03/02/2020 - 06:18

Anh thợ máy mê ruồi lính đen 

Ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, anh thợ máy Phạm Văn Số (xã Tân Khánh Đông) đang rất nổi tiếng vì những sáng tạo trong nông nghiệp. Nuôi ếch, gà, cá, đặc biệt là ruồi lính đen tuy chỉ là nghề tay trái nhưng đã giúp anh có thêm thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Chinh phục vùng đất mới

Anh số đang hướng dẫn công nhân chăm sóc nhộng ruồi lính đen.

Anh Số cho biết, hơn 10 năm trước, anh từ Bình Định vào miền Nam học ngành cơ khí chế tạo máy tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, anh đi khắp nơi lắp đặt, vận hành máy cho các nhà máy xay xát, chế biến thức ăn. Những chuyến đi như thế là trải nghiệm thú vị, không chỉ giúp anh có được cuộc sống ổn định mà còn là tiền đề thôi thúc anh tìm mô hình, cách làm mới để học theo. Những hình ảnh ao cá, đồng lúa ở miền Tây đã tác động để anh quyết định về Đồng Tháp thuê đất mở phân xưởng sản xuất và làm thêm mô hình nông nghiệp. “Ở quê tôi khí hậu khắc nghiệt, đất đai thì hạn chế diện tích nên khi về miền Tây tôi rất ấn tượng với việc nuôi, trồng ở đây. Bà con chất phác, thân thiện làm cho tôi thêm thích vùng đất này và muốn về đây lập nghiệp”- anh Số tâm sự.

Gần 5 năm bươn chải kiếm sống, hành trang anh Số về miền Tây là khoảng 100 triệu đồng tích cóp. Anh thuê một mảnh đất nhỏ tại xã Tân Khánh Đông để mở cơ sở sản xuất lưới sắt cho các nhà máy chế biến thức ăn và xay xát. Anh cho biết số tiền đó mua 2 cái máy là hết, nên anh phải vay mượn thêm. Lúc này tay trắng, để duy trì sản xuất, khi có người đặt hàng, anh cùng anh em trong xưởng đi xe máy lên TP Hồ Chí Minh mua tấm sắt về để dập lưới giao cho khách. Cứ thế, tuần nào cũng 1-2 chuyến đi về giữa Sa Đéc và TP Hồ Chí Minh. “Nhiều người nói làm vậy chi cho cực, mình chỉ cần đặt hàng họ đưa về rồi làm giao cho khách. Nhưng như vậy lại tốn thêm chi phí trong lúc mình đang cần tiết kiệm để tích lũy vốn. Nhờ đó, sau 3 năm tôi đủ tiền mua được 3 công đất có vườn, ao như hiện nay. Không chỉ có chỗ để mở cơ sở rộng rãi mà quan trọng là có đất để tôi làm thêm các mô hình nông nghiệp mà mình yêu thích”- anh Số nói.

Cách đây hơn 1 năm, trong lần giao hàng, thấy mô hình nuôi ruồi lính đen của anh Dương Hữu Thoại - người nuôi ruồi lính đen khá thành công ở Đồng Tháp - anh Số rất thích nên quyết định mua ruồi giống về nuôi thử nghiệm. Quá trình nuôi, anh thường xuyên trao đổi, học hỏi thêm từ anh Thoại để hoàn thiện kỹ thuật. Anh  Số cho biết: “Hiện nay, thức ăn trong chăn nuôi ngày một tăng giá nên thay vì lấy thức ăn công nghiệp cho ăn thì tìm rác về nuôi ruồi rồi tận dụng nhộng cho cá, ếch ăn sẽ giảm chi phí đầu vào, không chỉ tăng lợi nhuận mà còn góp phần xử lý rác ở các chợ, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Trả nợ quê hương

Ông Cao Anh Quới, cán bộ nông nghiệp xã Tân Khánh Đông, cho biết nuôi ruồi lính đen tuy là một mô hình mới nhưng đã cho thấy được hiệu quả về việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sản xuất trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, cần nghiên cứu để có những phải pháp nhân rộng mô hình, góp phần xử lý tốt nguồn rác thải trong sinh hoạt.

Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, anh Số đã nâng số lượng nuôi ruồi lính đen từ vài khay ban đầu ra hàng chục khay. Anh cũng quy hoạch trại nuôi thành nhiều khu vực riêng như khu nuôi nhộng, khu vực ruồi trưởng thành. Khu vực nuôi ruồi trưởng thành, anh dùng lưới vây kính, bên trong để các giá thể bằng gỗ cho ruồi đẻ trứng. Số trứng này được thu theo định kỳ để bán hoặc cho nở ra ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi.

Theo anh Số, nuôi ruồi lính đen rất đơn giản nhưng mang nhiều lợi ích không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Vòng đời của ruồi lính đen khoảng 30-45 ngày, chúng thường được cho đẻ trong các giá thể bằng gỗ, sau đó trứng nở thành ấu trùng rồi phát triển thành nhộng và lột xác thành ruồi. Thức ăn của ruồi lính đen rất dễ kiếm, chủ yếu là rau củ hư hỏng bỏ đi, phụ phẩm nông nghiệp… Anh cũng tận dụng rác ở chợ, bột thải của các cơ sở làm bún, bánh để mang về phối trộn, xay nhuyễn cho ruồi ăn, nhờ đó tiết kiệm chi phí. “Sắp tới tôi dự định dùng con nhộng ruồi nuôi thử nghiệm khoảng 1.000-2.000 con gà. Khi gà thải phân ra thì thả nhộng vô để chúng ăn phân gà cho sạch môi trường, rồi lấy con nhộng thả xuống cho cá ăn. Kết hợp như thế để hình thành chuỗi sản xuất đa con sẽ đạt lợi nhuận kinh tế cao hơn”- anh Số nói.

Sau hơn 1 năm nuôi thành công ruồi lính đen, nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm, rác ở chợ cùng với kết hợp nuôi thêm cá trê, ếch, bán nhộng, trứng ruồi lính đen, giúp anh Số thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Anh Số cho rằng nuôi ruồi không khó nhưng phải chịu khó, cần tận dụng rác để nuôi ruồi và đặc biệt kết hợp các con vật nuôi khác mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Ruồi phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25-300C. Muốn ruồi phát triển tốt thì nuôi thưa một chút, thức ăn phải đầy đủ, một ngày cho ăn thậm chí 3-4 lần cũng được; trong 10 ngày, nhộng đạt kích thước 3mm là đạt. Còn chuồng trại cũng đơn giản, nếu diện tích trại nhỏ thì để trên các khay, diện tích lớn thì để dưới đất rồi dùng tấm bạt lấy cây đóng xung quanh ven lại là được. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ruồi lính đen là phải làm sao để nâng cao hiệu quả sinh sản của chúng. Không chỉ bán trứng, nhộng ruồi lính đen để làm thức ăn trong chăn nuôi, mà xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón rất tốt”- anh Số nói. 

Nhiều năm xa nhà lại khá thành công trong công việc, giờ đây anh Số muốn trở về đóng góp cho quê hương. Dự án trang trại nuôi ruồi kết hợp gà, cá, lươn rộng khoảng 1ha đang được anh phác thảo chi tiết với mong muốn tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhưng trên hết là tạo một mô hình mới giúp thay đổi cách làm của bà con nông dân miền Trung.

“Trong những chuyến về thăm quê tôi thấy do đặc điểm khí hậu, đất đai nên thực tế có rất ít mô hình mới trong nông nghiệp. Thêm vào đó, con cá, con ếch còn ít huống chi con ruồi lính đen chưa ai nuôi. Trong khi cá, ếch đưa ra tới đó giá cả lại cao nên tôi quyết định sẽ mở trang trại ngoài đó. Trang trại ruồi lính đen này sẽ là mô hình khép kín ngoài ruồi, cá, ếch, gà còn nghiên cứu thêm con lươn để đưa vào mô hình. Qua đó, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương cũng như xây dựng mô hình mới để bà con nếu học được, làm theo cũng tốt”.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết