10/12/2007 - 10:41

Truyện ngắn

Bà Ba Tiệm

NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Đi dạy về, gần tới con hẻm Thanh đã thấy người bu nghẹt, lấn ra tới giữa đường. Ngừng xe lại, hỏi:

- Chuyện gì vậy? Đánh lộn hả?

Thằng Tý ở cùng hẻm nhảy ra, láu táu:

- Đâu phải. Bà Ba chết rồi anh Thanh ơi!

- Trời, mới tuần rồi mình lên mua nước đá, vẫn thấy bà bình thường mà !

Nghe nói bà Ba chết là vì bệnh huyết áp của người già, đứt mạch máu lớn là hôn mê ngay. Thanh nhớ đến cái dáng người thấp, đậm, gương mặt hồng hào nhân hậu của bà Ba, không ngăn được tiếng thở dài. Vậy là “Bộ tự điển sống” của xóm này đã ra đi rồi. Từ đây có còn ai nhớ đủ chuyện trên trời dưới đất về cái xóm nhỏ cặp theo con rạch này nữa. Ngay cả đến Thanh, ngụ cư ngót nghét bốn chục năm ở đây nhưng trong mắt bà Ba vẫn chỉ là một thằng bé. Mỗi lần gặp, bà lại mắng yêu:

- Mẹ mày, gần bốn mươi tuổi đầu sao không có vợ hả con? Ba má mày dưới kia chắc không yên tâm chút nào đâu đó.

Nhớ đến đó Thanh chợt thấy mắt cay cay, có giọt nước mắt đang từ từ bò xuống mũi. Lại thêm một tao chỉ nữa ràng buộc Thanh với cái xóm nghèo này đứt đoạn, lại thêm một người chứng kiến tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của thằng bé năm xưa biến mất.

* * *

Cái xóm nhỏ có từ khi nào, Thanh không biết, chỉ biết gia đình mình về đây từ những năm tản cư, chạy giặc Tây. Má Thanh kể : “Quê má ba trong rạch Cái Muồng kia, ông ngoại có nhà máy xay lúa lớn nhất nhì ở đó, nhưng thời buổi loạn lạc, súng đạn liên miên, phải bỏ vườn bỏ đất đi ra đây. May có ông chủ đất xóm này thương tình, cho cất nhà ở tạm rồi ở miết tới bây giờ”. Còn bà Ba, người cả xóm quen thuộc với cái tên “Bà Ba Tiệm” thì hay ngồi trên ghế xích đu gật gù kể chuyện cho đám con nít.

Mấy mươi năm rồi mà Thanh vẫn nhớ như in hình ảnh bà Ba ngồi thoải mái trên ghế xích đu, trong căn tiệm bán “hầm bà lằn” hàng trăm thứ, chậm rãi kể chuyện cho bọn con nít trong đó có Thanh ngóc miệng nghe say mê. Trong óc đứa nào đứa nấy tưởng tượng ra cảnh vật hoang sơ, cỏ lác rậm rì của cái xóm nhỏ ngó ra con rạch nhỏ đổ ra sông cái. Để cuốn hút bọn trẻ, bà Ba thường hào hứng giải thích về những cái tên đã thành quen thuộc với nơi này. Chẳng hạn như cái rạch có tên rạch Tham Tướng Mạc Tử Sanh, vị tham tướng đất Trấn Giang xưa; rồi cầu Tham Tướng, chợ Tham Tướng...

Còn nhớ bà Ba mấy lúc sau này hay cằn nhằn:

- Mắc giống gì phải đổi tên? Cầu thì lấp mất, con rạch xưa nước chảy vô chảy ra trong veo giờ muốn nghẹt thở vì rác rưởi, vì ô nhiễm. Chỉ còn cái chợ đông vui “Trên bến dưới thuyền” giờ lại bị đổi tên, thiệt khó nghe!

Bà Ba Tiệm là vậy, buồn vui ra mặt, không để bụng điều gì. Ừ. Mà có đúng bà Ba không để bụng điều gì không? Kẻ hậu bối như Thanh làm sao hiểu được!

Mấy ông già bà cả xóm này thường nói với nhau về “một thời oanh liệt” của bà Ba như một câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” mà chú nhóc ngày nào nghe loáng thoáng chỗ này chỗ nọ. Rằng bà Ba trước là con gái nhà giàu, đâu trên Bình Thủy, được gả về nhà chồng ở Cái Răng, cũng môn đăng hộ đối, con ông chủ ông cả gì đó. Nhưng ở với nhau mấy năm mà không có con, bị bên chồng ruồng bỏ, đi cưới vợ khác, trả bà về nhà cha mẹ. Nhưng bà Ba quyết không về, tách ra làm ăn buôn bán riêng rồi gá nghĩa cùng ông Ba, một khách thương hồ. Hai người sinh được hai đứa con rồi mới “lên bờ” tấp lại xóm này. Buồn cười cái là ông chồng cũ của bà không biết mình vô sinh nên cưới thêm mấy cô vợ bé nữa vẫn như không trong khi bà Ba đẻ hết đứa này đến đứa khác, tổng cộng 5 đứa, ba gái hai trai đều khỏe mạnh cùi cụi cả. Mà cô tiểu thư xưa cũng thật giỏi giang, lên cạn, xuống sông cô rất có “duyên” buôn bán, cứ từng bước tích tiểu thành đại nuôi mấy đứa con sởn sơ, ăn học thành tài. Những ngày còn nhỏ, mỗi khi theo má lên tiệm bà Ba mua đồ, Thanh đã thấy cái “uy” của bà Ba Tiệm đối với chồng con. Hình như cả nhà đều răm rắp nghe lời bà, đến nỗi mấy gã đàn ông hay tập tụ nhậu nhẹt trong xóm thường phàn nàn:

- Đố đứa nào rủ được Ba Hỉ đi nhậu. Y sợ vợ còn hơn sợ cọp!

Ngược lại mấy bà cứ lấy ông Ba làm gương:

- Đàn ông biết thương vợ thương con là vậy đó. Mấy ông không bằng cái móng chân của người ta còn bày đặt...

Riết rồi mấy gã đàn ông bét nhè trong xóm “ác cảm” với bà già bán tạp hóa lắm, nhất là sau khi ông Ba Hỉ mất đi, bà Ba lại càng mở rộng căn nhà nhỏ với hàng trăm thứ hàng hóa chất đầy. Có đi vào một tiệm tạp hóa mới thấy hết cái cần cù, kim chỉ của người chủ tiệm. Những mặt hàng từ nhỏ đến lớn không sao đếm xuể, giá cả từ năm trăm, một ngàn đến vài chục ngàn. Vậy mà bà chủ tiệm như in trong đầu mọi thứ, mở miệng nói giá không cần nhìn qua sổ sách mà chưa lầm lẫn lần nào.

Người lớn không biết sao chứ với chú bé Thanh ngày đó thì tiệm tạp hóa của bà Ba như chứa đủ thứ kỳ diệu, hấp dẫn. Từ những món đồ chơi mới mẻ hàng ngày đến bọc bánh, viên kẹo, vỉ thuốc, từ bia bọng, nước ngọt, rượu đế, giấm chua đến cây kim, ống chỉ... Mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt của xóm giềng, tiệm đều có đủ. Đúng là tạp hóa! Lớn lên, đi qua nhiều xóm lao động Thanh cũng phát hiện xóm nào cũng có ít nhất một tiệm tạp hóa như vậy. Cả đến gạo, nếp, nước mắm, tương chao cho bữa cơm đạm bạc những ngày mưa gió bão bùng, dân trong xóm cũng không cần phải ra chợ.

Mấy gã ma men trong xóm thường phàn nàn:

- Bà Ba “gắt mấu” quá, không bán chịu cho ai cả. Mua xị rượu cũng phải trả tiền liền, kẹt quá lại đong chịu lít gạo cũng không cho...?

- Bà Ba tiền của thiếu gì, tiếc gì mấy ngàn đồng bạc mà sợ chứ!

Các bà nội trợ cũng than:

- Chưa thấy ai “răng rắc” chuyện tiền bạc như bà Ba. Có điều mua đồ tiệm bà giá vừa phải, cân đong không bao giờ sai, uy tín lắm.

Thanh nhớ có lần theo má lên mua đồ, bà Ba nói với má:

- Ở xóm lao động này cô mà bán chịu cho một người là cả chục người xin mua chịu, dù họ sẵn tiền. Mua chịu đến lút đầu không thể trả nổi thì họ sẽ tìm mua chỗ khác. Thà là nhà nào nghèo túng quá mình cứ cho hẳn.

Có phải nhờ phương châm mua bán đó mà tiệm tạp hóa bà Ba vẫn đứng vững, ngày càng thêm nhiều mặt hàng trong khi một vài nhà khác trong xóm sau một thời gian ngắn mở ra bán tạp hóa đều phải “dẹp tiệm”?

Năm qua, tháng lại, bọn đàn ông trong xóm cũng quen dần với bà già khó tính, cố chấp. Bởi ai mà chẳng biết , mỗi khi “tối lửa tắt đèn”, mỗi khi có nhà ai gặp tai nạn, bất trắc, bà Ba luôn là người có mặt đầu tiên.

Căn tiệm tạp hóa của bà Ba còn trở thành “thông tấn xã” của cả xóm. Ông bà xưa dạy “Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, vậy mà dân xóm này có đi đâu khỏi xóm lâu lâu một chút khi về thế nào cũng ghé vào bà Ba Tiệm trước:

- Hổm rày xóm mình có gì lạ không bà Ba?

- Bà Ba thấy con vợ tui có đưa con đi học mỗi ngày không?

Hoặc:

- Bà Ba ơi, mấy hôm con về quê, chồng con có ra quán nhậu nhẹt không?

- Thằng Út Lác nhà tui hổm rày còn ra ghi số đề không bà Ba?

Những người lạ đến xóm có lẽ chỉ cần đến tiệm bà Ba, nghe hết mấy câu hỏi hay những mẩu chuyện ở đây chắc sẽ hiểu ít nhiều về đặc điểm sinh hoạt của cái xóm sát con rạch và gần khu chợ này.

Đám trẻ con thì vừa thích lại vừa “ngán” bà Ba Tiệm. Mấy đứa như thằng Tý, con Giỏi, Út Hương cha mẹ đi buôn bán, làm phụ hồ cả ngày, cơm không đủ ăn lấy gì mua bánh kẹo, thỉnh thoảng chạy ngang được bà dúi vào tay vài cục kẹo. Nhưng gây lộn, chửi thề trước mặt bà thì...

- Im cái miệng nghe chưa! Con nít không được nói tục, hư lắm, bà méc cô đánh đòn đó!

Nhiều lần thấy bà la bọn nhỏ, Thanh cũng mắc cười:

- Bà Ba ơi , tụi nó đâu có đi học, làm sao bị đòn được!

Những lúc đó bà Ba lại thở dài:

- Ừ, bà quên, tội nghiệp tụi nhỏ. Hồi đó bà ở quê không được đi học đã đành, bây giờ... sao mấy đứa cũng khổ vậy hổng biết.

Thanh nhớ mấy năm trở lại đây, phường khóm kết hợp với khu vực đã mở một lớp học tình thương cho tụi nhỏ mỗi tối tại nhà văn hóa khu vực, đứng dạy là mấy đoàn viên thanh niên trong xóm, coi như làm công tác cho địa phương. Nhưng lớp học cũng loe hoe. Nghe nói bà Ba đã thưởng kẹo bánh và một số đồ chơi cho mấy đứa chăm học, biện pháp này cũng “ép phê” chút chút , bởi với lũ trẻ xóm lao động này bắt đi học thì như “bắt cóc bỏ dĩa” ấy mà.

Bà Ba từng quyết liệt cự nự và đuổi mấy đứa bên kia chợ chui vào xóm chích xì ke buổi trưa. Bất kể mấy chị trong xóm khuyên:

- Kệ nó bà Ba ơi ! Công an nó còn không sợ huống chi mình. Rầy la nó rủi nó chích đại cho mình một mũi kim thì khổ!

- Vậy rồi bây chịu trận vậy hả? Rồi để cho con cháu bây sa vào con đường chết đó hả? Chờ công an chi bằng đồng lòng dẹp chúng, ít ra để giữ cho xóm mình. Tao già cả rồi , còn sợ gì nữa...

* * *

Đám tang bà Ba Tiệm hầu như cả xóm đi đưa. Có nhà đi cả vợ chồng con cái, có nhà một người đại diện. Hai chiếc xe đò 50 chỗ ngồi không chở hết người nên kéo theo sau cả hàng dài xe gắn máy, xe lôi , cả xe đạp. Ai cũng muốn đưa người dân kỳ cựu của xóm một đoạn đường. Mấy đứa trẻ ngồi nghẹt cứng trên mấy chiếc xe lôi, mắt đỏ hoe. Không biết chúng nhớ bà Ba hay những miếng bánh, viên kẹo mà từ nay khó lòng có nữa. Đám đàn ông thì sau cuộc nhậu đêm trước đã cố gắng tỉnh táo, nghiêm trang, không la lối như mọi hôm. Rộn nhất vẫn là mấy bà, có người khóc kể rầm rỉ còn hơn cả đám con cháu bà Ba Tiệm. Kể như bà Ba cũng đã ấm cúng, trọn vẹn trong tình làng nghĩa xóm, không còn ân hận gì.

Thanh cho xe chầm chậm theo sau xe tang, cảm giác như hôm đưa mẹ về quê. Nghĩ cho cùng bà Ba Tiệm chỉ là người lối xóm, là người dưng. Nhưng sao Thanh cứ nghĩ đến căn tiệm với trăm thứ thượng vàng hạ cám sẽ trống không, nghĩ đến chiếc ghế xích đu bằng mây vắng người đong đưa, những câu chuyện tắt lịm trong ngôi nhà quen thân biết mấy sáng sáng chiều chiều của chú bé năm nào, rồi cậu thanh niên đầy mơ mộng và con người cô độc bây giờ mà quặn lòng. Quả thật cuộc sống nghèo nàn, đơn điệu nơi xóm nhỏ đã làm con người mệt mỏi, khô cứng. Nhưng cái chết của bà Ba Tiệm dường như đã khiến họ tìm lại ít nhiều cảm xúc, nỗi niềm vốn từ lâu bị lãng quên. Và, theo sau là sự trống vắng, ngậm ngùi.

Bất chợt có ai đó trong đám đưa tang cất tiếng than khiến Thanh lạnh toát người:

- Bà Ba “đi” rồi , mấy thằng xì ke lại lộng hành trong xóm dữ đây!

Chia sẻ bài viết