07/12/2015 - 20:35

An Giang chú trọng phát triển đua thuyền hiện đại

Đua thuyền An Giang đang nỗ lực không ngừng hoàn thiện kỹ - chiến thuật, xây dựng lực lượng kế thừa vững chắc. Bên cạnh phát huy thế mạnh đua thuyền truyền thống, bộ môn còn chú trọng phát triển các loại đua thuyền hiện đại là Canoeing và Rowing.

Rowing và Canoeing là môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic mới du nhập vào Việt Nam, nhưng đã phát triển mạnh trên toàn quốc. Ngoài Hà Nội vốn được xem là "cái nôi" của hai môn thể thao này, trong những năm gần đây, phong trào phát triển mạnh ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thái Nguyên... Tại ĐBSCL, Rowing và Canoeing đang được phát triển ở một số tỉnh như An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ... Huấn luyện viên (HLV) trưởng đua thuyền tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Đức cho biết: "Đua thuyền truyền thống hay đua thuyền hiện đại đều đòi hỏi các vận động viên (VĐV) phải có thể lực tốt, sức mạnh và kiên trì tập luyện ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt. VĐV đua thuyền sử dụng cơ bắp gần như toàn thân, đặc biệt là cơ chân, lưng và tay với sự kết hợp phức tạp của các chi và phải thực hiện đều. Với những nội dung đồng đội, kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, hài hòa giữa các thành viên trong đội".

Các VĐV đua thuyền tập luyện trên sông.

 

An Giang đã tuyển chọn và thành lập đội tuyển Canoeing từ năm 2007, với lực lượng là những VĐV trẻ, phong trào của môn đua thuyền truyền thống. Nhờ có kỹ năng chèo thuyền cơ bản nên bước vào tập luyện môn Canoeing, các VĐV thích ứng rất nhanh và đạt được nhiều thành tích tại các giải trong nước và khu vực. Nổi bật có thể kể đến như VĐV Nguyễn Thanh Trọng đang tập trung đội tuyển Canoeing trẻ quốc gia và Nguyễn Lâm Kiều Diễm cũng đang tập trung đội tuyển Rowing trẻ quốc gia.

HLV Nguyễn Hữu Đức cho biết: "Vừa qua, bộ môn được trang bị 5 cây chèo Canoeing nên đảm bảo cơ bản về dụng cụ tập luyện. Chỉ có khó khăn là việc luyện tập trên sông không đạt chuẩn, do mực nước luôn lên xuống thất thường, lúc nông lúc cạn, mặt nước lại có nhiều vật cản".

Sau những thành công ban đầu, bộ môn đua thuyền An Giang tiếp tục tuyển chọn các VĐV làm nguồn kế cận. Đầu năm nay, bộ môn đua thuyền An Giang đã tuyển thêm 15 VĐV để đào tạo, bồi dưỡng nâng tổng số VĐV ở 3 tuyến lên 40 người. Trong đó, tuyến trẻ Canoeing có 9 VĐV (5 nam, 4 nữ) và tuyến tuyển có 5 VĐV (2 nam, 3 nữ). Bộ môn đang sở hữu lứa VĐV trẻ, năng khiếu khá chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn.

Canoeing và Rowing là những môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Olympic nên An Giang đã định hướng tập trung đầu tư, phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo HLV Nguyễn Hữu Đức, Canoeing được xác định là một trong những thế mạnh của thể thao thành tích cao An Giang trong những năm tới. Còn về Rowing, trong năm nay, bộ môn sẽ tuyển chọn các VĐV có tố chất, đưa đi tập huấn ở Hà Nội để dần hình thành đội tuyển.

Các VĐV trẻ đang hòa nhập nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu kỹ, chiến thuật của HLV, hứa hẹn một "mũi nhọn" mới cho thể thao An Giang trong các cuộc tranh tài thời gian tới.

Bài, ảnh: THIÊN VĂN

Chia sẻ bài viết