15/05/2023 - 20:00

Bạo lực cực hữu gia tăng tại Đức 

MAI QUYÊN (Theo DW)

Ở Ðức, phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại như vấn nạn cấp bách, đáng báo động là tình trạng bạo lực như vậy đang gia tăng trong giới trẻ và đời sống học đường.

Cảnh sát Đức dẫn nghi phạm bị bắt trong một cuộc đột kích chống lại tội phạm có động cơ chính trị. Ảnh: AP

Ðầu tháng 5, cảnh sát đã có mặt để can thiệp vụ lăng mạ và đe dọa leo thang thành hành hung tại một trại nghỉ cuối tuần ở Heidesee, vùng đô thị gần thủ đô Berlin. Vụ việc xảy ra khi lớp học với phần lớn các em học sinh nguồn gốc nhập cư đến đây để học bài. Sau đó, vài thanh niên địa phương có mặt và được cho đã thực hiện các hành vi phân biệt chủng tộc, thậm chí đe dọa dùng bạo lực đối với nhóm học sinh lớp 10. Dưới sự bảo vệ của cảnh sát, giáo viên và các học sinh phải chạy trốn khỏi trại nghỉ lúc nửa đêm.

Bộ trưởng Nội vụ Ðức Nancy Faeser mô tả những gì xảy ra tại Heidesee là “hết sức khủng khiếp”, đặc biệt khi nạn nhân bị tấn công phải rút lui thay vì thủ phạm. Phát biểu trong buổi trình bày số liệu thống kê mới nhất về bạo lực có động cơ chính trị ở Ðức, bà Faeser kêu gọi cơ quan chức năng tiến hành điều tra kỹ lưỡng nhằm ngăn chặn những sự kiện tương tự trong tương lai.

Lắng nghe nạn nhân

Theo các con số thống kê, nguy cơ trở thành nạn nhân bạo lực cực hữu được ghi nhận cao ở các bang thuộc Ðông Ðức cũ. Thực trạng này nhắc nhở giới chuyên môn về thời kỳ những năm 1990, khi làn sóng tấn công có động cơ chủng tộc gieo rắc nỗi sợ hãi và kinh hoàng trên khắp nước Ðức. Tuy nhiên, Heike Kleffner, người đứng đầu Hiệp hội các Trung tâm Tư vấn cho Nạn nhân Bạo lực Cánh hữu, Phân biệt chủng tộc và Bài Do Thái ở Ðức, cho biết có sự khác biệt ở hiện tại. Nếu những thập kỷ trước, người ta tập trung vào thủ phạm chứ không phải người bị tấn công, thì hiện nay, các sự việc được tường thuật hoặc báo cáo lại đã thay đổi theo cách đáng ngại bởi nó khiến nạn nhân cảm thấy bản thân không được tin tưởng hoặc bị nghi ngờ về quan điểm cũng như sự thật những gì họ trải qua.

Theo bà Kleffner, thường chỉ có các trung tâm hỗ trợ là bên duy nhất tin vào lời kể của người bị ảnh hưởng bởi bạo lực cực hữu. Lâu dần, nó khiến nạn nhân không dám nói lên trải nghiệm về các mối đe dọa. Ðối với sự kiện ở Heidesee, bà Kleffner cho biết các em học sinh rất can đảm khi công khai những gì đã xảy ra và đó là tín hiệu quan trọng để thay đổi vấn đề. Ðiều này có thể lý giải cho buổi tuần hành phản đối bạo lực cực hữu của khoảng 150 học sinh, giáo viên và phụ huynh một trường học ở thành phố Cottbus hồi tuần rồi. “Phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và kỳ thị đồng tính trong trường học ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Ðây là mối đe dọa cho toàn xã hội” - giáo viên Max Teske hét lên với người biểu tình.

Ðược biết, Teske và đồng nghiệp Laura Nickel đã gây chú ý khắp nước Ðức vào cuối tháng 4, khi công bố bức thư nêu chi tiết những lo ngại về bạo lực có động cơ chủng tộc tại trường tiểu học và trung học gần Cottbus. Trong thư, các giáo viên cho biết họ phát hiện có người nghe những bản nhạc cực đoan trong giờ học, vẽ hình chữ thập ngoặc vốn là biểu tượng của Ðức quốc xã lên đồ đạc và có hành vi lạm dụng bằng lời nói.

Vấn nạn cấp bách

Theo bà Kleffner, vụ việc ở Cottbus không phải cá biệt mà là “phần nổi của tảng băng chìm”. Năm ngoái, bà cho biết các trung tâm hỗ trợ nạn nhân nhận được phản hồi từ hơn 520 trẻ em và thanh niên bị tổn thương về thể chất do các cuộc tấn công chống bài Do Thái và phân biệt chủng tộc, tăng gấp đôi so với trước đó. Tổng cộng, các trung tâm hỗ trợ cho biết có 2.871 người bị ảnh hưởng bởi khoảng 2.100 cuộc tấn công cực hữu, phân biệt chủng tộc và bài Do Thái - nhiều hơn khoảng 700 vụ so với năm trước.

Sự gia tăng hành vi bạo lực có động cơ chính trị cũng được phản ánh trong thống kê của cảnh sát. Ðáng lo ngại là số liệu thực tế có thể cao hơn, bởi rất nhiều trường hợp nạn nhân sợ công khai vì kẻ phạm tội sống trong khu phố của họ. Họ cũng sợ bị đổ lỗi. Về lâu dài, các cuộc tấn công như vậy thường gây hậu quả sâu rộng cho các nạn nhân. Ðơn cử như vụ một cậu bé 8 tuổi bị một người đàn ông 71 tuổi xúc phạm chủng tộc tại một bể bơi ở bang Thuringia vào tháng 2-2022. “Ðến nay, đứa bé vẫn đang được điều trị vì bất an và sợ hãi trước những gì phải chịu đựng” - bà Kleffner cho biết.

Chia sẻ bài viết