05/04/2015 - 14:45

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Khmer tại Cần Thơ

Cao Kiều Thúy Linh

Tại Cần Thơ, có hơn 20.000 đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống tập trung chủ yếu ở quận Ô Môn, huyện Thới Lai và Cờ Đỏ. Cũng như những địa phương khác, người Khmer ở Cần Thơ sinh sống theo cộng đồng từng phum, sóc; với văn hóa chịu ảnh hưởng tử tưởng Phật giáo và những yếu tố văn hóa truyền thống bản địa. Trải qua hàng trăm năm, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại Cần Thơ vẫn được bảo tồn và phát triển, tạo nên bản sắc, góp phần làm đa dạng đời sống văn hóa ở Cần Thơ.

Đồng bào dân tộc Khmer ở thành phố Cần Thơ cũng có truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng như ở các tỉnh khác trong khu vực. Chùa là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Không gian chùa, các công trình từ lớn đến nhỏ như gian chính điện, sala, tháp, cổng chùa… đều được trang trí tinh tế với các biểu tượng hoa văn đặc trưng của dân tộc. Chùa Pôthi-sôm-rôn ở quận Ô Môn, một trong 12 ngôi chùa của đồng bào Khmer ở Cần Thơ, là công trình kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo tiêu biểu chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer luôn được Cần Thơ quan tâm. Trong ảnh: Lớp bảo tồn và truyền dạy kỹ thuật cắt may trang phục tu sĩ truyền thống dân tộc Khmer do Bảo tàng Cần Thơ tổ chức. Ảnh: VÕ NGUYÊN THỦY

Bên cạnh đó, người Khmer Cần Thơ còn lưu giữ một số loại hình nghệ thuật dân gian như Dù kê, múa Rô băm và các điệu múa dân gian khác. Các loại hình nghệ thuật này vẫn được duy trì tổ chức trong các dịp lễ hội của cộng đồng, tuy số lượng nghệ nhân lưu giữ, bảo tồn và phát huy các bài bản cổ truyền không nhiều và nghệ nhân Dù kê hiện nay hầu như đều lớn tuổi. Lễ hội truyền thống cũng là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú của cộng đồng người Khmer nơi đây. Hằng năm, người Khmer tổ chức nhiều lễ hội bao gồm lễ theo tín ngưỡng dân gian và Phật giáo. Tuy nhiên, cũng có không ít những nghi lễ dân gian đang có sự thay đổi do nhiều nguyên nhân và có nguy cơ mai một trong cộng đồng như Lễ Cầu an, cúng Arăk, Neak-tà…

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer tại TP Cần Thơ luôn được chú trọng. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy là Lễ Dâng y cà sa ở chùa Pôthi-sôm-rôn, quận Ô Môn. Toàn bộ hoạt động diễn biến nghi lễ được thực hiện bằng cách quay phim, chụp ảnh, ghi chép diễn biến của nghi thức bằng báo cáo khoa học, dựng phim để lưu trữ. Sản phẩm của dự án được gửi về Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam để bảo tồn và phát huy.

Ngoài ra, để hiểu rõ thực trạng về di sản văn hóa của cộng đồng, thành phố đã điều tra phổ thông di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên vùng đất Cần Thơ, trong đó có dân tộc Khmer. Từ đó, hằng năm thực hiện kiểm kê và kiểm kê lại những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như lễ hội dân gian, nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống và ẩm thực dân gian… Qua đó, đề xuất định hướng bảo tồn và phát huy với những chương trình cụ thể hằng năm. Văn hóa dân tộc Khmer còn được bảo tồn, phát triển trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (giai đoạn 2006 – 2010), với trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam, mà Cần Thơ là một trong những địa phương được đầu tư trang thiết bị để phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc. Qua đây, người Khmer ở Cần Thơ và khách tham quan trong và ngoài nước có điều kiện nghiên cứu học tập về những di sản văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, góp phần gìn giữ truyền thống, nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về những di sản văn hóa của cộng đồng.

Ngoài ra, từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, Bảo tàng thành phố Cần Thơ cũng đã thực hiện 3 dự án bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể là: "Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật hát múa Dù kê của đồng bào dân tộc Khmer" tại huyện Cờ Đỏ; "Khôi phục và truyền dạy nghi thức dẫn dắt linh hồn của Acharyuki trong tang lễ của người Khmer" ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn; "Truyền dạy kỹ thuật cắt may trang phục tu sĩ truyền thống dân tộc Khmer" tại huyện Thới Lai. Thông qua các dự án này, một mặt các nhà quản lý có điều kiện làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương; các nghệ nhân đã truyền dạy để lưu giữ bảo tồn những loại hình này tại cộng đồng; đồng thời cộng đồng cũng tích cực tham gia vào việc gìn giữ và phát huy di sản bằng cách thực hành di sản. Khi dự án kết thúc, người dân và các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín tại cộng đồng sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc gìn giữ di sản. Đồng thời, những người được tham dự các lớp này sẽ là hạt nhân tích cực trong việc truyền dạy cho cộng đồng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người Khmer ở Cần Thơ nói riêng và vùng Nam bộ nói chung.

Trong việc sưu tầm gìn giữ di sản văn hóa Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2009- 2012, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã sưu tầm 61 hiện vật. Đặc biệt trong năm 2013, đã sưu tầm được hơn 40 hiện vật liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhạc cụ truyền thống, vật dụng sinh hoạt, thờ cúng và ẩm thực dân gian của dân tộc Khmer. Đây là những di sản văn hóa vật thể vô cùng quý báu được nghiên cứu sưu tầm bổ sung để trưng bày phát huy giá trị của di sản, phục vụ nhu cầu tham quan hưởng thụ văn hóa của công chúng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo quần chúng nhân dân trong đó có đồng bào Khmer.

Những việc làm cụ thể trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer đã góp phần nâng cao nhận thức gìn giữ di sản văn hóa và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng Khmer vùng Nam bộ.

Chia sẻ bài viết