Đây là phát hiện mới được các nhà khoa học Phần Lan công bố trên Tạp chí Frontiers in Nutrition, sau khi họ tìm hiểu việc lựa chọn thực phẩm tiêu thụ trong chế độ ăn uống ảnh hưởng ra sao đến thời lượng giấc ngủ.
Rau lá màu xanh đậm như bó xôi giúp tăng cường sản xuất hoóc-môn điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ của cơ thể.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người từ 18-60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm để bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, vẫn có khoảng 30% số người trưởng thành ngủ ít hơn thời lượng cần thiết. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thói quen ngủ hằng ngày của mỗi người, bao gồm thời gian ngủ/thức thất thường, môi trường ngủ không tốt và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đến từ Đại học Helsinki, Đại học Khoa học Ứng dụng Turku cùng Viện Y tế và Phúc lợi Quốc gia Phần Lan đã nghiên cứu thói quen ngủ và chế độ dinh dưỡng của 5.043 người trưởng thành. Những người tham gia được yêu cầu trả lời nhiều bảng câu hỏi nhằm thu thập thông tin về thời gian ngủ và thói quen tiêu thụ thực phẩm. Ngoài ra, họ còn cung cấp thông tin về tình trạng kinh tế - xã hội, chỉ số khối cơ thể (BMI), hoạt động thể chất và các vấn đề sức khỏe khác.
Dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cần tiêu thụ 5 phần (tương đương 400gr) trái cây và rau củ mỗi ngày, nên các nhà nghiên cứu muốn xem những người nào đã tiêu thụ gần đạt được số lượng yêu cầu. Họ cũng phân tích xu hướng ngủ (tức thời điểm đi ngủ) của những người tham gia, nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của xu hướng ngủ đến lượng trái cây và rau củ họ ăn vào ngày hôm sau.
Các nhà nghiên cứu chia người tham gia thành 3 nhóm, gồm: “ngủ ít” (trung bình 6 tiếng/đêm), “ngủ bình thường” (7-9 tiếng/đêm) và “ngủ lâu” (trung bình 10 tiếng/đêm). Họ phát hiện ra rằng nhóm “ngủ bình thường” có xu hướng tiêu thụ nhiều trái cây và rau củ, trung bình là 463,1gr/ngày. Trong khi đó, nhóm “ngủ ít” và nhóm “ngủ lâu” ít tiêu thụ rau quả hơn, cụ thể lần lượt thấp hơn 37gr và 73,4gr/ngày so với nhóm “ngủ bình thường”.
Còn khi chia rau quả thành các nhóm nhỏ, các chuyên gia cũng nhận thấy nhóm “ngủ bình thường” tiêu thụ rau lá xanh đậm (như bó xôi, cải xoăn, rau dền), rau ăn củ (cà rốt, củ dền, khoai) và rau ăn quả (cà chua, dưa leo, ớt chuông) nhiều hơn đáng kể so với nhóm “ngủ ít”. Tương tự, nhóm “ngủ lâu” cũng tiêu thụ rau lá màu xanh đậm và rau ăn quả ít hơn nhóm “ngủ bình thường”. Trong phân nhóm trái cây, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy xu hướng tiêu thụ các loại quả mọng, trái cây tươi và đóng hộp ở nhóm “ngủ ít” cũng khác biệt và ít hơn so với nhóm “ngủ bình thường”.
Theo các tác giả, kết quả nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đối với những người muốn cải thiện chất lượng chế độ ăn uống, thì một biện pháp có thể hữu ích nếu ghi nhật ký thực phẩm để đánh giá lượng trái cây và rau củ tiêu thụ, để điều chỉnh cho phù hợp.
Nhận xét về phát hiện mới nói trên, bác sĩ chuyên về rối loạn giấc ngủ Sudha Tallavajhula tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas ở Houston (Mỹ) cho biết: “Ngủ không ngon giấc có liên quan đến việc lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh cho sức khỏe. Giấc ngủ kém thường dẫn đến mức năng lượng ban ngày ít hơn, điều này có thể khiến người ta chọn những thực phẩm tiện lợi như đồ hộp và đồ ăn chế biến sẵn, thay vì chọn những nguyên liệu tươi để chế biến món ăn” (tuy mất thời gian nhưng tốt cho sức khỏe).
AN NHIÊN (Theo Medicalnewstoday.com)