06/06/2012 - 21:19

Bà Tám khốn khó, mong được giúp đỡ !

Tuy cánh tay phải đau nhức, không cử động được, Bà Tám vẫn cố gắng tự sắc thuốc nam uống để trị bệnh...

Chúng tôi vừa đi gần đến cửa căn chòi nhỏ của bà Hồng Thị Tám, (85 tuổi) che tạm trên một khoảng đất trong vườn nhà, ở ấp Khánh Hội A, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã loáng thoáng nghe tiếng bà ho sặc sụa. Nghe tiếng nói chuyện lao xao, bà Tám để tay lên ngực để nén cơn ho, đưa mắt nhấp nhem nhìn ra cửa, cố gượng lên tiếng chào khách....

Trời đã quá trưa, nhưng bếp núc bà Tám lạnh tanh, chỉ có tiếng nước sôi phát ra từ chiếc ấm cũ kỹ, sứt quai. Bà Tám thì thào cho biết, bà đang sắc thuốc nam uống, trị bệnh gai cột sống, trật khớp vai và đau nhức tay chân. Bỗng dưng, bà Tám nhăn mặt, khó nhọc ngồi lên giường, ôm lấy cánh tay phải, rên khe khẽ. Người hàng xóm cho biết: Từ lúc chẳng may trượt chân té ngã đến nay, sức khỏe bà suy yếu dần, đi đứng khó khăn, nhưng không có ai chăm sóc”.

Do tuổi cao, đau ốm liên miên, phần trí nhớ giảm sút, nên qua lời kể của bà Tám, về cuộc đời mình là những mẩu chuyện đứt quãng, không đầu không đuôi. Bà Tám nhớ Phú An là quê gốc của mình, bà chỉ có một anh trai, đã qua đời từ lâu do bom đạn chiến tranh. Nhà nghèo, nên bà Tám không được học hành nhiều, chỉ biết đi làm mướn kiếm sống. Có thời gian, bà Tám là cán bộ Hội Phụ nữ nhiệt tình, tích cực, không nề hà khó nhọc. Sau giải phóng, bà Tám lại tiếp tục đi rửa chén quán ăn, giúp việc nhà khắp nơi, từ Cần Thơ, Hậu Giang đến Kiên Giang, Vũng Tàu... Bà Tám trầm ngâm: “Do không người thân thích, nên tôi đi nhiều nơi cho khuây khỏa và tìm vui với không khí gia đình. Tôi vốn chăm chỉ, thật thà, nên được gia chủ yêu mến lắm, nên vơi đi mặc cảm cô đơn”. Khi 60 tuổi, không còn nhanh nhạy, khỏe mạnh, bà Tám về quê, ở nhà trọ, đi làm cỏ mướn, bán vé số dạo... kiếm sống ở chợ Cái Chanh. Thương bà Tám chịu khó, bà con tiểu thương thường giúp bà lon gạo, bó rau, miếng thịt...

Cách nay 3 tháng, do bệnh cao huyết áp, bà Tám chẳng may trượt chân té gãy xương tay, trật khớp vai khá nặng. Thấy vậy, chị Lê Thị Mận, người cháu họ xa, mang bà về chăm sóc. Nhà chị Mận rất nghèo, làm vài công ruộng mà phải nuôi 7 người con, nên cuộc sống rất chật vật, khó khăn. Chị Mận bày tỏ: “Thấy bà Tám khổ, tôi thương lắm, nhưng ngặt nỗi, đôi khi nhà tôi không có gạo ăn, phải vay mượn nợ “ăn trước trả sau” để trang trải chi tiêu”. Bà con trong xóm người cho tôn, người giúp lá, người hỗ trợ tre, chị Mận dành phần đất bên hông nhà, che tạm cái chòi nhỏ để bà Tám tá túc, thuận tiện lo cho bà bữa cơm.... Mới đây, do tay yếu, chân run, bà Tám té ngã lần nữa, khiến bệnh tình càng thêm nặng. Không có điều kiện khám chữa bệnh, chị Mận hốt thuốc nam sắc cho bà uống và bó lá thuốc vào chỗ trật khớp, giúp bà qua cơn đau. Hiện nay, do nhiều căn bệnh như: cao huyết áp, teo cơ, tay phải đau nhức, không cử động được, liên tục hành hạ, khiến bà Tám trở ngại trong sinh hoạt, cần được chăm sóc, vì bà có thể té ngã bất thình lình, nguy hiểm tính mạng...

Ông Ngô Vĩnh Tiết, người cố cựu ở địa phương, biết rõ gia cảnh bà Tám, bùi ngùi bày tỏ: “Ở đây, ai cũng thương mến và cám cảnh bà Tám neo đơn, thui thủi, hết lòng giúp đỡ, sẻ chia khó khăn. Tuy nhiên, do đời sống bà con xung quanh rất vất vả, chuyên làm thuê kiếm sống nên không hỗ trợ được nhiều, thỉnh thoảng chỉ chén cơm, tô canh đạm bạc hay vận động nhà hảo tâm hỗ trợ vài mươi ngàn đồng giúp bà sống qua ngày”. Thông qua Báo Cần Thơ, ông Tiết và bà con chòm xóm mong mỏi các nhà hảo tâm rộng lòng giúp đỡ bà Tám có điều kiện khám và trị bệnh, để có thể sống an vui tuổi già”.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết