Ký * VÂN LÂM
Hơn 15 năm qua, bác sĩ Trương Thúy Lam, Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, như cánh chim không mỏi, tìm đến những vùng đất nghèo khó để chăm sóc sức khỏe, mang niềm vui cho người nghèo. Chị cũng là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Y, bác sĩ trẻ tình nguyện Tỉnh đoàn An Giang, một tổ chức chuyên khám chữa bệnh từ thiện- xã hội.
 |
Bác sĩ Trương Thúy Lam đang khám bệnh cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: NGUYÊN SA. |
* Cánh chim không mỏi
Kim đồng hồ chưa chỉ đến 5 giờ sáng nhưng bác sĩ Thúy Lam đã giục tôi thức dậy chuẩn bị cho chuyến đi khám bệnh ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Đã quen với những lần đi xa khám bệnh cho người nghèo, tất cả đồ dùng cần thiết đã được bác sĩ Thúy Lam chuẩn bị sẵn. Thấy chị xếp đồ vào 5 chiếc va- li, tôi thắc mắc: “Đi khám bệnh sao mang đồ nhiều quá vậy chị?”. Chị cười, ra vẻ bí mật: “Đến nơi em sẽ biết thôi”.
Hơn 3 giờ xe của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (đơn vị tài trợ) đưa đoàn khám bệnh đến xã Định An, huyện Gò Quao. Tuy còn khá sớm nhưng người dân có mặt rất đông, nhiều người tới đây khi trời chưa hừng sáng. Nhanh nhẹn, chị xách chiếc va-li đi thẳng đến phòng làm việc, rồi lấy đồ nghề ra chuẩn bị khám bệnh. Bệnh nhân đầu tiên là cháu Thạch Tiến, nhà ở xã Định An, hơn 6 tuổi nhưng trông cháu Tiến chẳng khác đứa trẻ mới lên 3 với thần hình gầy guộc, xanh xao, trên mình khoác bộ đồ cũ, rách nhiều chỗ. Khám xong cho cháu, bác sĩ Thúy Lam gọi tôi vào, nói nhỏ: “Em ra mở mấy chiếc va- li, lấy vài bộ quần áo tặng cho cháu Tiến đi!”. Tôi tỏ ra lúng túng thì chị nói tiếp: “Mấy chiếc va-li hồi sáng em hỏi, là đồ cũ đã giặt sạch, của ít lòng nhiều, mình giúp được gì cho bà con thì giúp!”. Lúc này tôi mới biết, ngoài việc đi khám bệnh, bác sĩ Thúy Lam còn mang theo rất nhiều quần áo cũ để tặng cho bà con nghèo. Sau một ngày cật lực với công việc của đoàn, trời đã chạng vạng nhưng bác sĩ Thúy Lam cùng cộng sự vẫn miệt mài làm việc. “Còn hơn chục người, mình cố gắng khám cho xong để cho bà con về sớm!”- bác sĩ Thúy Lam động viên đồng nghiệp, ai nấy tuy mệt nhưng vẫn nhiệt tình, vui vẻ. Kết thúc ngày làm việc, bước ra khỏi phòng khám bệnh, gương mặt bác sĩ Thúy Lam tái đi vì mệt, đói nhưng không giấu được niềm vui. “Thú thật, đi khám bệnh ở xa hơi cực nhưng nhìn thấy bà con vui khi được khám bệnh, phát thuốc, mình cũng vui lây, cực nhọc mấy cũng chịu được”- bác sĩ Thúy Lam tâm sự.
Hơn 15 năm đồng hành cùng các mạnh thường quân đi khám bệnh cho người nghèo, bác sĩ Thúy Lam không nhớ đã đặt chân đến bao nhiều vùng đất xa xôi, nghèo khó. Từ vùng sông nước ĐBSCL đến Tây Nguyên, miền Trung rồi cả các tỉnh Kandal, Takeo, Sponchưpơ, Sponchưnăng của nước bạn Campuchia... Trải qua bao năm làm công tác từ thiện- xã hội, điều hạnh phúc nhất đối với chị chính là đem đến niềm tin và làm vơi bớt nỗi đau bệnh tật cho bà con nghèo. Mở túi xách, trân trọng lấy ra bức thư cho tôi xem, chị kể: “Hôm đó tôi đi làm về thì nhận được lá thư này. Đó là thư của một người đàn ông vùng cao tên BRẻo cám ơn tôi đã cứu sống vợ anh ta. Nghĩ mãi, tôi mới nhớ có lần đi khám bệnh ở tỉnh Lâm Đồng, tôi phát hiện một phụ nữ mang thai hơn 2 tháng nhưng thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ khá lâu. Sau khi nghe tôi báo kết quả siêu âm, đôi vợ chồng trẻ ôm nhau khóc ròng. Tôi khuyên anh BRẻo nhanh chóng chở vợ đến bệnh viện kẻo quá muộn nhưng anh nói trong túi không có tiền. Thấy vậy, tôi cùng anh em trong đoàn giúp anh hơn 2 triệu đồng, rồi nhờ xe của đoàn khám bệnh đưa vợ anh BRẻo vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng điều trị”. Nhờ được nhập viện kịp thời, vợ anh BRẻo đã được phẫu thuật, thoát cơn nguy kịch...
* Theo tâm nguyện của cha
Cụ Trương Công Tài, thân sinh của bác sĩ Thúy Lam, là dược sĩ giỏi có tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cụ kiên quyết gạt bỏ danh lợi, tiền tài để đi theo cách mạng. Cụ Trương Công Tài luôn dạy con: “Làm nghề y, chữ tâm, chữ đức phải đặt lên hàng đầu, phải luôn nghĩ đến người bệnh, người nghèo, vì lợi ích cộng đồng...”. “Lời căn dặn đó của cha, tôi không bao giờ quên”- Bác sĩ Thúy Lam tâm sự. Từ nhỏ chị Thúy Lam đã bộc lộ niềm đam mê trở thành bác sĩ. Năm 1990, chị tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh với kết quả học tập loại giỏi, nhưng chị đã bỏ qua nhiều cơ hội làm việc ở các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh để về quê hương An Giang phục vụ cho bà con nghèo.
Để tập hợp đội ngũ y, bác sĩ tham gia công tác khám, chữa bệnh từ thiện, bác sĩ Thúy Lam đề xuất Tỉnh đoàn An Giang thành lập CLB Y, bác sĩ trẻ tình nguyện và đến năm 1997, CLB được thành lập, do bác sĩ Thúy Lam làm Chủ nhiệm. Lúc đầu, CLB chỉ có vài y, bác sĩ tham gia, nguồn thuốc, trang thiết bị khám bệnh rất thiếu thốn nhưng với sự tận tâm, uy tín, các thành viên trong CLB đã vận động đồng nghiệp, bạn bè, các doanh nghiệp tham gia, tài trợ cho CLB, qua đó, ngày càng nhiều người tham gia. Anh Nguyễn Thành Thái, thành viên của CLB, nói: “Chị Thúy Lam thường nói với chúng tôi “Làm bác sĩ niềm vui lớn nhất không gì khác chính là cứu lấy mạng sống cho bệnh nhân trước lưỡi hái tử thần, đem lại niềm hạnh phúc cho người khác. Cũng chính nghĩa cử vì mọi người của bác sĩ Thúy Lam mà tôi tình nguyện tham gia CLB, chung tay chăm sóc sức khỏe cho bà con nghèo”.
Hơn 13 năm hoạt động, CLB Y, bác sĩ trẻ tình nguyện Tỉnh đoàn An Giang đã mang đến niềm vui cho biết bao lượt bệnh nhân. Bà Phạm Thị Hoa Ray, Bí thư Tỉnh đoàn An Giang, cho biết: “Mỗi năm có từ 50 100 ngàn lượt người nghèo được CLB Y, bác sĩ trẻ tình nguyện Tỉnh đoàn An Giang khám chữa bệnh miễn phí, với kinh phí phục vụ hơn 2 tỉ đồng. CLB Y, bác sĩ trẻ tình nguyện Tỉnh đoàn An Giang thành công như hôm nay cũng nhờ bác sĩ Trương Thúy Lam, người “đứng mũi chịu sào”, lèo lái CLB”. Với tinh thần tích cực đóng góp vì sức khỏe của cộng đồng, bác sĩ Trương Thúy Lam đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam UBND; tỉnh An Giang tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương về thành tích chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Trân trọng lắm thay tinh thần vì bệnh nhân nghèo của bác sĩ Trương Thúy Lam, mong rằng ngọn lửa nhiệt tình của chị, của CLB Y, bác sĩ trẻ tình nguyện Tỉnh đoàn An Giang ngày càng lan rộng để thêm nhiều thầy thuốc trẻ hướng về cộng đồng qua những việc làm thiết thực, chăm lo cho người nghèo, nêu cao tinh thần trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc.