28/06/2021 - 08:48

Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Khu vực ĐBSCL

20 năm kiên định mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền 

Quản lý 159 tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa bàn khu vực ĐBSCL, Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam khu vực ĐBSCL liên tục phát huy hiệu quả vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng trên địa bàn quản lý.

Tập thể Chi nhánh BHTG Việt Nam Khu vực ĐBSCL không ngừng kiện toàn bộ máy hoạt động, nâng chất lượng các hoạt động nghiệp vụ. Ảnh: Tư liệu

Chi nhánh BHTG khu vực ĐBSCL được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-2001. Chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của BHTG Việt Nam, đại diện cho BHTG Việt Nam thực thi chính sách BHTG tại khu vực ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố. Hiện tại, Chi nhánh đang quản lý 159 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 3 ngân hàng thương mại và 156 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là nhiệm vụ cấp thiết ngay từ những ngày đầu hoạt động và là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt trong trong quá trình hoạt động của Chi nhánh. Đã có nhiều QTDND trên địa bàn bị giải thể bắt buộc trước và sau khi Chi nhánh khai trương hoạt động, yêu cầu BHTGVN phải chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Trong điều kiện khó khăn về tổ chức bộ máy, nhân sự, trụ sở hoạt động, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc… và hệ thống pháp lý về hoạt động của BHTG chưa ổn định, Chi nhánh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại các QTDND bị giải thể, đáp ứng được mong đợi của người gửi tiền, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho tất cả người gửi tiền tại tất cả QTDND được chi trả. Tính đến thời điểm hiện tại, Chi nhánh đã thực hiện các thủ tục để BHTGVN chi trả tiền gửi cho 492 người gửi tiền tại 10 QTDND với tổng số tiền được chi trả 10,402 tỉ đồng. Qua đó đã góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với hoạt động của các TCTD, đặc biệt là đối với các QTDND và thúc đẩy việc huy động vốn nhàn rỗi từ người dân để đầu tư phát triển kinh tế đất nước nhất là kinh tế nông nghiệp ở địa bàn nông thôn.

Mục đích của BHTG là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đây là mục đích xuyên suốt của hoạt động BHTG và được cụ thể hóa bằng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của BHTG Việt Nam. Hoạt động của Chi nhánh tại khu vực ĐBSCL cũng không ngoài mục đích, nhiệm vụ chung đó. Trải qua 20 năm hoạt động, Chi nhánh đã đoàn kết khắc phục mọi khó khăn để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Luôn kiên định và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG thông qua việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn theo quy định. Trong đó, công tác quản trị, điều hành, hoàn thiện bộ máy tổ chức được quan tâm đặc biệt đã góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao kỹ năng tác nghiệp, trình độ nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, hết lòng gắn bó vì sự phát triển của BHTG Việt Nam.

Hằng năm Chi nhánh BHTG Việt Nam Khu vực ĐBSCL tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ và các nội dung đề xuất chấn chỉnh khắc phục qua kiểm tra, giám sát góp phần giúp cho các tổ chức tham gia BHTG hoạt động ngày càng lành mạnh, đúng quy định. Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHTG và các quy định của ngành ngân hàng được tổ chức thường xuyên, đa dạng về nội dung, hình thức chuyển tải đã từng bước tạo đã góp phần đưa chính sách BHTG đến với đông đảo công chúng trên địa bàn, nâng cao nhận thức, niềm tin của công chúng vào hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và hoạt động của hệ thống QTDND nói riêng. Hoạt động cấp Chứng nhận/Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG để niêm yết tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi cá nhân của tất cả tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn thể hiện cam kết của BHTG Việt Nam/Chi nhánh trong việc người gửi tiền tại chính tổ chức tham gia BHTG đó sẽ được BHTG Việt Nam bảo vệ. Việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG là nhiệm vụ bảo vệ cuối cùng trong chuỗi các nhiệm vụ bảo vệ mà theo đó quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Chi nhánh BHTG Việt Nam Khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách BHTG; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG phù hợp với đặc điểm tình hình, định hướng và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền; tạo sự chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ; chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHTG nhằm công khai hóa chính sách BHTG đến các tầng lớp dân cư, tạo dựng và củng cố vững chắc niềm tin của công chúng vào chính sách BHTG của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Khoản 1 Điều 6 Luật BHTG: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG. 

Tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, QTDND và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các TCTD. Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân. Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG (Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG).

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết