Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân viên kỹ thuật cơ sở nhằm tự thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn…

Sau 3 tháng Thông tư 21 có hiệu lực nhưng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị từ doanh nghiệp, người dân để hướng dẫn thực hiện Thông tư 21 đạt hiệu quả cao nhất.

 Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (TTXVN - thực hiện)

Chia sẻ bài viết