Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương năm mươi mốt
TRẠM XÁ DÃ CHIẾN Ở MO SO
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
2. Sau cuộc bàn tính với đồng chí Ðoàn trưởng 195, chú Chín Tần về thông báo với đơn vị của mình, chuẩn bị khẩn trương theo người của Ðoàn 195 tiến dẫn về Mo So. Các cô chú từ lâu ở đồng bằng sông nước, hoặc những khu rừng ngập mặn, nay được đi về núi, lòng lâng lâng khỏe nhẹ như đi du lịch ở núi tuyết xứ Thiên Trúc trong truyện Tây Du của nhà văn Ngô Thừa Ân, hoặc núi Phú Sĩ ở Nhật Bản. Nói chi cho xa, quê hương mình đây có bao nhiêu là thắng cảnh mà Mo So - Ðá Trắng từ giờ là hòn núi kiên trung che chở cho mình. Các cô bàn nhau, cô Ngân nói:
- Các đồng chí ơi, dưới vòm hang lộ thiên này, ta xếp cho anh Chín ở để làm phòng khám và chỗ phẫu thuật thương binh rất tiện.
Cô Thủy:
- Ðịa thế thì được lắm, nhưng dơi nhiều quá, chúng sẽ “ị” và làm rơi rệp rận xuống khi bay vòng vèo trên miệng hang…
Cô Ngân:
- Ta sẽ nhờ dân mua vải cao su trắng giăng phía trên như mái nhà. Phân dơi, rệp rận và bụi rác từ miệng hang thông thiên rớt xuống không làm nhiễm bẩn phòng mổ của ta. Mình bàn xin ý kiến anh Chín thử xem.
Chú Chín Tần nghe vậy, hỏi:
- Các cô bàn gì đó?
- Tụi em chọn chỗ này làm phòng khám và giường phẫu thuật, anh thấy có tiện không. Bên trên phải giăng cao su trắng để ánh sáng từ miệng hang thông thiên rọi xuống không bị cản, mà phân dơi và rệp từ cánh dơi thì không rớt trúng mình được.
- Hay lắm. Mấy cô thật là nhà địa lý. Chỗ này những lúc thư thả, Hải tặc thổi sáo trúc, thì tiếng sáo sẽ vi vút lên tận trời cao qua cửa hang thông thiên. Bây giờ bàn với mấy cô về việc bảo vệ hang nước. Mười tám đơn vị của tỉnh, huyện, và một số bộ phận của các trung đoàn chủ lực Trung ương chi viện có căn cứ ở đây, đề nghị ta phải giữ nguồn nước vô tận này cho tinh khiết.
Cô Thủy:
- Em đề nghị ta thảo bản nội quy, quy định cách lấy nước và xài nước, giữ vệ sinh chung cho hang nước như thế nào thật cụ thể. Phân công một tổ bảo vệ nguồn nước này, lấy nội quy làm nguyên tắc chung.
Chú Chín Tần:
- Các cơ quan bạn gồm có hang quân y, hang tài chánh, cơ quan Huyện đội là bạn hàng xóm của trạm xá mình. Anh em mời mình hội nghị liên tịch để có kế hoạch phòng gian bảo mật, và chuẩn bị chống càn trong chiến dịch “Gió mùa Tây Nam” đang diễn ra. Sau buổi hội nghị, là tiệc trà và liên hoan văn nghệ.
3. Ở một hốc núi của hang Ðại Bàng, lòng hang cấu trúc như cánh chim khổng lồ đang sà vào thạch động, một thương binh gầy guộc, nhỏ nhắn đang ngồi trên một hòn đá tảng, hai tay đưa sáo trúc lên miệng thổi vi vu, những dòng nhạc thân thuộc từ thời đánh Pháp đến thời đánh Mỹ được “nghệ sĩ dã chiến” thổi liên tục chẳng đâu vào đâu, nhưng có vẻ thích thú và say mê.
Bên hang Công Trường - cách đó không xa, có một ông lão tóc râu như cước, nghe tiếng sáo trúc, bước nhẹ nhàng đến bên thương binh Hải tặc và nói:
- Cháu thổi say sưa lắm. Nhưng chiếc ống sáo của cháu khoan lỗ chưa đều nên cháu thổi chưa đúng tông. Ông cũng từng chơi sáo trúc từ nhỏ, những lúc rảnh về già, ông cũng hay thổi sáo một mình. Ông sẽ tặng cháu cây sáo trúc của ông.
- Thưa ông, chợt thấy ông con giật mình. Ông thật là đẹp lão như một ông tiên trong truyện cổ tích. Cây sáo trúc này của chú Sáu Phước - Khẩu đội trưởng khẩu đội cối 61 ly làm cho cháu. Và cũng chính chú Sáu dạy cho con thổi. Nhưng vì con không biết nhạc “sol-phê”, con chỉ thổi nhạc rừng không hà ông.
- Hơi con tốt, nhưng con thổi chưa đúng trường độ và ngắt nhịp sai. Chưa biết ngừng và chưa biết ngân. Ðể rảnh rồi ông sẽ chỉ cho con. Giờ, hai ông cháu ta thử cùng đồng thổi bài “Tiểu đoàn 307”.
Hai ông cháu mới quen nhau trong lòng núi, đã cùng nhau thổi sáo thật điệu đời. Loài phi thử, cắc kè và chim chóc quanh hang như cũng lên tiếng hòa theo tiếng sáo vi vu. Ngoài triền núi, trong những căn nhà nhỏ của sơn dân khai thác đá vôi làm xi măng, hoặc ngư dân rập cua bắt cá… ngừng tay nghe tiếng sáo từ trong hang vọng ra. Pháo giặc đến giờ hoạt động, tiếng đề pa âm âm mặt đất. Sáo trúc chưa dứt thì pháo bầy, pháo chụp từ các trận địa quanh núi Ðá Trắng đã thi nhau dội xuống ầm ì. Hai ông cháu ở giữa lòng hang vẫn tiếp tục thổi sáo vì được núi bảo vệ, nên dù chiến tranh gầm thét, hai thế hệ nghệ sĩ của tuyến đường vẫn đưa tiếng sáo vượt lòng núi bay xa.
(Còn tiếp)