25/12/2019 - 16:36

AI đã thay đổi thế giới như thế nào? 

Nếu cách đây 10 năm, chúng ta không nghĩ có thể kiểm soát mọi thông tin hoặc điều khiển các thiết bị chỉ bằng giọng nói thì bây giờ, đây chỉ là một trong hàng tá chức năng mà phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) làm được. Công nghệ AI ngày càng phát triển và được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi vì nó có thể bị lợi dụng để giám sát hoặc lan truyền thông tin sai lệch.

Điện thoại thông minh

Công nghệ AI hầu như đã được trang bị trên mọi điện thoại thông minh, từ nhận dạng khuôn mặt để mở khóa cho đến những ứng dụng phổ biến như Google Maps. Tại sự kiện Made by Google hồi tháng 10, “gã khổng lồ” tìm kiếm tiếp tục cho ra mắt ứng dụng phiên dịch Recorder theo thời gian thực dựa trên AI. Với khả năng nhận diện và xử lý giọng nói, nó có thể nhận biết nội dung cuộc trò chuyện, phân biệt được những âm thanh khác nhau như điệu nhạc và tiếng vỗ tay, ghi âm lại và tra cứu từng từ trong đoạn hội thoại.

Loa thông minh kết hợp trợ lý ảo Alexa của Amazon.

Mạng xã hội

Nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi những gì họ tìm kiếm “vô tình” được quảng cáo trên tài khoản cá nhân như Facebook, Instagram, Twitter và nhiều mạng xã hội khác. Đó là bởi vì công nghệ AI cũng được tích hợp trong nền tảng mạng xã hội. Theo chuyên gia AI của Facebook, công nghệ này đã và đang đóng vai trò cốt lõi đối với các sản phẩm của công ty. Ngoài chạy quảng cáo, tự nhận diện và gắn thẻ giúp người dùng kiểm soát hình ảnh của mình, trí tuệ nhân tạo còn lọc và xóa nội dung tiêu cực khỏi mạng xã hội. Tuy vậy, các nhà phát triển cho biết máy móc vẫn chưa thể nhận biết hết những nội dung có xu hướng bạo lực hoặc phát ngôn thù hằn.

Trợ lý ảo

Đây có lẽ là tương tác gần gũi nhất giữa con người và AI. “Người bạn” này bắt đầu được biết tới nhiều vào năm 2011 khi Apple ra mắt Siri trên iPhone, sau đó đến lượt Google với Google Now vào năm 2012 và phiên bản Google Assistant năm 2016. Điểm thu hút của trợ lý ảo chính là chúng hiểu những gì bạn đang nói và có thể đưa ra những thông tin bạn cần. Năm 2014, trợ lý ảo Alexa tích hợp loa thông minh được Amazon giới thiệu đã giúp thị trường này bùng nổ và đưa AI đến gần hơn với cuộc sống. Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, Amazon trong quý III-2019 đã xuất xưởng 10,4 triệu loa thông minh và chiếm thị phần lớn nhất (gần 37%) của thị trường thiết bị này trên toàn cầu.

Chăm sóc sức khỏe

Tiềm năng của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng khi chúng được dùng để chẩn đoán và kiểm soát tất cả nguy cơ sức khỏe, từ phát hiện ung thư phổi, theo dõi sức khỏe đường tiêu hóa cho tới sức khỏe tâm thần. Phần lớn công cụ vẫn đang nghiên cứu hoặc trong giai đoạn phát triển, nhưng một số công ty khởi nghiệp đã mạnh dạn thử hệ thống AI trên người. Chẳng hạn như ứng dụng của Mindstrong Health dùng để đo tâm trạng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay ứng dụng của Auggi giúp theo dõi vấn đề tiêu hóa, trong khi Seed Health đánh giá tác dụng của men vi sinh đối với sức khỏe con người.

Nghệ thuật

10 năm qua, AI thậm chí đã “lấn sân” sang nghệ thuật khi được dùng trong soạn nhạc, vẽ tranh và nhiều lĩnh vực sáng tạo khác vốn chỉ có con người làm được. Nghệ thuật do AI tạo ra có thể đem lại nguồn thu khổng lồ. Đơn cử năm 2018, bức họa “Edmond de Belamy” trở thành tác phẩm đầu tiên do AI sáng tạo và lên sàn đấu giá với mức giá kỷ lục 432.500 USD (10 tỉ đồng), khiến giới hội họa vô cùng kinh ngạc.

Bức họa “Edmond de Belamy” (trái) do AI vẽ. Ảnh: NYT

Giám sát

AI phát triển cũng gia tăng quan ngại chúng có thể bị lợi dụng làm công cụ giám sát. Một trong những tính năng gây tranh cãi nhất hiện nay là công nghệ nhận dạng khuôn mặt, có thể xác định mọi người từ hình ảnh, video clip hoặc livestream bằng cách so sánh nhân dạng của họ với cơ sở dữ liệu về khuôn mặt. Mới rồi, một số thành phố ở Mỹ như San Francisco, Oakland và Somerville đã cấm các cơ quan công quyền (gồm cả sở cảnh sát) sử dụng công nghệ này.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết