03/09/2016 - 15:56

97 năm bản “Dạ cổ hoài lang”

Tìm hiểu về "Cội nguồn hình thành sân khấu cải lương Nam bộ", không thể không nhắc đến bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là tiền thân của bài vọng cổ- bài ca vua trên sân khấu cải lương.

Mùa Trung thu này là tròn 97 năm bản "Dạ cổ hoài lang" ra đời và ăn sâu vào đời sống âm nhạc truyền thống Nam bộ. Theo nhiều tài liệu, vào đêm Trung thu năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, TP Bạc Liêu), nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã công bố bản nhạc lòng bất hủ. "Dạ cổ hoài lang" là nỗi lòng có thật của nhạc sĩ Sáu Lầu trong hoàn cảnh vợ chồng bị chia lìa.

 Vở cải lương “Chuyện tình Dạ cổ” tái hiện hoàn cảnh ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang” do các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu biểu diễn.

Về tiến trình từ "Dạ cổ hoài lang" đến bản vọng cổ, đó là sự cách tân và hoàn thiện không ngừng của những nghệ sĩ tâm huyết. Năm 1925, nhạc sư Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) đã sáng tác lời mới cho bản "Dạ cổ hoài lang" (nhịp đôi) với bản "Tiếng nhạn kêu sương" và nhân đôi nhịp thành nhịp tư. Năm 1935, giọng ca Lư Hòa Nghĩa (tức Năm Nghĩa, cha của NSƯT Bảo Quốc) đã làm nức lòng người mộ điệu với bản thu thanh bài "Văng vẳng tiếng chuông chùa" theo điệu "Dạ cổ hoài lang" nhưng nhân thành nhịp 8. Tên gọi "Vọng cổ" xuất phát từ thời điểm này.

Theo cố Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê, bản vọng cổ nhịp 16 ra đời cho thấy sự hoàn thiện trong cấu tứ và nhịp điệu. Từ năm 1938, nhạc sư Vĩnh Bảo đã đờn cho Cô Năm Cần Thơ ca vọng cổ nhịp 16. Rồi năm 1946, Cô Tư Sạng ca vọng cổ nhịp 16 "Mẹ dạy con" rất hay. Nhưng nổi danh hơn cả là bản vọng cổ nhịp 16 "Tôn Tẩn giả điên" do danh ca Út Trà Ôn ca, công bố vào năm 1948. Từ năm 1955, bản vọng cổ nhịp 32 bắt đầu thịnh hành và lan truyền đến bây giờ. Cố Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê từng nhận định, "Dạ cổ hoài lang" là trường hợp đặc biệt vì từ sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, thành tài sản chung của âm nhạc truyền thống Nam bộ.

Bằng cách nhân đôi nhịp, bản "Dạ cổ hoài lang" được phát triển không làm mất bản sắc, biến dạng bản gốc mà phát triển ở cấp độ cao hơn cả phần âm nhạc và lời ca. Hiện tại, vọng cổ là bài ca không thể thiếu trên sân khấu cải lương với những khúc triết trong điệu thức, tình huống sân khấu. Nghệ sĩ sau này còn cải tiến thêm khi ca gối đầu câu vọng cổ bằng bài bản, hò, lý; biến tấu vọng cổ hài, vọng cổ hơi dài và những cách ca chẻ nhịp, lòn nhịp... làm bài vọng cổ thêm ngọt ngào, cuốn hút. Sinh thời, cố nhà thơ Kiên Giang- soạn giả Hà Huy Hà đã ví von: "Bản "Dạ cổ hoài lang" như cô gái chân đất, đầu trần, chơn chất thuần lương khi đứng từ mội nước, từ phù sa nê địa, nhưng vẫn oai phong khi vượt ra trùng dương biển cả".

Bài, ảnh: HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết