22/11/2019 - 20:45

Bảo vệ ĐBSCL trước hiện tượng sụt lún đất 

Trong khuôn khổ Chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Đức phối hợp tổ chức Hội thảo Sụt lún đất tại ĐBSCL. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận về giải pháp ứng phó, hạn chế hiện tượng sụt lún đất và tác động xấu của hiện tượng này.

Nhiều đại biểu đại diện Bộ, ngành Trung ương, chuyên gia quốc tế và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham dự Hội thảo sụt lún đất ở ĐBSCL.

Sụt lún tiếp diễn cùng cấp độ

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này. Đặc biệt, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, cho biết: “Trên con đường đi đến sự thịnh vượng và bền vững trong tương lai, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đây là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của BĐKH, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi trong khu vực và sẽ mang đến nhiều bất lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh... thời gian tới”.

Trong những năm qua, vấn đề sụt lún đất ở ĐBSCL được rất nhiều tổ chức, các nhà khoa học quốc tế và trong nước quan tâm, như: Viện Địa kỹ thuật Na Uy, Đại học Stanford Hoa Kỳ, Đại học Utrecht Hà Lan và các đo đạc, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Số liệu thu thập của Liên minh châu Âu từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 cho thấy tốc độ sụt lún ở ĐBSCL không hề giảm. Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, từ nông thôn đến đô thị. Mức độ sụt lún dao động từ 2 đến 4cm/năm và điều này sẽ không ngừng lại. Ở các khu vực nông thôn ĐBSCL, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1 cm/năm và dự báo hiện tượng sụt lún tiếp diễn với tốc độ tương tự như những năm qua. Như vậy, sụt lún ở đô thị hay nông thôn đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ. 

Tổ chức Hợp tác Đức cho biết nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng xác định sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐBSCL có khả năng diễn ra sụt lún đất với tốc độ khá nhanh, trên dưới 2,5cm/năm và trong vòng 10 năm qua, khả năng ĐBSCL đã bị sụt lún khoảng 25cm. Cụ thể công bố gần đây của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Utrech (Hà Lan) cho biết, ĐBSCL thực tế chỉ cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, thấp hơn dự báo trước kia là 2,6m. Trong khi đó, hằng năm, ĐBSCL sụt lún khoảng 2-3cm và mực nước biển dâng ít nhất khoảng 0,5cm. Do đó, khoảng 20 triệu dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến này trong khoảng 50 năm tới…

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, hiện Bộ Xây dựng đã và đang đề cập đến mức độ nghiêm trọng của vấn đề này khi nói đến tác động của sụt lún đất với quản lý cao độ nền đô thị. Trong tương lai, ở một số vùng của ĐBSCL ngập úng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và với tần suất thường xuyên hơn; ở những khu vực có địa hình thấp sẽ bị ngập chìm hoàn toàn trong nước nếu không có hành động khẩn cấp…

Do ảnh hưởng hiện tượng sụt lún đất, bờ sông thiếu phù sa bồi đắp, hiện tượng sạt lở xảy ra ngày càng tăng ở ĐBSCL. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) làm sụp đổ nhiều căn nhà của người dân trong năm 2019.

Giải pháp

Nhiều chuyên gia nhận định, từ hàng nghìn năm nay, vùng đất ĐBSCL đang nén lại và chìm dần. Quá trình này được bù đắp bởi bồi lắng phù sa trong suốt mùa lũ và bề mặt đất nằm trên mực nước biển. Trong một vài thập kỷ qua, ngập lụt và bồi lắng phù sa đã giảm đi đáng kể nhưng quá trình nén nền đất tiếp tục gây ra sụt lún đất. Và hiện tượng sụt lún đất tự nhiên càng gia tăng do khai thác nước ngầm và trọng lượng của các công trình: đường sá, cầu, nhà cửa… Hiện tượng khai thác cát, nước thiếu phù sa do các đập thượng nguồn sông Mekong chắn dòng đã làm giảm đi độ màu mỡ, bồi đắp khắc phục sụt lún của đồng bằng…

Tại hội thảo, các chuyên gia từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên Đức (BGR), các nhà khoa học của Hà Lan và các chuyên gia Việt Nam đóng góp ý kiến về những lĩnh vực khác nhau: đo lường mức độ sụt lún, hiểu về những lý do địa chất và tác động của hiện tượng này đối với cuộc sống của người dân, bằng cách nào có thể làm chậm lại quá trình này, có thể thích ứng với sụt lún đất nếu không tìm được giải pháp nào khác... Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất rằng việc khai thác nước ngầm là một yếu tố quan trọng góp phần gây sụt lún, song cho dù có ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng này. Tuy nhiên, tốc độ sụt lún có thể nhờ đó mà được giảm thiểu.

TP Cần Thơ đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ bơm tát, ngăn mặn xâm nhập do nước biển dâng tại huyện Vĩnh Thạnh (khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang).

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Để góp phần hạn chế tốc độ sụt lún, các địa phương vùng ĐBSCL cần ứng dụng những giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị để tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng xanh sẽ bồi đắp lại lượng nước ngầm thiếu hụt, góp phần hạn chế sụt lún đất trong tương lai… Riêng tại TP Cần Thơ - trung tâm đô thị vùng ĐBSCL nên lập quy hoạch cơ sở hạ tầng xanh cho tất cả các quận trung tâm (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng) để thực hiện giải pháp toàn diện cơ sở hạ tầng xanh tăng cường khả năng chống chịu cho các quận nêu trên…”. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho biết, các yếu tố góp phần gây sụt lún đất như khai thác nước ngầm tại Cà Mau, khai thác cát từ sông… cần được cơ quan chức năng, những người có thẩm quyền ra quyết định hạn chế hoặc ngưng thực hiện để giảm thiểu sụt lún đất, xác định các giải pháp thích ứng và sống chung với sụt lún đất. Trong bối cảnh này, những quy định về hạn chế, ngưng bơm nước ngầm cần nghiêm khắc hơn và thực hiện hiệu quả hơn…

Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 42/TT-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị “Về việc tăng cường công tác quản lý cao độ nền đô thị”. Trong đó nhiệm vụ, giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan phải tập trung triển khai thực hiện là tổng kiểm tra, rà soát cao độ nền đô thị tại ĐBSCL và trên toàn quốc, đánh giá hiện trạng theo quy hoạch, xác định các khu vực ngập úng, sụt lún, chênh cao và đề xuất giải pháp xử lý; thực hiện quy hoạch đô thị phù hợp với thực trạng phát triển đô thị, thích ứng với BĐKH, sụt lún, nước biển dâng… 

PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng đất sông nước, thiên nhiên ưu đãi nhiều sản phẩm đặc sản rất phù hợp với xu thế thời đại về sống trong môi trường tự nhiên, trở về với thiên nhiên. Đây là điều kiện môi trường trong sạch, là thách thức để phát triển bền vững. Việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để quản lý ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại theo dõi sụt lún, kiểm soát cao độ nền trong phát triển đô thị, từ quy hoạch, thiết kế đến xây dựng phù hợp cảnh quan và điều kiện tự nhiên, giữ gìn sinh thái vùng đất đã tồn tại hàng ngàn năm là rất cần thiết cho hôm nay và mai sau…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết