07/01/2020 - 15:12

Đảng ta - Người mở đường và truyền cảm hứng cho khát vọng vươn lên của toàn dân tộc

Bài 2: Sáng tạo, dũng cảm lãnh đạo thực hiện đường lối cách mạng 

Thực tiễn 90 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy: Đảng không chỉ là người đề ra đường lối cách mạng đúng đắn mà còn là chủ thể kiên quyết, sáng tạo, dũng cảm lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện thắng lợi đường lối đó qua từng giai đoạn lịch sử, tiến tới hoàn thành mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng.

Hiện thực hóa đường lối lãnh đạo - tài năng và thành quả vĩ đại của Đảng

Gần 8 năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) ký ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đây là chủ trương đúng đắn, bước hoàn thiện đường lối lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh với “giặc nội xâm” của Đảng. Thế nhưng, khi nghị quyết được ban hành đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều, biểu hiện thiếu niềm tin về tính thiết thực, hiệu quả ở một số cán bộ, đảng viên. Quá trình triển khai, đâu đó trong hàng ngũ của Đảng chưa thật nhất quán, quyết tâm tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các thành phần tiêu cực, vốn rơi vào suy thoái, biến chất trước đó lại ra sức đả kích, bóp méo nội dung và ý nghĩa chính trị của nghị quyết...

Vượt lên tất cả, Đảng nhất quán quan điểm xuyên suốt: Việc xây dựng và triển khai nghị quyết chỉ là bước đi nền tảng ban đầu, quan trọng là ý chí và nỗ lực của Trung ương và hệ thống tổ chức đảng trong lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết đạt được đến đâu mới là vấn đề quyết định!

Với quyết tâm đó, trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thực hành nêu gương làm trước, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng tiêu cực, tạo sức mạnh và lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội. Cùng với đó, Trung ương tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, với “quyết tâm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn” đã tự nó đánh thức lương tâm, trách nhiệm chân chính của cán bộ, đảng viên.

Bài 2: Sáng tạo, dũng cảm lãnh đạo thực hiện đường lối cách mạng
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống, Trung ương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) giành thắng lợi. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chủ trương đưa Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Trung ương Đảng, do Tổng Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo, tái thành lập Ban Nội chính Trung ương và phát huy cao độ chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm nòng cốt trong tiến hành cuộc chiến vốn dĩ đầy khốc liệt này.

Cùng với đó, Trung ương giao nhiều phần việc quan trọng cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét xử lý và tham mưu cho Trung ương. Bộ Chính trị phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp theo dõi các lĩnh vực phụ trách; dẫn đầu các đoàn kiểm tra, khảo sát của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đối với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong cả nước. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN luôn chủ động nhận định, đánh giá đúng tình hình, quyết liệt đưa các vụ án phức tạp, khó khăn, được dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi để đẩy mạnh giải quyết, xử lý dứt điểm... Trung ương còn quyết liệt giao các ban Đảng và cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn về việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực, cũng như việc nêu gương của đội ngũ đứng đầu tổ chức đảng các cấp trong thực hành rèn luyện đạo đức cách mạng và tiên phong PCTN...

Chính nhờ đó mà tiêu cực, tham nhũng không ngừng được đẩy lùi; cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực, lạc quan tham gia đấu tranh với tiêu cực một cách quyết liệt, mạnh mẽ; thậm chí, phần việc này còn trở thành phong trào “đốt lò” ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Đây thực sự là minh chứng sinh động cho năng lực lãnh đạo triển khai thực hiện đường lối của Đảng trong thời gian qua. Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Việc ban hành được nghị quyết, đường lối lãnh đạo đúng, trúng vốn đã khó; lãnh đạo hoàn thành được đường lối đề ra càng khó hơn gấp bội. Điều đó đòi hỏi năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối tuyệt vời của Đảng ta.

Tương tự, cách đây gần 15 năm, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị, khóa IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Nghị quyết ra đời vấp phải nhiều chiều dư luận, nhiều ý kiến lo ngại vì chế độ một người chỉ huy đã ăn vào nếp nghĩ, cách thức vận hành, hoạt động của quân đội trong nhiều thập kỷ qua; sẽ rất khó trong vận hành và dễ tạo ra mâu thuẫn giữa cán bộ quân sự và cán bộ chính trị.

Thế nhưng, bằng nhiều nhóm giải pháp quyết liệt, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo thực hiện triệt để, đồng bộ chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở nhiều cấp trong quân đội chỉ sau một năm triển khai. Không lâu sau đó, hệ thống các quy định, quy chế, mẫu biểu chức trách nhiệm vụ, nền nếp hoạt động, mối quan hệ công tác... cơ bản được hoàn thiện, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn quân đội. Đến năm thứ 8 (năm 2014), khi tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 51 trong Đảng bộ Quân đội đã khẳng định tính đúng đắn và thành công tuyệt vời của công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 51 từ Trung ương về cơ sở.

Đó là hai dẫn chứng cụ thể khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng; góp phần viết tiếp truyền thống và chiến công của Đảng trong 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Theo đó, dù bất luận trong mọi hoàn cảnh, khi đã ban hành chủ trương, đường lối, thì từ Trung ương về cơ sở đều quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo triển khai thực hiện đến tận cùng, đến thắng lợi. Trải qua 5 lần xây dựng, bổ sung, Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930); Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1930); Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội II của Đảng (2-1951); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam (6-1991); Cương lĩnh bổ sung phát triển (2011); cùng nhiều kết luận, nghị quyết đại hội đảng qua các nhiệm kỳ; Trung ương cũng cụ thể hóa và hiện thực hóa bằng hàng vạn chỉ thị, chiến lược, kế hoạch khác nhau. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng của Đảng ban hành hàng triệu văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm bảo đảm cho chủ trương sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực... Đặc biệt, trong từng nhiệm vụ, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phân công cán bộ, lực lượng trực tiếp phụ trách công tác lãnh đạo và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Trong lãnh đạo vận hành đường lối chiến tranh cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, Trung ương Đảng là cơ quan cao nhất lãnh đạo điều hành, quyết định cuối cùng những vấn đề chiến lược. Ở mỗi mặt trận, chiến trường, nhất là nơi trọng điểm, then chốt, khó khăn, ác liệt nhất đều có cán bộ do Trung ương lựa chọn, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các bộ phận, lực lượng. Cùng với đó, hàng vạn đảng viên của Đảng là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, LLVT nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân trực tiếp cầm súng đương đầu với kẻ thù xâm lược. Ở mỗi đại đội đủ quân trong biên chế Quân đội nhân dân đều có chi ủy, chi bộ trực tiếp lãnh đạo quyết định phương án chiến đấu trong từng tình huống, trận đánh cụ thể...  Đồng thời, quá trình lãnh đạo tiến hành chiến tranh, Đảng không ngừng giáo dục, rèn luyện, đào tạo, động viên, thuyết phục quần chúng một lòng kiên định với lý tưởng cộng sản, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần hiện thực hóa đường lối cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.

Như vậy, để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đánh đuổi ngoại xâm, giành lại hòa bình cho dân tộc, thì Đảng phải mất hàng chục năm trường kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, với 15 năm tranh đấu không ngừng nghỉ, khéo tạo dựng và tận dụng thời cơ lịch sử làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, thành lập chính quyền cách mạng của quần chúng nhân dân; 9 năm lãnh đạo tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược bền bỉ “máu trộn bùn non”, kiến tạo Chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”; 21 năm trường kỳ gian khổ, hy sinh để viết nên Đại thắng mùa Xuân 1975 bất diệt, vĩ đại, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Sáng tạo kiến thiết và hiện thực công cuộc đổi mới

Sau ngày đất nước hòa bình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc trường chinh mới là kiến thiết đất nước trên đống đổ nát, hoang tàn của chiến tranh. Lúc bấy giờ, không ít quan điểm manh nha từ chính nội bộ lo ngại rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo tổ chức phát triển kinh tế-xã hội. Nhận định và lo ngại ấy cũng có một phần nguyên cớ, bởi lẽ trong giai đoạn từ năm 1975 đến những năm đầu của thập niên 1980, Đảng phải đối diện với không ít khó khăn, lúng túng, yếu kém; thậm chí là sai lầm, chủ quan duy ý chí trong quá trình lãnh đạo tổ chức công cuộc kiến thiết... Trong khi đó, các thành phần phản động, chống phá cách mạng quyết liệt rêu rao: Đảng cộng sản chỉ giỏi lãnh đạo kháng chiến, chứ khi có hòa bình rồi thì nên trao sứ mệnh lãnh đạo xã hội cho một đảng phái khác.

Bấy giờ, làm gì để tháo gỡ khó khăn thực tiễn đặt ra quả là bài toán vô cùng hóc búa với toàn Đảng và Trung ương Đảng!

Bằng trách nhiệm và quyết tâm đi tìm lời giải cho bài toán cách mạng, ngay trong các nhiệm kỳ của Đại hội IV và Đại hội V, các đồng chí Trung ương và lãnh đạo các cấp đã tích cực tìm kiếm mô hình, quyết liệt làm trước, chủ động xông vào thực tiễn, thâm nhập cơ sở để trải nghiệm, đúc rút và khái quát thực tiễn, tổng kết thành lý luận, làm căn cứ hoạch định chủ trương lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Chính nhờ sự dấn thân, lăn xả đó, những chủ trương đổi mới của Đảng được manh nha từ Đại hội IV, V, rồi dần hoàn thiện, bổ sung phát triển tại Đại hội VI (1986) của Đảng trở thành ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho sự nghiệp đổi mới.

Thực chất đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng đề ra là các nhóm chủ trương, giải pháp nhằm giải phóng sức lao động cho lực lượng sản xuất xã hội. Khi quần chúng nhân dân được thực sự làm chủ, đã tự thân làm mới chính mình. Quần chúng trở nên tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo thực hành lao động sản xuất với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, góp phần sản xuất ra ngày càng nhiều của cải, hàng hóa và tăng cường cơ sở vật chất cho đất nước.

Mệnh lệnh từ Đại hội VI của Đảng đề ra được xem là dấu mốc trong hoạch định đường lối cách mạng; thế nhưng quan trọng là từ đường lối đúng, đã được Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo thực hiện triệt để; biến chủ trương thành quyết tâm chính trị và kế hoạch hành động của toàn Đảng, toàn dân. Trung ương đã khéo lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công quá trình tự do hóa kinh tế, tức là xóa bỏ mệnh lệnh, tập trung quan liêu bao cấp và từng bước vận hành các quy luật của thị trường. Đến năm 1989, công cuộc đổi mới được tiến hành thực sự trên thực tế và dấu mốc là bước xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp ở Việt Nam.

Nhìn lại 34 năm đổi mới, với những thành quả kỳ vĩ, chúng ta thành tâm biết ơn Đảng, biết ơn những nhà lãnh đạo của Đảng đã dấn thân vào cuộc trường chinh mới; về với nhà máy, công xưởng, trăn trở với đồng ruộng, vườn tược, thấu hiểu phong tục canh tác, nhịp điệu sản xuất của người dân để khởi tạo, xới lên nhịp điệu đổi mới toàn diện... Bà Võ Thị Kim Cúc, 80 tuổi, cán bộ hưu trí ở Ba Động (Ba Tơ, Quảng Ngãi) vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng của mấy chục năm trước, để nhắc con cháu về quãng thời gian mà người ta quen gọi là thời bao cấp. “Thế hệ chúng tôi nhớ như in một thời khắc khổ, thiếu cơm, thiếu áo và cả những đồ dùng sinh hoạt thông thường. Cũng vì đó mà có được cuộc sống hôm nay, chúng tôi vô cùng trân quý, biết ơn sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới suốt mấy chục năm qua”, bà Cúc chia sẻ.

Kể từ Đại hội VI của Đảng, trải qua 5 nhiệm kỳ đại hội kế tiếp quyết liệt lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đến Đại hội XII của Đảng, Trung ương một lần nữa chỉ rõ yêu cầu phải "đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới". Vẫn với tư tưởng bao trùm là giải phóng sức lao động, làm cho sản xuất bung ra, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã ban hành hai nghị quyết rất quan trọng, lãnh đạo đổi mới kinh tế đất nước, đó là: Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Hai nghị quyết này được các chuyên gia kinh tế ví như “đôi tay khỏe khoắn” mở toang cánh cửa đổi mới, tạo sức bật cho sự nghiệp đổi mới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là khởi điểm của những chủ trương về giải phóng sức sản xuất cho người lao động, tạo động lực cho công cuộc đổi mới suốt 34 năm qua, thì chủ trương Đại hội XII của Đảng, nhất là Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo kỳ vọng đưa sự nghiệp đổi mới bước sang một trang mới.

Nói cách khác, nếu so ví việc giải phóng sức lao động trong 34 năm qua đã thành công, chủ yếu theo bề rộng (thể hiện chủ yếu ở số lượng, kết cấu và một phần ở chất lượng lao động) thì giải phóng sức lao động trong giai đoạn kể từ sau Đại hội XII được diễn ra theo chiều sâu, hướng đến cơ chế, chế tài, điều kiện bảo đảm việc phát huy hết khả năng, trình độ của lực lượng sản xuất. Thực tế đó một lần nữa khẳng định năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối đổi mới tuyệt vời của Đảng ta!

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, rất cần sự quyết liệt hơn nữa ở các cấp, các ngành trong tiến hành giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Cần làm cho mọi công dân Việt Nam hôm nay nhận thức rõ hơn mối quan hệ máu thịt, không thể tách rời giữa việc hoạch định đường lối và lãnh đạo thực hiện đường lối; thấy rõ tầm quan trọng của việc lãnh đạo triển khai các kết luận, nghị quyết chỉ thị của Đảng. Bởi lẽ, dù có xây dựng được đường lối đúng đắn và hay đến mấy, nhưng lãnh đạo tổ chức thực hiện kém thì kết quả đạt được cũng không cao.

Cùng với đó, Trung ương quyết liệt hơn trong đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối. Phải hạn chế, đẩy lùi bằng được các biểu hiện xem nhẹ công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối ở cấp cơ sở. Khắc phục ngay tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng nghị quyết, hoàn thành việc triển khai học tập xong là “phủi trách nhiệm”, phó thác hoặc khoán trắng cho bộ máy nhà nước và các tổ chức đoàn thể, xã hội tổ chức thực hiện. Thực chất đây là một dạng buông lỏng công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện và hệ quả mang tới không chỉ gây cản trở công cuộc phát triển mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tiêu cực, khuyết điểm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Trong 41 kỳ họp vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lần nào cơ quan này cũng chỉ ra các vụ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm nguyên tắc, suy thoái về đạo đức, lối sống mà nguyên nhân có một phần là do buông lỏng công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối của tổ chức đảng.

Ngược lại với thực trạng nêu trên, hiện nay, ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng lại không nắm chắc chức năng, nhiệm vụ nên sinh ra bao biện, làm thay mọi việc cho chính quyền, đoàn thể. Hậu quả là sinh ra bệnh trông chờ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; trong đấu tranh chống tiêu cực cũng đợi cơ quan đảng đi tiên phong rồi mới căn cứ vào đó làm theo một cách rập khuôn máy móc... Cùng với đó, ở nhiều nơi quy trình lãnh đạo của tổ chức đảng: Xây dựng nghị quyết, ban hành nghị quyết, triển khai học tập, tổ chức lãnh đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát... chưa được vận hành tròn khâu; còn bỏ trống việc tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả lãnh đạo thực hiện đường lối... Đó là những khuyết thiếu, hạn chế cần sớm được nhận diện, khỏa lấp để vai trò của tổ chức đảng nói riêng, của Đảng ta nói chung được phát huy hiệu quả nhất trong quá trình lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới đất nước.

(còn nữa)

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Chia sẻ bài viết