31/12/2022 - 09:52

Viện Lúa ĐBSCL:

Bảo tồn và phát huy giá trị tài sản quốc gia từ Ngân hàng Gen lúa 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Ngay từ khi thành lập vào năm 1977, Viện Lúa ÐBSCL đã xây dựng Ngân hàng Gen lúa đặt tại Viện và duy trì, bổ sung, trẻ hóa các giống lúa định kỳ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn giống. Ngân hàng Gen hiện lưu giữ, bảo tồn trên 4.000 mẫu giống lúa mùa địa phương, lúa hoang và lúa cải tiến để phục vụ công tác nghiên cứu tại Viện cũng như chia sẻ nguồn gen với các cơ quan nghiên cứu khoa học về cây lúa cả trong nước và quốc tế.

Các giống lúa mùa địa phương được lưu trữ trong kho dài hạn với nhiệt độ -30 độ C.

Nhiều giống lúa đã được phát triển từ nguồn gen lúa mùa địa phương và lúa hoang trong bộ sưu tập hơn 4.000 mẫu đang được lưu trữ và khai thác tại Viện Lúa ÐBSCL. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 85-110 ngày, tiềm năng năng suất cao và thích nghi với các tiểu vùng sinh thái ở ÐBSCL và một số địa phương khác. Viện Lúa thu thập và đánh giá các giống lúa địa phương, nhập nội các giống lúa cải tiến từ nước ngoài, thiết lập các chương trình lai tạo giống và tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ: từ phục tráng, lai truyền thống, sử dụng dấu chỉ thị phân tử, biến nạp gen cho đến chỉnh sửa gen...

Ðến nay, Viện Lúa ÐBSCL đã chọn tạo và đưa vào sản xuất hơn 180 giống lúa các loại và diện tích gieo trồng giống lúa OM chiếm từ 60-75% ở ÐBSCL. Một số giống như OM5451, OM18, OM4900, OM6976, OM380... đang được gieo trồng phổ biến và đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Ðỗ Ðức Tuyến, Phó Bộ môn Di truyền và Chọn giống, Viện Lúa ÐBSCL, các giống lúa được lưu trữ trong Ngân hàng Gen tại 3 kho: kho dài hạn (-30 độ C), kho trung hạn (5 độ C) và kho ngắn hạn (10 độ C). Thông tin lưu trữ cơ bản trên túi đựng hạt giống bao gồm tên giống, năm nhân lại gần nhất và số lượng mẫu hiện được lưu giữ của giống. Các giống lúa lưu trữ trong kho ngắn hạn sau 2 năm sẽ nhân giống lại một lần để phục vụ công tác lưu giữ hoặc chuyển giao cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu để triển khai các chương trình nghiên cứu giống. Trong khi đó, các giống lúa lưu giữ trong kho dài hạn sau 5 năm sẽ nhân giống lại một lần để trẻ hóa đưa vào Ngân hàng Gen tiếp tục lưu trữ.

Trong Ngân hàng Gen, có những giống lúa được chuyển giao từ Ngân hàng quốc tế Gene Bank của IRRI từ năm 1946. Bên cạnh đó, tại Ngân hàng Gen quốc gia hiện lưu giữ khoảng 15.000 mẫu giống lúa, trong đó có khoảng 2.000 giống lúa được chuyển giao từ Ngân hàng Gen của Viện Lúa ÐBSCL. Các giống lúa khi đưa vào Ngân hàng Gen sẽ được đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu, số hóa các thông tin liên quan đến nguồn gốc, đặc tính giống, điều kiện canh tác, tiềm năng năng suất, phẩm chất giống…

Hằng năm, theo nhu cầu nghiên cứu, các nhà khoa học Viện Lúa tổ chức đánh giá lại nguồn tài nguyên bản địa của một số giống lúa địa phương, tìm nguồn gen tốt để khai thác trong các chương trình lai tạo. Các giống lúa được lưu giữ trong Ngân hàng Gen chính là nguồn vật liệu di truyền quý báu, là tài sản quốc gia phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của vùng ÐBSCL nói riêng, cả nước nói chung và các chương trình hợp tác quốc tế về giống lúa.

Chia sẻ bài viết