24/01/2024 - 12:14

AI và vấn đề tác quyền truyện tranh 

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, sử dụng AI để viết kịch bản hay sáng tác truyện đang tác động lớn đến cộng đồng và gây ra những cuộc tranh cãi về bản quyền.

Tác phẩm "Bluey".

Tại Úc, "Bluey" hiện là truyện tranh và phim hoạt hình được thiếu nhi yêu thích. Tính đến nay, Ludo Studio đã sản xuất 151 tập phim, mỗi tập dài 7 phút, nhưng nhiều người vẫn mong muốn tác phẩm được sản xuất nhiều và nhanh hơn. Với tốc độ của Ludo Studio hiện nay thì bất khả thi và các gia đình tìm cách tự làm ra sản phẩm mới. Mỗi gia đình tự dệt nên những câu chuyện của riêng mình, trong đó miễn có sự xuất hiện của gia đình chú chó chăn bò Bluey. Để làm được điều này, họ đã vận dụng đến AI. Cụ thể, ông Luke Warner đã sử dụng GPTs để tạo nên một công cụ chuyên viết chuyện về Bluey cho cô con gái nhỏ của mình. Công cụ này được gọi là Bluey-GPT, sử dụng thông tin cơ bản của người dùng như tên, tuổi, một vài hoạt động trong ngày để sáng tác câu chuyện với nhân vật chính là Bluey và chị gái Bingo. Ông Luke Warner cho biết: "Bluey-GPT có thể đặt tên cho các trường học trong câu chuyện, các địa danh, miêu tả về thời tiết và làm cho mọi tình tiết trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn".

Phiên bản gốc ChatGPT (ra mắt năm 2022) đã có thể viết truyện nhưng bản nâng cấp GPT mở ra nhiều tính năng hơn. Bất kỳ ai cũng có thể sáng tác những câu chuyện được cá nhân hóa bằng cách tự giới hạn chủ đề, đưa ra gợi ý cụ thể về các tình tiết, sở thích... Hiện bản nâng cấp GPT của OpenAI chỉ khả dụng cho những người có tài khoản đăng ký và trả phí. Như vậy chỉ với Bluey-GPT ai cũng có thể sáng tác câu chuyện riêng về Bluey. Điều này gây nên tranh cãi bởi nó liên quan đến tác quyền sáng tạo. Matthew Sag, Giáo sư Luật và AI tại Đại học Emory, cho biết GPT không chỉ dừng ở vấn đề bản quyền mà còn liên quan đến bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, các điều luật liên quan đến sản phẩm sáng tạo của AI hiện nay vẫn còn rất mù mờ.

Luke Warner có thể sử dụng Bluey-GPT để sáng tác tiếp câu chuyện về Bluey theo góc độ cá nhân hóa, nhưng ông không được phép chia sẻ công khai hoặc kiếm tiền trong nền tảng GPT Store. Dẫu vậy, tiềm năng về AI vẫn khiến nhiều người quan tâm. Ngoài Bluey-GPT đã có nhiều ứng dụng để sáng tác truyện như Oscar, Bedtimestory.ai, Once Upon a Bot. Theo Giáo sư Natalia Kucirkova, những câu chuyện được cá nhân hóa ngày càng có sức hút với trẻ em, trong đó hiệu quả nhất nếu tác phẩm được viết hay, có thiết kế đặc sắc. Đối với những người muốn sử dụng AI để tạo ra câu chuyện của riêng mình, họa sĩ Olaf Falafel kiêm tác giả của tác phẩm thiếu nhi "Blobfish", cho rằng: "Hãy tự tin chỉnh sửa và biến câu chuyện thành của riêng bạn. Lúc đó, mọi người có thể tự hào không hoàn toàn dựa vào máy móc trong việc sáng tác".

BẢO LAM (Tổng hợp từ ABC News, Wired)

Chia sẻ bài viết