02/11/2011 - 14:26

31 năm, một chữ tình

31 năm gắn bó với Trường Tiểu học Hưng Thạnh, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cô Nguyễn Thị Mỹ Loan được đồng nghiệp, học trò quý mến bởi sự tận tâm, hết lòng với nghề. Nhìn cô chăm chút, uốn nắn học sinh (HS) từng nét chữ, lời ăn tiếng nói, cắt móng tay, kết lại chiếc nút áo bị sứt, chải gọn những mái đầu khét nắng, bao bìa, dán nhãn từng quyển tập… chúng tôi cảm nhận tình cảm của cô đã vượt qua nghĩa thầy trò thông thường.

Nhà có 5 anh chị em, trước khi mất, cô Loan được cha khuyến khích nối nghiệp giáo viên của ông. Cô Loan kể: “Tôi bắt đầu yêu thích nghề này từ những ngày bơi xuồng đưa cha đi dạy. Thấu hiểu tình cảm phụ huynh và học trò đối với cha cũng như sự tận tụy của ông trong nghề nghiệp, tôi tâm nguyện sẽ hết lòng hết sức vun bồi sự nghiệp trồng người, vì tương lai HS thân yêu”.

Năm 1980, cô Loan về công tác tại Trường Tiểu học Hưng Thạnh và gắn bó đến nay. Thấm thoát 31 năm đã trôi qua, trong đó gần 20 năm cô đảm nhiệm chương trình lớp 1, với mong muốn xây dựng nền tảng kiến thức đầu tiên bền vững cho HS. Cô Loan tâm sự: “Dạy HS lớp 1 rất khó, vì các em rất ngây thơ, hồn nhiên, thích gì làm nấy. Tôi phải chỉ dạy các em từ cách ngồi ngay ngắn, cầm viết, rèn chữ, uốn nắn cách nói năng, lễ độ... Những năm học đầu đời rất quan trọng, tôi không chỉ là cô mà đôi lúc còn là mẹ yêu thương, chăm sóc. Tôi muốn các em xem trọng việc học, trở thành người hữu ích mai sau”. Cô chăm chút từng tiết học, chuẩn bị hình ảnh chu đáo, đầu tư bài giảng thật sinh động để thu hút sự say mê của HS. Từ năm 1982, cô Loan bắt đầu tham gia các các hội thi, như: Giáo viên giỏi, Vở sạch chữ đẹp, Làm đồ dùng dạy học do ngành tổ chức và đạt nhiều giải thưởng các cấp. Nhiều năm liền, cô Loan nhận Bằng khen của UBND thành phố.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Loan (bên phải) đến thăm gia đình em Trần Lê Minh Việt, HS lớp 2A Trường Tiểu học Hưng Thạnh.                                                                 

Thương học trò và yêu nghề, cô Loan tự nhủ sống thanh bạch và gắn bó với nghề suốt đời. Cô Loan đã dành biết bao tình cảm cho ngôi trường và học sinh nghèo nơi đây. Cô đã từng lặn lội ra đồng, tìm đến tận các bãi nuôi vịt, động viên phụ huynh lo cho con em học hành và đưa các em về nhà cho ăn uống, dạy kèm. Không ít trường hợp, các học trò nhỏ “ăn chưa no, lo chưa tới” mê chơi, mê game, cô Loan đã tìm đủ mọi cách khuyên lơn, nhắc nhở các em chăm chỉ học hành, dành thời gian phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu. Đồng lương giáo viên quá ít ỏi được cô chia sớt lúc quyển tập, cây viết, khi đôi dép, cặp da, bộ đồng phục... để các em tươm tất hơn khi đến trường, không mặc cảm thua thiệt với bạn bè trang lứa. Giọng trìu mến, nhỏ nhẹ, cô Loan kể chuyện học sinh lớp 2A thân thương hiện cô đang chủ nhiệm và hiểu rõ gia cảnh, tính nết từng em. Trong suốt buổi chiều, chúng tôi đi cùng cô đến nhà những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đã xuống cấp, chị Lê Thị Bé Năm, mẹ em Trần Lê Minh Việt, HS lớp 2A, bày tỏ: “Gia cảnh tôi hiện rất khó khăn. Chồng tôi mất sức lao động, lại thêm bệnh quáng gà. Tôi không có việc làm, còn phải chăm sóc cha mẹ chồng bị bệnh nên túng thiếu quanh năm. May nhờ cô Loan và nhà trường tận tình giúp đỡ, Việt và anh trai mới được tiếp tục đi học. Ơn nghĩa này tôi nhớ mãi...”.

Cô Huỳnh Thị Em, Chủ tịch công đoàn Trường Tiểu học Hưng Thạnh, cho biết: “Cô Loan là giáo viên có thâm niên, rất yêu thương học trò, nhiệt tình trong các hoạt động đoàn thể. Có năng lực, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, sống trách nhiệm, hòa đồng, uy tín nên cô luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến. Gia đình cô Loan còn là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương, vượt khó, nuôi dạy con học hành thành tài”.

Ấn tượng đầu tiên khi đến nhà cô Loan ở khu vực 1 phường Hưng Thạnh, là sự sạch sẽ, ấm cúng, đồ đạc bày biện gọn gàng, đẹp mắt. Cô khoe, có được cơ ngơi vững chãi này là nhờ tiền vợ chồng cô tích cóp và người thân giúp đỡ. Cạnh ngôi nhà khang trang là chuồng heo với một bầy heo thịt béo tròn sắp xuất chuồng. Mấy mươi năm qua, ông xã là hậu phương vững chắc, tiếp sức cho cô hoàn thành nhiệm vụ ở trường, giữ vững danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố nhiều năm liền. Nhìn hai mái đầu đã điểm sương mà vẫn xưng hô “anh, em” mặn nồng cùng những ánh nhìn dịu dàng, chúng tôi càng thấm thía câu “vợ chồng tình sâu nghĩa nặng”.

Năm 1981, cô Loan lấy chồng làm công nhân khai thác đá. Vì đặc thù công việc, chồng cô thường xuyên theo công trình hàng tháng trời. Thương vợ con đơn chiếc, chồng cô nghỉ làm, xin việc gần nhà và đầu tư chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. 30 năm chung sống, cô Loan vẫn giữ nguyên thói quen ủi quần áo cho chồng con mỗi tuần. Cô Loan vá đồ rất khéo nên có những chiếc áo cũ kỹ, chồng cô vẫn giữ gìn cẩn thận làm kỷ niệm một thời gian nan, vất vả nhưng đong đầy hạnh phúc.

Nhờ đồng lòng chung sức, vợ chồng cô Loan đã vượt qua rất nhiều khó khăn nuôi các con ăn học. Có những lúc túng thiếu, cả nhà phải ăn cơm độn khoai. Ngoài giờ lên lớp, cô Loan làm bánh, nấu xôi bán, chăn nuôi heo cải thiện đời sống. Cô và mẹ mua lúa đem xay rồi sàng sảy gạo đến khuya để kịp giao cho khách hàng. Cô Loan kể: “Các con tôi rất ngoan, hiếu thảo, không mặc cảm gia cảnh nghèo và biết nỗ lực vượt khó. Mỗi ngày, các cháu đem sinh tố vô trường bán, giúp cha mẹ đỡ vất vả”. Qua bao gian khó rồi cũng đến lúc cô gặt hái mùa quả ngọt. Hai người con lớn của cô Loan đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định; con gái út đang học đại học năm thứ hai.

Hiện nay, dù ở riêng nhưng vợ chồng cô Loan vẫn cùng ăn cơm với mẹ, phụ các em nuôi con cháu học hành. Tuy đã 87 tuổi nhưng mẹ cô Loan còn khỏe mạnh, minh mẫn, là do cô sớm hôm phụng dưỡng. Cô Loan còn có một niềm hạnh phúc là mỗi năm đón học trò cũ về thăm, bày tỏ lòng biết ơn cô chỉ dạy nên người và thành đạt. Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà khiến cô Loan, trong những lúc khó khăn nhất, vẫn không rời bục giảng, mải vui với bảng đen, phấn trắng.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết