08/01/2024 - 16:07

Áo dài kể chuyện quê hương 

Chương trình nghệ thuật trình diễn áo dài “Nơi tôi sinh ra” là hoạt động mở đầu năm 2024 của Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 18 nhà thiết kế (NTK) trong cả nước đã kể chuyện quê hương mình qua tà áo dài truyền thống.

NTK Huệ Thi (thứ 3, từ trái qua) và các người mẫu trong bộ sưu tập “Áo dài Mỳ Quảng”. 

Với chủ đề “Nơi tôi sinh ra”, “bài toán” đặt cho các NTK tham gia là làm sao giới thiệu được bản sắc của quê hương mình thông qua ngôn ngữ thời trang. 18 bộ sưu tập áo dài như một hành trình khám phá dọc dài đất nước. NTK Thanh Thúy mang đến bộ sưu tập giới thiệu về quê hương Ðiện Biên của chị. Chị cho biết, ông ngoại thường kể cho chị nghe về Ðiện Biên - nơi chị sinh ra, với hình ảnh những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những anh hùng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Ðiện Biên còn là vùng đất hoa ban khoe sắc, làm nên nét đặc trưng diệu kỳ của thiên nhiên. Những câu chuyện văn hóa, lịch sử đó được chị gửi gắm vào từng tà áo dài.

Với NTK Cao Minh Tiến, anh kể về “nơi tôi sinh ra - Hà Nội”. Ðó là câu chuyện về Thủ đô qua ký họa, làm nên nét cổ kính, rêu phong. Cũng kể về quê hương Hà Nội, NTK Trịnh Bích Thủy lại thể hiện trên áo dài hình ảnh những chiếc áo chần bông, áo lạnh mùa đông... đã là ký ức của bao thế hệ người Thủ đô thanh lịch.

Về với cố đô Huế qua bộ sưu tập của NTK Trần Thiện Khánh, những tà áo dài kể về nét đẹp nên thơ của Huế với công trình kiến trúc cung đình, cảnh vật mộng thơ. NTK Trung Beret đưa người xem về với Tây Nguyên qua những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng đất này. Uyển chuyển và khéo léo, áo dài gửi gắm những nét văn hóa Tây Nguyên đầy cuốn hút. Tương tự, NTK Minh Hạnh kể về Pleiku đầy nắng và gió, NTK Công Huấn kể về TP Hồ Chí Minh năng động và bản sắc...

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: “Nơi tôi sinh ra” là sản phẩm văn hóa đầu tiên của năm 2024, khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với các hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách. Chương trình có chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống. Câu chuyện về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau sẽ được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách.

Là 1 trong 18 NTK tham gia chương trình, NTK Huệ Thi, đến từ TP Cần Thơ mang đến bộ sưu tập “Áo dài Mỳ Quảng”, giới thiệu đặc sản của Quảng Nam - nơi chị sinh ra. “Tuổi thơ tôi sinh ra ở miền quê Quảng Nam, lớn lên từ gốc rạ, hằn sâu trong ký ức những tháng ngày mẹ cha lam lũ, vượt khó thoát nghèo đằng đẵng bữa đói bữa no. Dù cho lớn khôn đi khắp bốn phương trời cũng chẳng thể quên những khắc khoải làm hành trang trên suốt đường đời”, NTK Huệ Thi chia sẻ. Từ tình cảm đó, chị kể về quê hương xứ Quảng, về món mỳ Quảng trứ danh trên tà áo dài truyền thống.

Bộ sưu tập “Áo dài Mỳ Quảng” gồm 18 thiết kế cho người mẫu lớn và 12 thiết kế cho người mẫu nhí. Trên mỗi chiếc áo, người thưởng thức thấy thấp thoáng hình ảnh xứ Quảng, cảnh xay lúa, xay bột, tráng mỳ... Trên chất liệu tơ khóm Cầu Ðúc (Hậu Giang), chất liệu mộc mạc mới vừa được dệt từ Festival Áo bà ba Hậu Giang 2023, NTK Huệ Thi vẫn giữ bản sắc riêng là phối khăn rằn như cách nhận diện thương hiệu của mình, đồng thời thể hiện tình yêu sâu đậm cho miền Tây qua mỗi bộ sưu tập.

Chương trình nghệ thuật áo dài “Nơi tôi sinh ra” đã kể một câu chuyện văn hóa đầy ấn tượng. Lại nhớ lời ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương
ở đó em ơi”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết