23/09/2017 - 10:46

Âm vang hào khí Nam bộ kháng chiến 

Ngày 23-9-1945 đã đi vào lịch sử, mở đầu 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao mà anh dũng của quân dân miền Nam. Cùng với Nam bộ và cả nước, quân và dân Cần Thơ đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại bằng cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ

Sau khi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn. Nạn đói hoành hành khắp nơi, ở Bắc bộ gần 2 triệu người chết đói. Trong khi đó, thù trong, giặc ngoài tìm mọi cách hòng bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong bối cảnh chung của Nam bộ, nhân dân Cần Thơ cũng gặp nhiều khó khăn do hậu quả chính sách vơ vét của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền nhân dân mới thành lập vừa phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội đặt ra, vừa tập trung củng cố, xây dựng lực lượng chuẩn bị đối phó với âm mưu lật đổ chính quyền của bọn phản động và âm mưu xâm lược của đế quốc, thực dân.

Rạch Tham Tướng - nơi cách đây 72 năm ta và địch đánh nhau ác liệt, giờ được cải tạo khang trang, sạch đẹp.

Ngày 21-9-1945, Pháp đổ bộ vào Sài Gòn, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945 chúng nổ súng chiếm trụ sở UBND Nam bộ và một số cơ quan trọng yếu khác. Ngay trong đêm 23-9-1945, Xứ ủy và UBND Nam bộ họp khẩn cấp, phát động toàn dân kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược. Quân dân Sài Gòn đã kiên cường chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Khi chiến sự bắt đầu diễn ra ở Sài Gòn, theo chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến (UBKC) được thành lập từ tỉnh đến xã. UBKC ở Cần Thơ được thành lập đã tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị cho kháng chiến. Ban phá hoại các cấp trong tỉnh được thành lập nhằm phá hoại các công trình nhà cửa, cầu, đường xây dựng kiên cố, không để cho địch làm nơi đồn trú, đi lại dễ dàng; nhân dân ngày đêm khẩn trương đào công sự, làm cản ngăn sông, đắp chướng ngại vật trên các tuyến đường để ngăn địch tiến công. Trong thời gian này, Tỉnh ủy, UBKC, quân và dân tỉnh Cần Thơ vừa tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, vừa chi viện sức người, sức của cho Sài Gòn – Gia Định và Hà Tiên đánh địch.

90 ngày đêm vây hãm địch ở thị xã Cần Thơ

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, rạng sáng 30-10-1945, chiếc pháo hạm loại nhỏ và tàu đổ bộ theo sông Bassac vào vàm Cần Thơ, chúng dội pháo lên thị xã. Quân và dân Cần Thơ với vũ khí thô sơ, nổ súng đánh địch bằng súng trường. Sau khi bắn phá ác liệt, chúng đổ quân lên khu nhà mới xây (nay là Nhà khách T82 Quân khu 9). Vừa đổ quân, địch bắn dữ dội về phía mặt trận Cầu Đôi – Cái Khế. Tại đây, Trung đội Cộng hòa vệ binh của ta đánh trả quyết liệt, nhưng do lực lượng không cân sức nên phải rút về Rạch Ngỗng để bảo toàn lực lượng.

Từ ngày 31-10 đến ngày 1-11-1945, địch mở nhiều mũi tấn công, sử dụng hỏa lực ồ ạt tấn công mặt trận Tham Tướng, Bình Thủy, Cái Răng. Quân và dân Cần Thơ chiến đấu rất ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, làm chết và bị thương nhiều tên. Tuy nhiên, do súng đạn và lực lượng của ta hạn chế nên phải rút dần ra ngoại ô thị xã Cần Thơ.

Sau khi rút ra ngoại ô ta đã hình thành 3 mặt trận bao vây địch. Trong đó, mặt trận Bình Thủy do đồng chí Phan Trọng Tuệ chỉ huy; mặt trận Cái Răng, Cái Tắc do đồng chí Trần Văn Hoài, Chủ tịch UBKC tỉnh, chỉ huy. Nhiệm vụ của các mặt trận lúc này là vây chặn địch, không cho chúng bung ra đánh chiếm nhanh chóng các tỉnh miền Tây Nam bộ để các tỉnh có đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Ban phá hoại đã được lệnh phá các cầu đúc, cầu sắt như Cầu Đôi - Cái Khế, Bình Thủy, Cái Sơn; lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân tập trung làm cản ngăn tàu địch ở Rạch Sung, Rạch Ba Láng và phá lộ, làm chướng ngại vật trên các tuyến đường địch có thể đánh ra. Lực lượng vũ trang ta thường xuyên hoạt động quấy rối các đồn bót tiền tiêu của địch và đánh bất ngờ tiêu diệt chúng ngay trong căn cứ.

Điển hình như trận hóa trang kỳ tập vào sáng ngày 12-11-1945 của đội cảm tử gồm 5 đồng chí do Lê Bình chỉ huy, bất ngờ đột nhập vào Bộ Chỉ huy Pháp đóng ở Nhà Việc làng Thường Thạnh (Cái Răng) nổ súng tiêu diệt nhiều tên địch, làm tên quan ba Rouen chỉ huy bị thương nặng. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, đồng chí Lê Bình và 4 đồng đội đã hy sinh. Trận hóa trang kỳ tập đã gây một tiếng vang lớn trong tỉnh và cả nước. Học tập tấm gương của Lê Bình, trong tháng 11-1945, một tiểu đội của Cộng hòa vệ binh do đồng chí Quách Văn Cự chỉ huy bất ngờ tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch ở cầu Bình Thủy – thị xã Cần Thơ.

Tuy bị lực lượng ta bao vây xung quanh thị xã Cần Thơ, nhưng địch cố sức bung ra đánh phá, càn quét. Nhiều trận chống càn quét của ta rất quyết liệt như ở Trường Tiền, Giai Xuân, Ba Se, Cái Tắc…, buộc địch phải co lại. Trong tháng 12-1945, quân ta phục kích đánh nhiều trận ở Ba Láng, Phó Thọ, Rạch Ngỗng, Ông Kinh, Hàng Bàng, Rạch Chuối, Trà Niền, Cả Lang…

Cuộc chiến đấu của quân dân Cần Thơ giằng co quyết liệt, bao vây chặn đánh địch gây cho chúng thiệt hại đáng kể, không thể thực hiện ý đồ đánh chiếm nhanh. Quyết tâm thực hiện chỉ đạo của trên, quân và dân Cần Thơ đã tạo điều kiện cho các tỉnh miền Tây có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm đầy gian khổ.

Phát huy hào khí Nam bộ kháng chiến

Nói về ý nghĩa sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến, đồng chí Trần Việt Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, khẳng định: “Nam bộ kháng chiến đã thể hiện rõ quyết tâm giành độc lập, tự do của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nhân dân miền Nam đã thể hiện họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nam Bộ kháng chiến không chỉ thể hiện niềm tin của nhân dân miền Nam vào sự lãnh đạo của Đảng, mà còn chứng minh rằng không có kẻ ngoại xâm nào có thể khuất phục được nhân dân miền Nam…”.

Thực tế cho thấy, trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng hào khí, tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Cần Thơ trong sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến ngày càng được các thế hệ sau phát huy. Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống nhấn mạnh:  Quân và dân Cần Thơ đã góp phần to lớn cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta vững bước tiến vào thời kỳ mới – thời kỳ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách và giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh tập trung sản xuất nông nghiệp là chính, nay Cần Thơ đã vươn lên, trở thành đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,25%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng khu vực thương mại dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 65,3 triệu đồng/năm vào năm 2016 và dự kiến trong năm 2017 đạt mức 72,6 triệu đồng/năm. Cơ sở vật chất giáo dục, mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư xây dựng khang trang. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Vai trò, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từng bước được đổi mới…

Hào khí, tinh thần Nam bộ kháng chiến đã và đang tiếp tục được các thế hệ cách mạng đời sau phát huy, nỗ lực đưa thành phố phát triển xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ đi trước. 

ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết