21/10/2011 - 09:21

Âm vang 50 năm con đường huyền thoại trên biển

Bài 1: NHỮNG CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG

Sự kiện 5 con tàu gỗ ra miền Bắc năm 1961 ở 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu và việc thành lập Đoàn 962 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu “không số” đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc như là một minh chứng sống động về lòng yêu nước, sự mưu trí sáng tạo, tinh thần đấu tranh bất khuất của quân dân ta.

Tìm đường đưa vũ khí vào Nam

Trung tá Nguyễn Hữu Phước miêu tả lại trận đánh của tàu 69 với 5 tàu chiến của địch tại bến Cà Mau năm 1967. Ảnh: PHẠM TRUNG. 

Trong số 34 người ra miền Bắc đợt đầu tiên vào năm 1961, hiện nay có 11 người còn sống. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 7 người, tỉnh Cà Mau có 4 người và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn 2 người. Một trong số đó có ông Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo), nguyên Thuyền trưởng tàu Bến Tre 1, năm nay 80 tuổi, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Bá Tiên, sau “Đồng khởi” năm 1960, yêu cầu về vũ khí rất cấp thiết đối với quân dân Bến Tre nói riêng, với cuộc kháng chiến chống Mỹ – Diệm ở miền Nam nói chung. Trước tình hình đó, Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Bến Tre đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Khước (Khu ủy viên) và đồng chí Nguyễn Thị Định (Bí thư Tỉnh ủy) đã tổ chức, lựa chọn những cán bộ trung kiên, giỏi nghề biển ở hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú chuẩn bị mở đường ra Bắc xin vũ khí. Ông Đặng Bá Tiên nhớ lại: “Trước khi tàu xuất phát, tôi đã dành 15 ngày đi dọc các tỉnh miền Trung để khảo sát tình hình của địch. Nhờ nắm bắt được các quy luật hoạt động của chúng trên biển nên chuyến đi có phần thuận lợi”. Sau đó, ông Tiên tìm mua một chiếc tàu gỗ có buồm cùng máy móc đem từ Vũng Tàu về Cồn Tra, xã Thạnh Phong (nay là thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) lắp ráp, chuẩn bị cho chuyến đi. Ông Nguyễn Văn Đức, người đi cùng thuyền với ông Tiên, nhớ lại: “Lúc đó, gia đình đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung) cùng tôi và một đồng chí bảo vệ đến Cồn Tra sinh sống để chuẩn bị cho chuyến đi. Để nắm chắc tình hình, đồng chí Năm Chung đã liên tục tổ chức các chuyến đi dọc bờ biển Thạnh Phú, Bình Đại để nắm tình hình các bến, bãi. Việc chuẩn bị ngư cụ ngụy trang, la bàn, ống nhòm, radio,..cũng được chuẩn bị chu đáo”. Ngày 1-6-1961, tại Cồn Tra, ông Tiên cùng 5 đồng chí lên đường và đến được miền Bắc sau 9 ngày vượt qua sóng gió.

Tiếp sau tàu Bến Tre 1, tàu Bến Tre 2 của ông Huỳnh Phước Hải (Sáu Hải) ngụ ở ấp Thạnh Hưng B, xã Thạnh Hải cũng xuất phát. Theo lời ông Hải, sóng gió nổi lên suốt hành trình, có những khi nước biển làm ướt hết thực phẩm mang theo. Lúc tàu đang vượt vĩ tuyến 17 thì hết nhiên liệu và két dầu dự trữ cũng bị thủng trong lúc gặp bão. Trong hoàn cảnh đó, ông Hải và đồng đội phải dùng tay hốt dầu pha cùng với nhớt để cho tàu chạy tiếp. Kịch tính nhất là khi tấp vào huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đoàn của ông bị dân quân nơi đây bắt giữ vì nghi là gián điệp. Ông Hải kể: “Lúc chúng tôi bị bắt, thuyền trưởng Nguyễn Công Cẩn dặn là “thà chết chứ không khai là từ miền Nam ra”. Chúng tôi đã làm y như vậy rồi bị giam 2 ngày ở Hà Tĩnh. Về sau mọi chuyện sáng tỏ, đoàn chúng tôi được ra Hà Nội học tập gần 2 năm”.

Cùng thời gian này, tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có những chuyến tàu ra miền Bắc. Ông Đặng Bá Tiên cho biết, cuối năm 1961, các đoàn được gặp Bác Hồ. Ai nấy đều bồi hồi xúc động khi được gặp vị cha già dân tộc. Bác Hồ hỏi: “Các chú đã ra tới đây rồi thế có gì yêu cầu với Trung ương không nào?”. Ông Đặng Bá Tiên và đồng đội cùng thưa: “Chúng cháu chỉ có một nguyện vọng là xin được nhiều vũ khí về miền Nam đánh giặc. Trong đó có loại vũ khí có thể phá được lô cốt địch”. Bác Hồ nhìn các thủy thủ cười tươi, nói: “Trung ương sẽ cho các chú vũ khí không chỉ đánh được lô cốt mà còn hiện đại hơn. Đế quốc Mỹ có thể đưa quân vào miền Nam nên các chú sẽ có vũ khí đánh thắng quân đội hiện đại của Mỹ...”. Ông Tiên, ông Đức, ông Hải cũng chính là những người đầu tiên đứng trong hàng ngũ Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) vào ngày 23 -10-1961 – ngày được chọn làm Ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển hiện nay.

* Những cuộc đối đầu trên Biển Đông

45 năm đã trôi qua nhưng Trung tá Nguyễn Hữu Phước, Nguyên Tham mưu trưởng Trung Đoàn 962 vẫn không sao quên được kỷ niệm hào hùng những ngày làm thuyền trưởng tàu 69. Trung tá Phước kể: “Ngày 24-4-1966, tàu 69 do tôi làm thuyền trưởng đưa hơn 60 tấn vũ khí từ cảng Đồ Sơn (Hải Phòng) vào được bến Vàm Lũng (Cà Mau) thì tàu 100 cũng vào bến Rạch Già cách đó không xa. Sợ bị lộ nên lãnh đạo Đoàn 962 ra lệnh cho chúng tôi chờ đến khi tàu 100 chuyển xong vũ khí hãy trở ra miền Bắc”. Tuy nhiên, tàu 100 vừa vào bến đã mắc cạn và bị địch phát hiện. Chỉ huy tàu ra lệnh hủy tàu, thế nhưng dây cháy chậm giữa chừng bị tắt. Tàu 100 bị lộ nên địch cho máy bay và tàu chiến đến tấn công cả ngày. Trong tình thế đó, ngay trong đêm, lãnh đạo bến đã cho đặc công thủy ra đánh chìm tàu. Không thể rời bến vì bị tàu giặc phong tỏa, Trung tá Phước và 15 đồng chí cùng đi bám trụ tại bến Vàm Lũng suốt 8 tháng liền. Hàng ngày, ông và đồng đội đi bắt ốc, mò cua, đặt bẫy thú rừng,.. để cải thiện cuộc sống, chờ thời điểm thích hợp sẽ xuất bến.

Tối ngày 1-1-1967, tàu 69 lặng lẽ rời bến thẳng ra đường hàng hải quốc tế được chừng 50 km thì gặp một pháo hạm của địch từ Côn Đảo đi về hướng Hòn Khoai, Trung tá Phước cho tàu quay về bến thì phát hiện phía sau lưng có một chiếc tàu địch bám theo. Trung tá Phước ra lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị chiến đấu và bình tĩnh cho tàu thẳng tiến về phía tàu địch. Khi còn cách tàu địch chừng 50m, biết địch chủ quan, Trung tá Phước ra lệnh cho thủy thủ đoàn đồng loạt nhả đạn. Chiếc tàu địch chìm vào màn đêm. Trung tá Phước kể tiếp: “Thấy chiếc tàu trước mặt bị hạ, chiếc pháo hạm sau đuôi tàu chúng tôi bắn pháo sáng ngập trời rồi gọi thêm 5 chiếc tàu khác từ Chi khu Năm Căn ra. Trong đoạn đường 50 km trở về bến tàu chúng tôi bị kìm chặt và đối đầu với 5 chiếc PCF khi cách bờ khoảng 5 km”. Để tăng cường ưu thế, địch điều thêm 2 máy bay thả pháo sáng cho 5 tàu chiến của chúng tấn công. Dù yếu thế nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu 69 vẫn đánh trả địch quyết liệt cho đến khi cách bờ chừng 2 km thì được lực lượng trong bờ tiếp ứng. Tàu 69 vào bến an toàn vì 5 chiếc tàu địch không dám “mò” vào căn cứ. Kết thúc trận chiến, thủy thủ Đoàn Văn Vĩ (quê ở Gò Công-Tiền Giang) hy sinh và 6 chiến sĩ khác bị thương. Riêng tàu 69 bị thủng 121 lỗ nhưng may mắn không chìm vì các vết đạn đều trên mép nước!

Trung tá Phước cho biết: “Sau khi vào bến, chúng tôi còn 7 người ở lại giữ tàu vì nó trong tình trạng hư hỏng nặng. Trong 4 năm “ kẹt” lại ở Cà Mau (1966-1969), tôi mất thêm 4 đồng đội nữa khi họ bám trụ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu”. Để giúp chúng tôi hiểu hơn trận chiến lịch sử năm nào, Trung tá Phước mang ra tấm hải đồ đã theo ông 44 năm trên khắp các bến, bãi thuộc Cà Mau và Trà Vinh rồi chỉ từng vị trí. Này Hòn Khoai, kia Rạch Già, Rạch Gốc,... Tất cả những luồng lạch của Cà Mau đã in sâu trong tâm trí người lính già đã có hơn 20 năm ăn ngủ trên những con tàu. Lần nào giở tấm hải đồ ra ông cũng nhắc lại những cái tên như: Phạm Quang Trĩu, Hồ Quy Phụng, Cao Sỹ Thập, Hoàng Thanh Loan-những đồng đội đã góp phần làm nên khí phách Việt Nam trên con đường huyền thoại.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đắc Thắng, nguyên thuyền trưởng tàu “không số” thì nhớ mãi kỷ niệm trận đánh của tàu 43 do ông chỉ huy với tàu chiến và máy bay Mỹ vào năm 1968. Sau sự kiện tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên) và lấy mất hết vũ khí năm 1965, địch kiểm soát gắt gao con đường biển từ Bắc vào Nam, nên việc vận chuyển vũ khí gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vẫn quyết tâm mở nhiều chuyến đi nhằm chi viện cho miền Nam, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngày 27-2-1968, tàu 43 do Đại tá Thắng làm thuyền trưởng đưa gần 50 tấn vũ khí từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào miền Nam. Tuy nhiên, khi tàu 43 vừa vượt vĩ tuyến 17 thì bị vệ tinh của địch phát hiện. Lập tức chúng cho tàu liên tục bám sát, theo dõi. Đại tá Thắng nhớ lại: “Một đêm đầu tháng 3, địch phát loa hỏi tàu chúng tôi chở gì, đi đâu. Chúng tôi im lặng và chuẩn bị các phương án tác chiến. Trước thái độ kiên quyết của chúng tôi, địch bắn pháo sáng và nổ súng. Do yếu thế hơn nên tôi ra lệnh cho anh em đợi chúng đến gần hãy đánh trả nhằm phát huy hết hỏa lực”. 17 cán bộ, chiến sĩ tàu 43 đã chiến đấu ngoan cường, bắn chìm và làm hỏng 2 tàu địch, bắn rơi 1 máy bay và bắn hỏng một chiếc khác. Tàu 43 có 2 chiến sĩ hy sinh là Vũ Xuân Ruệ, Vũ Võ Tòng (quê ở tỉnh Thái Bình). Bị địch vây chặt bởi tàu chiến, và 3 máy bay trên đầu liên tục quần thảo bắn pháo sáng, đến 2 giờ sáng, khi đã thấy đất liền, Đại tá Thắng ra lệnh hủy tàu. Ông nhớ lại: “Sau khi hẹn giờ khối thuốc nổ 3 tấn, chúng tôi rời tàu bơi vào bờ, ai nấy trên người cũng đầy vết thương. Vừa đến bờ, con tàu đã nổ tung. Trong lúc bơi vào bờ có thêm đồng chí Nguyễn Đăng Kiểm hy sinh, 14 người còn lại thì có 12 người bị thương”. Ngay sau khi được quân dân ven biển Đức Phổ đến ứng cứu, đưa vào các hầm bí mật thì địch đổ quân đến thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp lùng sục, truy tìm. Nhưng với sự đùm bọc của nhân dân Quy Thiện, Đại tá Thắng và đồng đội đều an toàn và được đưa về bệnh xá Đức Phổ (lúc bấy giờ bác sĩ Đặng Thùy Trâm làm bệnh xá trưởng) an toàn. Nhắc lại chuyện năm xưa, Đại tá Thắng xúc động, cho biết: “Được sự chăm sóc chu đáo của bác sĩ Trâm và y bác sĩ bệnh xá, anh em chúng tôi hoàn toàn hồi phục sau 35 ngày điều trị. Sau đó, chúng tôi vượt Trường Sơn trở về miền Bắc”.

Gần 15 năm hình thành và phát triển, các bến, bãi thuộc 4 tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận 124 chuyến tàu với hơn 6.613 tấn vũ khí. Ngoài đóng góp của cán bộ, chiến sĩ tàu “không số” thì công lao của quân và dân các nơi này cũng vô cùng to lớn. 50 năm sau, những chàng trai cô gái kiên trung năm nào nay đã tuổi cao, sức yếu. Thế nhưng ký ức oai hùng năm xưa vẫn đong đầy trong từng câu chuyện kể.

(Còn tiếp)

Bài 2:  TÌNH QUÂN DÂN Ở CÁC BẾN, BÃI

Chia sẻ bài viết