06/07/2016 - 21:54

Nước Anh tìm thủ tướng thời hậu Brexit:

Bà May dẫn đầu vòng đua đầu tiên

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May (ảnh) đang đứng trước cơ hội trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 của Vương quốc Anh khi có chiến thắng thuyết phục trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm 5-7.

Theo kết quả kiểm phiếu, bà May giành được 165 phiếu ủng hộ từ 330 nghị sĩ đảng Bảo thủ và bỏ xa người xếp cuối cùng trong danh sách ứng cử là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox (chỉ có 16 phiếu). Xếp thứ 2 là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom (66 phiếu), kế đến là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Michael Gove (48 phiếu) và Bộ trưởng Bộ Lao động và Hưu trí Stephen Crabb (34 phiếu). Theo quy định, ông Fox với tư cách ứng viên nhận được ít phiếu nhất sẽ bị loại sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Riêng Bộ trưởng Bộ Lao động và Hưu trí Stephen Crabb tuyên bố dừng cuộc đua để dồn sự ủng hộ cho bà May. Như vậy, cuộc đua chỉ còn 3 ứng viên, sẽ bước vào vòng bỏ phiếu tiếp theo vào hôm nay (7-7) để chọn ra 2 người có số phiếu cao nhất. Quá trình lựa chọn người chiến thắng sẽ được 150.000 thành viên đảng Bảo thủ quyết định trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng và kết quả có thể công bố vào ngày 9-9 tới.

Với số phiếu gấp đôi so với người đứng nhì, bà May đang có cơ hội làm lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử Vương quốc Anh. Tất nhiên, kết quả này vẫn chưa chứng tỏ bà May chắc chắn tiếp tục dẫn đầu. Năm 2005, Thủ tướng Anh David Cameron từng xếp vị trí thứ hai ở vòng đầu tiên nhưng sau đó vươn lên dẫn đầu trong vòng 2 cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ. Tuy vậy, ngoài ông Crabb – người xếp thứ 4 trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox cũng tuyên bố ủng hộ bà May. Trong khi đó, 2 ứng viên khác là ông Gove và bà Leadsom đưa ra lập luận mạnh mẽ rằng người kế nhiệm chức thủ tướng nên thuộc bên chiến thắng, tức phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6.

Theo hãng tin Anh BBC, bà May từng ủng hộ chiến dịch vận động Anh ở lại EU của Thủ tướng Cameron. Nhưng với kết quả cử tri chọn giải pháp Anh rời EU (Brexit), bà May tuyên bố sẽ nỗ lực lèo lái đất nước ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu. Trong chiến dịch vận động, bà May cho rằng "Brexit vẫn là Brexit", qua đó loại trừ khả năng trưng cầu dân ý lần 2 cũng như bầu cử sớm. Còn trong bài phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 5-7, bà May cho biết nhiệm vụ lớn trước mắt hiện nay là đoàn kết lãnh đạo đất nước giành được thỏa thuận có lợi nhất khi rời EU và xây dựng nước Anh tốt nhất cho mọi người. "Tôi là ứng viên duy nhất có thể làm được 3 điều này" – bà May khẳng định.

Hiện tại, Anh đang chịu áp lực từ các lãnh đạo châu Âu về việc Luân Đôn phải nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán rời EU càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bà May trong chiến dịch vận động cho biết quá trình chính thức sẽ không bắt đầu cho đến cuối năm nay. Bà cũng khẳng định lập trường khác biệt so với các đối thủ, đó là đảm bảo công dân EU sống ở Anh được quyền ở lại chỉ khi công dân Anh sống tại EU hưởng các quyền tương tự.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Hỗn loạn và "tháo chạy"

Theo giới quan sát, kết quả cuộc trưng cầu dân ý với chiến thắng của phe đòi Brexit đã tác động mạnh mẽ đến các dự án của Anh với EU cũng như đe dọa tính thống nhất của chính nước này khi cử tri Scotland ủng hộ EU đang đòi độc lập khỏi Anh. Cuộc trưng cầu dân ý cũng làm rung chuyển trật tự chính trị tại Anh khi đẩy đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập vào tình trạng rối ren.

Trong khi đó, hai trong số những người đứng đầu phong trào Brexit là cựu Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tranh cử Thủ tướng, còn lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage thì tuyên bố từ chức. Động thái này dấy lên làn sóng chỉ trích, cho rằng các chính trị gia hô hào cho chiến dịch Brexit chỉ nhằm phục vụ tham vọng của bản thân. Cả ông Johnson lẫn ông Farage – những người được cho phải trực tiếp chịu trách nhiệm về chiến thắng của phe Brexit mà họ hô hào, giờ đây lại tháo chạy, chối bỏ trách nhiệm khi tạo ra một cuộc khủng hoảng với hậu quả chính trị, kinh tế khôn lường. "Các anh hùng Brexit của ngày hôm qua bây giờ chỉ là những người đáng buồn của ngày hôm nay" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận xét tại Nghị viện châu Âu.

Chia sẻ bài viết