05/03/2015 - 21:45

Ẩm thực Cần Thơ và Nam Bộ trên đường hội nhập

Vùng đất Tây Đô nói riêng và Nam Bộ nói chung được thiên nhiên ưu đãi, nhiều sản vật ngon, lạ và nguyên liệu phong phú. Với sự khéo léo và sáng tạo, người dân Nam Bộ làm ra nhiều món ăn dân dã, độc đáo. Ngày nay, những món ăn truyền thống vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc khi được đông đảo bạn bè quốc tế quan tâm.

Sáng tạo nhưng vẫn giữ truyền thống

Giữa nhịp sống đô thị ngày càng tất bật, nhiều làng nghề bị mai một, món ăn truyền thống bị thất truyền. Dẫu vậy, những nghệ nhân tâm huyết vẫn giữ nghề, sáng tạo làm mới món ăn truyền thống. Nói đến ẩm thực xứ Tây Đô, không thể không nhắc đến nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (phường An Thới, quận Bình Thủy với món bánh tét lá cẩm nức tiếng. Từ món ăn truyền thống với các nguyên liệu quen thuộc (như: lá chuối, dây lác, nếp, đậu xanh, mỡ heo), nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng bổ sung thêm lá cẩm, tôm khô, thịt… tạo ra bánh tét lá cẩm hấp dẫn với màu sắc bắt mắt, hương vị phong phú và trở thành món ăn đặc trưng của Cần Thơ. “Vua đầu bếp” Martin Yan - người nổi tiếng với chương trình dạy nấu ăn “Yan can cook” được phát trên sóng truyền hình nhiều nước - đã chọn bánh tét lá cẩm là một trong 3 món ăn dân dã của Cần Thơ, cùng với vịt nấu chao Thành Giao (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều), bánh xèo Mười Xiềm (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) trong chương trình thực tế “Taste of  Vietnam” (Hương vị Việt Nam), phát trên sóng truyền hình HTV vào năm 2012.

Stine Luise HANSEN (ảnh, phải) và Tina VAD (phải, thứ hai)  chăm chú học món chả giò của người Việt. 

 Du khách quốc tế thích thú các quy trình thủ công làm hủ tiếu tại Cơ sở hủ tiếu Sáu Hoài.

Gần đây, Cần Thơ nổi lên với món ăn lạ mang tên nửa ta nửa tây “Pizza hủ tiếu”. Đây là cái tên mà du khách quốc tế đặt cho món hủ tiếu đặc biệt của ông Sáu Hoài (Lộ Vòng Cung, khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều). Thực ra “Pizza hủ tiếu” là hủ tiếu chiên với chút biến tấu tạo nên sự lạ miệng. Gia đình ông Huỳnh Hữu Hoài có ba đời làm hủ tiếu ở khu làng nghề hủ tiếu nổi tiếng của đất Cần Thơ. Trong khi nhiều lò trong xóm nghề này đã tắt lửa thì lò ông Hoài vẫn duy trì và ngày càng phát triển bởi món “Pizza hủ tiếu” có một không hai. Gia đình ông Hoài vẫn giữ cách làm truyền thống với các công đoạn thủ công: vo gạo, ngâm, gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi, cắt…nên sợi hủ tiếu luôn dai, chất lượng. Hủ tiếu khi chiên nở đều tạo thành bánh tròn, thêm chút thịt khìa, sữa, nước cốt dừa, rau mùi tạo nên “Pizza hủ tiếu” – được nhiều khách Tây ví von như “fast food Việt Nam”. Andrew, du khách Úc, cho biết: ““Pizza hủ tiếu” rất đặc biệt, nhất là hỗn hợp nước dùng kèm và rau mùi”. Trong khi đó, du khách người Anh Brandon lại thích thú với quy trình làm hủ tiếu thủ công, anh theo dõi rất chăm chú quá trình tráng bánh: “Thật thú vị! Ẩm thực của các bạn thật phong phú, nguyên liệu, cách thức chế biến có khi giống nhau nhưng hương vị mỗi món mỗi khác”. Chính sự đặc biệt này mà trung bình mỗi ngày lò hủ tiếu Sáu Hoài đón khoảng 400 khách ghé tham quan quan, phần lớn là du khách quốc tế.

Đưa ẩm thực Nam Bộ đến gần du khách quốc tế

Ẩm thực Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung ngày càng được nhiều du khách quốc tế thưởng thức và tìm hiểu. Tình cờ gặp hai du khách người Đan Mạch, Stine Luise HANSEN và Tina VAD, học viên của chương trình dạy nấu món Việt ngắn hạn dành cho du khách quốc tế tại Khách sạn Victoria, đi chợ tìm mua nguyên vật liệu để nấu các món: gỏi bồn bồn tôm thịt, gỏi cuốn, chả giò, canh chua, cá kho, gỏi xoài trộn với khô cá…, Stine Luise HANSEN cho biết: “Tôi đã thử món chả giò trước đó, rất ngon và đặc biệt. Tôi từng làm thử ở nhà nhưng không được, nên muốn học nó tại Việt Nam”. Stine Luise HANSEN và Tina VAD chăm chú nghe theo hướng dẫn của đầu bếp để thực hiện. Một vài cuốn đầu khá vụng về nhưng về sau Stine Luise HANSEN, Tina VAD cuốn chả giò trông thành thạo và đẹp hơn. Stine Luise HANSEN vui mừng với thành quả: “Tôi làm được rồi, nó trông cũng được đấy chứ. Lớp học rất vui, giúp chúng tôi biết thêm nhiều món ăn của người Việt. Trở về nhà, tôi sẽ nấu cho gia đình thưởng thức những món ăn mới này”.

Khách sạn Victoria rất chú trọng quảng bá những nét đặc sắc của ẩm thực miền Tây Nam Bộ cho khách quốc tế. Bà Lê Ngọc Thùy – Quản lý nhà hàng của khách sạn Victoria, cho biết: “Trong thực đơn của chúng tôi luôn có các món ăn Việt. Thông thường, khách đoàn sẽ chọn 50% thực đơn món Việt, còn khách lẻ chọn từ 60% -70% món Việt để dùng bữa. Đặc biệt, họ rất thích món bánh xèo. Đa phần, du khách quốc tế thích các món dân dã của vùng Nam Bộ. Du khách cho rằng nó đặc biệt, nhất là các loại rau mùi và gia vị. Vài du khách hứng thú với món ăn Việt còn hỏi thêm thông tin cụ thể về cách nấu”. Ấn tượng với nhiều du khách quốc tế trong thực đơn của nhà hàng khách sạn Victoria là “Mâm cơm gia đình Việt” (Vietnamese home plate) được bài trí trên mâm tre, đầy đủ các món ăn đặc trưng của người Nam Bộ: bánh xèo, canh mồng tơi, sườn heo hầm, cá chẽm hấp gừng, rau cải xào, cơm trắng và bánh khoai mì nướng.

Không chỉ có khách sạn Victoria, nhiều nhà hàng trên địa bàn TP Cần Thơ cũng chủ động giới thiệu đến du khách quốc tế những món ăn thuần Việt, đặc trưng Nam Bộ như: nhà hàng Nam Bộ, MeKong, Sao Hôm, Phương Nam… Những năm qua, góp phần không nhỏ trong công tác giới thiệu và quảng bá ẩm thực Nam Bộ là sự kiện “Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại - Du lịch (XTĐT - TM - DL) Cần Thơ tổ chức. Sự kiện thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng. “Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ” dần trở thành thương hiệu gắn liền với du lịch Cần Thơ, tựa như Đà Nẵng có Lễ hội Pháo hoa quốc tế, Đà Lạt có Lễ hội Hoa, Vũng Tàu có Lễ hội Diều… Năm nay, sự kiện được nâng cấp thành lễ hội với chủ đề “Bánh dân gian Nam Bộ hướng đến hội nhập” mở ra không gian ẩm thực hiện đại, đầy sáng tạo nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng truyền thống của Nam Bộ. Ông Nguyễn Khánh Tùng – Giám đốc Trung tâm XTĐT - TM - DL Cần Thơ - cho biết: “Năm 2015 đánh dấu thời điểm Việt Nam hội nhập sâu và rộng với các nước trên thế giới, trước mắt là cộng đồng kinh tế ASEAN. Sự thay đổi này tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, chủ đề “Bánh dân gian Nam Bộ hướng đến hội nhập” của năm nay thể hiện chủ động hội nhập kịp thời với xu hướng chung. Một mặt, lễ hội giới thiệu những giá trị, tinh hoa văn hóa ẩm thực Nam Bộ với cộng đồng quốc tế, mặc khác tạo cơ hội cho các nghệ nhân được giao lưu, học hỏi văn hóa nước ngoài; đồng thời thúc đẩy thiết lập các mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực”.

Dự kiến, “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ” năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 27- 4 đến 1-5, mở rộng quy mô trên 100 gian hàng với hơn 150 món bánh dân gian và đặc sản ở các vùng miền trong nước và quốc tế. Điểm nhấn của lễ hội năm nay là không gian văn hóa ẩm thực đa sắc, chắt lọc những giá trị truyền thống vùng miền, lãnh thổ, do đó ngoài sự có mặt của các nghệ nhân các dân tộc ở Việt Nam còn có các nghệ nhân đến từ quốc gia lân cận như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan...Khách tham quan sẽ được giao lưu và thưởng thức ẩm thực, văn hóa nghệ thuật đặc sắc các dân tộc ở Nam Bộ như: dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer... Với quy mô mở rộng và nâng tầm, lễ hội bánh dân gian năm nay dự kiến có 70.000 lượt khách đến tham quan.

Có thể nói, ẩm thực Cần Thơ và Nam Bộ không thiếu món ngon, điệu nghệ, đậm truyền thống. Sự khéo léo cùng tinh thần cầu thị, sáng tạo của người Cần Thơ đã góp phần tạo cho ẩm thực Nam Bộ thêm phong phú trên bước đường hội nhập.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết