30/07/2012 - 08:34

Bảo hộ hàng hóa trong nước trước áp lực cạnh tranh

Cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, mặc dù đã là thành viên chính thức của WTO, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá (BPG). Làm thế nào để bảo hộ hàng hóa trong nước trước áp lực cạnh tranh với bên ngoài, giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tránh được nguy cơ gặp phải các vụ kiện chống BPG, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xuất khẩu hàng hóa. Trước thực trạng này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ các sở, ngành, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố về chống BPG, những thiệt hại của nó gây ra cũng như phương thức tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm…

Chống BPG và những thiệt hại

Quy tắc chống BPG mà hiện nay WTO dựa vào được quy định trong điều 6 của Hiệp định GATT (Hiệp định chung về Thuế và Thương mại) ban hành vào tháng 4-1979. BPG là hiện tượng giá xuất khẩu của một sản phẩm được xuất khẩu từ nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của một sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường. Về bản chất, BPG trong thương mại quốc tế là hành vi phân biệt giá cả đối với cùng một sản phẩm tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Đây được xem là một hành động với mục tiêu nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại dần các đối thủ cạnh tranh.

 Hàng may mặc Việt Nam luôn phải đương đầu với các vụ kiện BPG.

Theo WTO, để xác định giá sản phẩm có BPG hay không, dựa vào các quy tắc: Lấy cơ sở giá bán hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Khi không thể sử dụng giá này, phải sử dụng giá mà nước này xuất khẩu sang nước thứ ba làm chuẩn hoặc xác định bằng cách cộng giá thành sản xuất với các chi phí hợp lý và lợi nhuận; hàng chuyển khẩu thường được so giá tương ứng của nước xuất khẩu; nếu không có giá xuất khẩu hoặc giá này bị cho là không đáng tin thì có thể đẩy giá bán hàng nhập khẩu để xác định giá xuất khẩu; giá xuất khẩu và giá bán nội địa của nước xuất khẩu phải được so sánh ở cùng một trình độ thương mại. Dựa vào qui định của WTO về việc các quốc gia có quyền xây dựng các thủ tục để xác định hiện tượng BPG và áp dụng biện pháp chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình miễn là không mâu thuẫn với các Hiệp định và quy định của WTO. Tình trạng này đã dẫn đến tình trạng nhiều nước áp dụng pháp luật chống BPG như là công cụ thực hiện chính sách bảo hộ thái quá thị trường nội địa.

Trước thực trạng này, WTO đã sửa đổi một số điều trong Hiệp định Chống BPG, trong đó quy định các nước nhập khẩu phải kết thúc các biện pháp chống BPG trong thời gian thực thi 5 năm. Khi các nước nhập khẩu xác định được biên độ của BPG đặc biệt nhỏ (nhỏ hơn 2% giá cả xuất khẩu của sản phẩm này) thì việc điều tra phá giá phải kết thúc. Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng ban Hợp tác quốc tế – Cục Quản lý chất lượng (Bộ Công Thương), cho rằng: “Thiệt hại từ các vụ kiện chống BPG đã gây ra những tác động lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Thể hiện ở sự tốn kém tài chính khi các doanh nghiệp phải thuê luật sư tư vấn, tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cũng bị giảm, giảm nguồn thu ngoại tệ; công nhân mất việc hoặc tiền lương bị giảm. Chưa kể việc thực hiện theo quy định thời hạn áp thuế 5 năm và gia hạn áp thuế hầu như hàng hóa không có cơ hội quay lại thị trường”.

Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau, song pháp luật các nước đều coi đây là hành vi thương mại không lành mạnh. Đa số các nước đều cho rằng cần phải có hành động chống lại BPG nhằm bảo vệ cho hàng hóa sản xuất trong nước. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối phó với 31 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Tìm giải pháp từ hệ thống cảnh báo sớm

Để giảm thiệt hại do các vụ kiện chống BPG gây ra đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị và chủ động phòng tránh các vụ kiện có thể xảy ra, một trong những giải pháp mà Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đưa ra là hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống BPG của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với hệ thống này, giúp Chính phủ Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng xác định sớm được các mối đe dọa cũng như nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp chống BPG đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trước khi chính thức có đơn khởi kiện từ các ngành sản xuất của nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp có đủ thời gian và điều kiện để kịp thời điều chỉnh nhằm loại bỏ những mối đe dọa và chủ động đối phó với những cuộc điều tra của các cơ quan có liên quan của nước ngoài. Nhờ đó duy trì và phát triển kim ngạch và tốc độ xuất khẩu, qua đó giúp các ngành công nghiệp của Việt Nam ngày càng có tính cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu.

Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống BPG đối với hàng xuất khẩu Việt Nam được xây dựng dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) với Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam (GCF) của Đan Mạch. Nhóm đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống này là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Từ đây, họ tiếp cận được thông tin, số liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực vào các thị trường chính và được cảnh báo nếu có nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại; được tư vấn đề phòng các vụ kiện cũng như giảm thiểu thiệt hại trong các trường hợp vụ kiện xảy ra.

Hiện nay, hệ thống cảnh báo tập trung vào 5 thị trường là: EU, Hoa Kỳ, Canada, Úc và Brazil (sắp tới là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ) với 10 mặt hàng chủ lực: thủy sản, da giầy, dệt may, đồ gỗ, dây cáp điện, chất dẻo, cao su, giầy, dụng cụ quang học đo lường và thiết bị điện. Cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm dựa trên mức độ cảnh báo, thông qua website www.canhbaosom.vn (www.earlywarning.vn) các doanh nghiệp có thể đăng ký và truy cập hoàn toàn miễn phí để tra cứu về các thông tin cảnh báo.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết