31/12/2007 - 16:59

Bảo hộ sở hữu công nghiệp: chuyện không của riêng ai!

Theo thống kê, đến hết tháng 12/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 30.898 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (tăng khoảng 22% so với năm 2005), bao gồm đơn sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và quốc tế... Có thể nói, ý thức về bảo hộ sở hữu công nghiệp của Doanh nghiệp Việt Nam đã có một bước chuyển biến tích cực.

Những "nhãn hiệu tỷ đô" không tự nhiên mà có

Trên thế giới, nhiều nhãn hàng có thương hiệu nổi tiếng, tài sản vô hình chiếm từ 70% đến 90% tổng tài sản như Walt Disney, Microsoft, Yahoo!... Để quá trình đầu tư gây dựng, phát triển nhãn hiệu trị giá bạc tỷ như vậy không bỗng chốc “đổ sông đổ biển”, thậm chí rơi vào tay người khác, doanh nghiệp đều phải đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hay kiểu dáng của doanh nghiệp mình. Điều đó cho thấy, vai trò vô cùng quan trọng của sở hữu trí tuệ nói riêng và quyền sở hữu công nghiệp nói chung đối với mỗi doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Ở góc độ ngược lại, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã phải khốn đốn vì nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp của mình bị làm nhái, làm giả hoặc bị doanh nghiệp khác nhanh chân đăng ký “bảo hộ giúp”, giành mất quyền sở hữu. Lãnh đạo một công ty bánh kẹo có tiếng từng than thở rằng, sự gia tăng các sản phẩm bánh kẹo giả khiến doanh thu của công ty giảm tới 30% so với năm trước; trong khi một nhà máy bánh kẹo khác cũng bị những sản phẩm có nhãn mác tương tự, “hao hao” đánh bại làm doanh thu giảm tới 40%.

Luật sư Kim Sao (Công ty Sở hữu công nghiệp Investip) cho biết, nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp không hiểu tại sao mình lại bị “ăn theo” như vậy. Họ muốn tránh cũng không biết phải làm thế nào, gặp rắc rối thì tháo gỡ ra sao... Chính vì thế, không ít doanh nghiệp đã mất trắng công, của và thời gian đầu tư xây dựng một nhãn hiệu, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và đương nhiên, cả doanh thu của doanh nghiệp.

Đã có nhiều chuyển biến tích cực

Tại Việt Nam, tình hình đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2006, cả nước có trên 16.500 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp cùng 121.000 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ.

Theo bà Sao, điều quan trọng là ý thức của các doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp đã chuyển biến đáng kể, từ đó họ mới có sự chuẩn bị công phu, từ việc có nhân viên pháp lý, thuê đại diện pháp lý đến việc dành những khoản kinh phí xứng đáng cho việc tra cứu, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình.

Bảo hộ công nghiệp bao gồm: bảo hộ nhãn chữ, nhãn hình, tra cứu tên thương mai, kiểu dáng công nghiệp, tên doanh nghiệp, logo, slogan của Tập đoàn. Tuy nhiên, cũng theo bà Sao, mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp nhưng mới chỉ dừng lại ở mức bảo vệ đơn độc nhãn hiệu của mình mà chưa có chiến lược bảo vệ liên kết để tránh bị làm nhái. Đặc biệt là trong ngành dược. Có quá nhiều tên biệt dược bị làm nhái làm ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp và nhà sản xuất. Một trong số ít các doanh nghiệp dược có chiến lược bảo vệ nhãn hiệu liên kết (đăn ký bao vây) là dược Viễn Đông. Thực hiện điều này có thể sẽ tốn thêm một khoản chi phí nữa cho doanh nghiệp nhưng bù lại hơn 200 nhãn hiệu hiện có của Viễn Đông đã không bị làm nhái và "yên tâm" khi tham gia thị trường. Theo giới chuyên môn thì cách làm hiện nay của Dược Viễn Đông rất hiệu quả và khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam và đáng để các doanh nghiệp khác học tập.

Rõ ràng, một chiến lược kinh doanh tốt còn cần đến một hệ thống bảo vệ cho chiến lược đó được thực thi trong môi trường kinh doanh an toàn. Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông chia sẻ: "Bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm và ý tưởng của mình chính là bảo vệ cho "đứa con" của mình vậy. Viễn Đông sẽ không chỉ bảo hộ trong nước mà còn tiến tới bảo hộ ở thị trường nước ngoài để an toàn hơn khi hội nhập". Phải chăng điều đó cũng đáng để các doanh nghiệp suy ngẫm?

Chia sẻ bài viết