14/07/2022 - 22:11

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bảy mươi

TÌNH YÊU VÀ CHIẾN TRANH

 

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Tình yêu và chiến tranh là hai mảng đối lập nhau. Tình yêu là kết nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai để sinh sôi nẩy nở, để thêm nhân loại và bông hoa. Ngược lại, chiến tranh là hủy diệt. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của loài người là lịch sử chiến tranh, do vậy mà tình yêu phải nẩy nở, tồn tại và phát triển trong chiến tranh. Tuổi trẻ của nhiều thời đại, nhiều quốc gia phải yêu trong chiến tranh, yêu cùng chiến tranh và yêu bằng chiến tranh. Phải thích nghi với chiến tranh để được yêu và yêu để thắng chiến tranh, để hy vọng đem tình yêu dập tắt chiến tranh, đó là khát vọng của tuổi thanh xuân nhân loại.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga - Xô Viết vào thập kỷ 40 của thế kỷ 20 có một mối tình nổi tiếng thế giới đó là tình yêu của Konstantin Simônov nhà thơ - tác giả của bài thơ “Ðợi anh về” với nhiều tiểu thuyết và bài thơ “Nỗi khổ này không của riêng ai”… đã yêu Valentina Sérôva - minh tinh màn bạc Xô Viết, người đẹp Xô Viết những năm 30-50 của thế kỷ 20. Ðây là một mối tình chừng như độc đáo nhất của một nhà thơ tài năng và một nữ nghệ sĩ điện ảnh tuyệt vời kiều diễm từng được ngợi ca là “Hoàng hậu của điện ảnh Xô Viết”. Bà mất ngày 10-12-1975, lúc 58 tuổi mà vẫn còn kiều diễm, để lại trong trái tim của nhà thơ một nỗi buồn thế kỷ với bao nhiêu vần thơ tiếc nuối khôn nguôi!

Cuộc chiến tranh vệ quốc anh hùng của tuổi trẻ tuyến đường 1C cũng có hàng trăm mối tình cao thượng và thắm thiết, sâu lắng và say đắm như vậy. Nhưng nếp sống Á Ðông và kỷ luật tổ chức với sự ràng buộc của phong trào “Ba khoan” - chưa yêu khoan yêu, đã yêu khoan cưới, đã cưới khoan có con - được Khu đoàn phát động và tất cả chiến sĩ thanh niên xung phong tuyến 1C tình nguyện làm cam kết với tổ chức. Như vậy, tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân… được bộc lộ nhiều chiều một cách công khai và coi như tình cảm nền tảng của đơn vị. Ðồng thời ở bên trong của thời điểm này, tình yêu lứa đôi vẫn không ngừng bùng cháy nhưng được biểu hiện ở nhiều dạng đẹp đẽ, trong sáng và nên thơ biết dường nào.

Khi Hồng Láng - cô gái xinh đẹp, sôi nổi, thẳng thắn, giàu khí phách anh hùng đã hy sinh và được nhân dân Vĩnh Ðiều tôn vinh thành “Nữ thần”, có biết bao trang nhật ký, bài thơ, câu ca của đồng đội cùng tuyến đường dành cho cô gái trẻ. Trong nỗi nhớ tiếc và trong những tác phẩm được viết bởi những người cầm sào nạng và cầm súng tại chiến trường 1C, bộc lộ những tình yêu lắng sâu và thầm kín của bao chàng trai đối với cô gái anh hùng.

Cô Hoa, vào lúc đơn vị được lịnh di chuyển thương binh ra khỏi trạm quân y Hòn Ðất chính là lúc cô hy sinh, đồng đội đưa cô vào lòng hang, giăng mùng để tử thi cô, nơi cô thường nghỉ hằng đêm. Bạn bè đắp vải dù lên ngực cô, và cúi hôn lên trán cô giã biệt. Sau khi đơn vị rút đi rồi, nào ai ngờ có những chàng trai nghe tin cô chết, lại đến chỗ cô “ngủ yên” trong hang hòn, bấm đèn pin nhìn mặt nhau và nói những lời thầm thì chỉ có núi non mới nghe rõ…

Còn ở đây, bên một cửa hang phòng ngự, anh bộ đội miền Bắc, “tập huấn” cho cô nữ thanh niên xung phong bắn pháo DKZ. Như bài thơ “Tìm nhau” đã mô tả:

Em mười sáu tuổi: giao liên

Anh bộ đội - chủ lực miền, qua ngang

Ðường dây gặp đợt giặc càn

Mấy ngày chiến đấu, hai đoàn ở chung

Hang hòn bom dội đá rung

Quanh hòn giặc đốt mịt mùng lửa vây

Quần với địch suốt đêm ngày

Giao liên - bộ đội cả hai một lòng

Khi thì giặc thủ - ta công

Giặc công - ta thủ: thây chồng lên thây!

Nồi xoong miểng pháo rơi đầy

Bom nghiền đá nát như xay bột mì

Ba Hòn những lúc gian nguy

Hoa nở, chim hót sá gì chiến tranh!

Nơi mà em mới quen anh

Dạy nhau bắn pháo chưa rành đã xa

- Con gái học bắn “Ðê-ka”

Các cô là cháu Nữ Oa vá trời!

Hôm sau - có lúc vắng người

Còn em - anh vội mở lời hỏi hôn

Chân hòn sóng biển dập dồn

Em không hứa, nhưng tâm hồn đã yêu

Rồi hôm sau nữa, buổi chiều

Chia tay: đôi mắt nói nhiều khi đi

Sau này còn sống - có khi

Chúng mình lại gặp, em thì chờ anh…”

Mẫn và Quang, Kim Lài và Hối từng yêu nhau trước khi tòng quân nhập ngũ. Họ cùng sống chung một đơn vị, hoạt động chung một tuyến đường, cùng có một kẻ thù và chung ước vọng đến ngày toàn thắng sẽ cùng nhau xây dựng gia đình. Từng giờ, từng ngày, từng giây, từng phút… họ luôn hướng về nhau, sống cho nhau, sống vì nhau với những buồn vui, sướng khổ. Cũng đôi lúc hiểu lầm với hờn ghen giận dỗi, rồi lại gặp nhau thanh minh, giải tỏa… nối lại nhịp tình xưa và cổ vũ nhau tiếp tục vận chuyển với khối lượng nhiều hơn, nhanh hơn để cùng lập thành tích và chiến công…

Những bạn trẻ khi rời gia đình còn tuổi thiếu niên “ăn chưa no, lo chưa tới”, khi vào đơn vị hay gây gổ, bài bát nhau. Nhưng vừa lớn lên với nhịp sống chiến tranh khốc liệt mà sự mất còn diễn ra thường xuyên và liên tục… thế mà tình yêu lại đến với họ như trường hợp Ốc Tiêu yêu Hải tặc để khi họ vừa nhận ra lòng mình, hôn lên trán nhau lần cuối là vĩnh biệt nhau - bởi một trong hai người đã hy sinh! Ðó là Thanh và Bình yêu nhau mà không dám ngỏ lời khi từ biệt nhau lúc đi công tác, cũng chính là lúc họ không còn gặp nhau nữa bởi Bình đã hy sinh! Ðó là Bé Tư yêu Ðịnh bằng một mối tình lặng lẽ như rừng cây về đêm. Nếu như không có những trang nhựt ký họ viết về nhau thì ngay bản thân họ cũng không thể hiểu được nhau…

Không thể nào, và không cách nào chúng ta tái hiện nổi mảng tình cảm hằng có này của nhân loại ở trường hợp thanh niên xung phong tuyến 1C thời chiến tranh vệ quốc. Chỉ biết rằng tình yêu của họ đã biến thành sức mạnh phi thường để họ có thể vượt qua tất cả, và nung nấu thành tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðó là cô Vân và cô Diệu, khi đến khu Tràm Dưỡng bị giặc bắt và dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn nhẫn để khai thác đơn vị và kho vũ khí của ta ở đâu. Cũng bằng tình yêu mà hai cô đủ thông minh cũng như dũng khí chống trả lại kẻ thù gian ác, bảo toàn khí tiết của người chiến sĩ thanh niên xung phong tuyến đường huyền thoại. Ðó là hàng chục, hàng trăm hoặc nhiều hơn nữa những cô gái thanh niên xung phong, bông hoa tươi trẻ đáng yêu ngàn lần của đồng bằng Tây Nam Bộ đã đến với những chàng trai trong các đơn vị miền Bắc hành quân qua Vĩnh Tế chi viện cho chiến trường T3 những năm ta dốc toàn lực kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Âm vang tiếng cười trong trẻo và tinh nghịch. Dáng vóc thon nhỏ xinh tươi, chống sào nạng bơi xuồng như vũ múa… đã đi vào nỗi nhớ và những giấc chiêm bao đầy ước vọng của những chàng trai xa quê hương. Tất cả, tất cả là tình yêu đích thực của tuổi trẻ Việt Nam trên tuyến đường mà “Sắt thép thảy tan ra - nhưng con người đã đi qua được” như câu của chiến sĩ Hồng quân ghi trên bức tường loang lổ ở Stalingrad trong cuộc thế chiến lần II, còn ở tuyến đường 1C, tuổi thanh xuân nơi đây ghi câu “Quyết sinh cho Tổ quốc trong trái tim yêu của họ”.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết