11/05/2012 - 09:52

Báo động tình trạng tùy tiện sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm

Trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành vào cuối tháng 4-2012 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo động tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP) phổ biến, không đúng qui định rất đáng lo ngại...

Sử dụng tràn lan phụ gia thực phẩm

Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố test nhanh kiểm tra hàn the trong thực phẩm. 

Việc sử dụng PGTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay rất phổ biến, ước tính có từ 70-90% các loại thực phẩm được chế biến có sử dụng PGTP. Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trung bình mỗi công ty sản xuất thực phẩm sử dụng 10-30 loại PGTP để chế biến thực phẩm. Đối với mỗi loại sản phẩm, trung bình sử dụng 5 loại PGTP. Trong đó, một số loại được sử dụng phổ biến là hương liệu, chất tạo ngọt, chất ổn định, phẩm màu, chất bảo quản... Có hiện tượng cùng một sản phẩm sử dụng nhiều loại PGTP cùng nhóm như chất bảo quản natribenzoat, kalisorbat hoặc nhiều loại màu, nhiều hương hoặc sử dụng cùng một lúc từ 2-3 chất ổn định.

Qua khảo sát các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường từ năm 2008-2011, tỷ lệ PGTP không nằm trong danh mục và vượt quá giới hạn cho phép rất đáng lo ngại. Theo khảo sát của các viện và các địa phương, tỷ lệ sử dụng PGTP ngoài danh mục trong chế biến, bảo quản thực phẩm ở phía Bắc là 50%-80%, phía Nam là 54%-70%, miền Trung 57%-87% và Tây Nguyên là 30%; tỷ lệ sử dụng PGTP trong danh mục nhưng vượt quá hàm lượng cho phép ở phía Nam từ 33%-93%, miền Trung từ 18%-87% và Tây Nguyên từ 22%-37%. Trong đó đáng lưu ý, ở khu vực phía Nam, theo Viện Vệ sinh y tế công cộng, qua xét nghiệm mẫu thực phẩm thì 68% mẫu thực phẩm dương tính với hàn the, trong khi chất này không có trong danh mục PGTP được phép sử dụng. Ngoài ra, cũng có từ 17% mẫu dương tính với formol, 75% mẫu dương tính chất tẩy trắng và 54% mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Tại khu vực miền Trung, các mẫu do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện cho thấy có 17/30 mẫu (chiếm tỷ lệ gần 57%) dương tính với phẩm màu công nghiệp...

Phụ gia thực phẩm Trung Quốc chiếm 30%

Việc sử dụng PGTP nhiều, vượt quá giới hạn cho phép gây băn khoăn lo lắng cho nhiều người dân. Đáng ngại hơn, theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và báo cáo của các địa phương, số lượng các cơ sở sản xuất PGTP tại Việt Nam rất ít (ước lượng chiếm khoảng 5-10% lượng PGTP tiêu thụ tại Việt Nam). PGTP chủ yếu được nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Trong đó, khoảng 10 công ty chuyên nhập khẩu trực tiếp PGTP có nguồn gốc từ Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... Trong đó, PGTP có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm trên 30%.

Kết quả kiểm tra đối với PGTP nhập khẩu trong 3 năm từ 2009 đến tháng 9-2011 cho thấy có 35.153 lô hàng PGTP được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng số trên 191.919 tấn. Trong đó, 11 lô hàng không đạt yêu cầu với số lượng trên 1.251 tấn. Song song đó, PGTP còn được nhập tiểu ngạch, chủ yếu từ Trung Quốc. Lượng PGTP nhập khẩu không chính ngạch, chất lượng không đảm bảo, trong đó có số lượng lớn nhập lậu từ Trung Quốc.

Tình hình vi phạm sử dụng PGTP phổ biến. Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ngành chức năng phát hiện nhiều công ty để PGTP hết hạn sử dụng trong kho lên đến vài chục tấn... Tháng 6-2011, ngành y tế phối hợp các ngành liên quan đã phát hiện, buộc thu hồi, tiêu hủy 146,863 tấn sản phẩm có chứa chất phụ gia tạo đục DEHP và 100 kg chất phụ gia tạo đục DEHP... Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2009 đến hết tháng 6-2011, thành phố đã thanh tra chuyên đề về PGTP tại 84 cơ sở thì phát hiện 66 cơ sở vi phạm, tiêu hủy hơn 19.034 kg thực phẩm có chứa phụ gia không thuộc danh mục được phép sử dụng. Theo đánh giá của các chuyên gia, số cơ sở vi phạm được phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh... tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc quản lý PGTP. Tuy nhiên văn bản quản lý lĩnh vực này chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ danh mục các chất PGTP được phép sử dụng trong thực phẩm chưa được chỉnh sửa, bổ sung nên có một số không còn phù hợp với danh mục đang được Codex (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm) hướng dẫn và các nước trên thế giới đang sử dụng. Hầu hết các địa phương mới chỉ có khả năng kiểm tra xác định với một số PGTP thường gặp như chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo ngọt và một số xét nghiệm đơn giản khác. Đối với việc kiểm nghiệm PGTP nguyên liệu đều chưa làm được...

Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về quản lý PGTP, sớm ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (trong đó có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm về PGTP), song song với việc tăng cường biên chế cán bộ làm công tác quản lý ATTP.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết