26/04/2022 - 09:25

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương bốn mươi

GIẶC MỞ CHIẾN DỊCH “TÌM DIỆT”

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Vùng 4 chiến thuật và Bộ Tư lệnh liên quân Việt - Mỹ cho rằng không dập tắt tuyến 1C thì không có cơ may thắng Việt cộng như mong ước. Giặc mở chiến dịch “Tìm diệt”, đưa 2.000 quân tập trung bao vây Hòn Ðất và vùng Nam Thái Sơn giáp biển, chúng đưa 80 xe M113 khởi đánh từ 17-7-1971 đến 138 ngày đêm. Sau chúng kết thúc coi như hao tổn nhiều hơn chiến thắng và con đường 1C vẫn không diệt được.

Lúc giặc tập trung bao vây, Liên đội quyết định chia ra nhiều cánh tránh né ở các khu rừng núi. Năm Ðoàn dẫn một cách lên núi Cô Tô. Ðồi Tức Dụp, nơi địch bỏ lại hàng trăm xác chết (có cả xác các cô gái giặc bắt theo phục vụ cho quân đội, như phát xít), mưa xuống, nước bị ô nhiễm. Anh em ta dùng nước dơ bẩn này nên bệnh càng tăng. Trong 15 ngày, thanh niên xung phong sốt 100% quân số. Ðó là bệnh thương hàn ngặt nghèo, qua 10 ngày chết 13 đồng chí. Ðồng chí Ba Dưỡng, Chính trị viên Ðại đội cũng hy sinh vì thương hàn. Tổng số đơn vị Hòn Ðất này 125 đồng chí, qua 1 năm vận chuyển gian khổ ác liệt mà chỉ bị thương nhẹ 3. Nay về Cô Tô lánh giặc bao vây căn cứ mà mất 13 đồng chí, thật là đau đớn. Sau đó số chết vì bệnh tăng lên, 19 đồng chí đã ngã xuống.

Cuộc chiến đấu với bệnh tật rất dữ dội. Ðồng chí Năm Ðoàn đi chặt dây rau mơ, thường sơn, thần thông về nấu cho nhau uống, mà chẳng thuyên giảm. Anh em ta mong đợi gánh anh Chín Tần đến cứu nhưng Chín Tần đói kiệt sức, vẫn chưa tới.

1.  Chú Chín Tần bị Hai Nô từ chối, không dẫn đoàn y tế của cơ quan dân y khu gồm 3 xuồng chở đầy dụng cụ phẫu thuật với 9 cán bộ chuyên môn gồm y, bác sĩ và nhân viên bảo vệ, do Chín Tần làm trưởng đoàn.

Mới từ chiến trường 1C trở về, bác sĩ Chín Tần chèo 1 chiếc xuồng con xuyên qua nhiều tuyến bao vây phong tỏa của giặc, phải đi vòng vèo hơn 200 cây số mới về tới quê hương Sóc Trăng thân yêu. Buổi sáng, chú Chín chèo đến tháp Vĩnh Hưng, nhìn qua ngọn tháp nghe lòng bồi hồi, không thể không ghé lại. Chú Chín bước lên nền tháp giữa cảnh vắng lặng chìm nghỉm trong sương mai. Ðỉnh tháp không cao lắm, nơi những loài chim ăn đêm thường đến đậu để đợi bạn, lông cánh của chúng rụng xuống, là món quà dành cho trẻ nhỏ trong xóm. Bốn vách tháp bị thời gian xói mòn, để lộ vật liệu xây dựng từ một thời xa xưa gắn bó với nền văn hóa Óc Eo - Nam Bộ. Những nhà khoa học khảo cổ chưa xác định niên đại của tháp Vĩnh Hưng, nhưng chúng ta còn nhớ vào năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên xin hiến 2 phủ Tầm Bôn - Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu 3 năm về trước để chuộc tội với chúa Nguyễn. Và năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long để trả ơn cưu mang và giúp đỡ của Mạc Thiên Tứ - triều thần của Chúa Nguyễn. Về sự kiện này, Ðại Nam thực lục chép: “Chúa bèn sắc phong cho Nặc Tôn làm vua nước Chân Lạp, sai Thiên Tứ cùng với tướng sĩ hộ tống về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long… Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt 5 phủ: Hương Né, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình nhà Nguyễn. Chúa cho 5 phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, Thiên Tứ xin đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng”.

Chú Chín Tần bồi hồi nhớ lại những năm mình cùng Năm Hạnh, Năm Ðoàn, Sáu Tấn, Sáu Khéo, Ba Sánh, Sáu Hà, Hai Lên… cùng nghe thầy dạy sử giảng về lịch sử mở đất Nam Bộ. Sau khi kính viếng cổ tháp để tưởng nhớ công ơn mở nước của ông bà, chú Chín Tần chèo về nhà, thu xếp gia cảnh trong một thời gian ngắn. Dù lúc bấy giờ thím Chín lâm vào trận bịnh một mất một còn, nhà không tiền, không gạo, các em còn bé nhỏ, chú Chín phải vay tiền mua thuốc trị bịnh cho thím, thím vừa phục hồi sức khỏe, thì có thư gọi về cơ quan.

Theo đề nghị của Ban chỉ huy Ðoàn 195 và Cục Hậu cần Quân khu 9, trong đó có ý kiến của chú Năm Ðoàn và cô Út Nhì qua một bức điện chuyển từ máy PRC25 của Ðoàn 195, Cơ quan Dân y Khu, được Khu ủy chỉ đạo, thu xếp cho chú Chín tiến dẫn một đoàn y bác sĩ hỏa tốc lên chiến trường 1C để phục vụ cho chiến dịch vận chuyển. Nghe chú Hai Nô được phân công lên T90 thay cho cô Út Nhì làm Chính trị viên Liên đội, chú Chín trực tiếp yêu cầu cho đoàn y tế của chú theo chú Hai Nô cùng đi về đơn vị. Nhưng chú Hai Nô kiên quyết từ chối - vì sợ nhiều xuồng cùng đi sẽ bị giặc phát hiện dễ hơn. Như vậy, chú Chín Tần tự vẽ sơ đồ, và lần dò hướng đạo cho đoàn y tá của mình lên chiến trường 1C với tất cả sự quyết tâm cách mạng và tình yêu đồng đội.

Phần chú Hai Nô khi từ chối đoàn y tế của đơn vị mình, định đi cho nhẹ gọn để thoát qua mạng lưới ngăn chặn của địch suốt tuyến đường dài hơn 200 cây số. Nhưng khi đi tới tuyến Cái Sắn thì Hai Nô bị bắt. Lính biệt kích dẫn chú Hai Nô về giao cho đồn trưởng Kinh B - Thiếu úy trưởng đồn là rể của Lâm Quang Quận, một trong những tên đồ tể họ Lâm, làm Quận trưởng quận An Biên - Xẻo Rô, bị ta xử tử lúc đánh chiếm chi khu này. Vợ chồng đồn trưởng Kinh B căm thù cách mạng. Nhưng khi nhận một cán bộ Việt cộng có đầy đủ giấy tờ tùy thân là Hai Nô, thì Thiếu úy đồn trưởng bàn sao đó với vợ, rồi làm cơm thết đãi, sau đó trả tự do cho Hai Nô. Tại cửa đồn, người ta có thể nghe thấy một cuộc trao đổi ngắn. Ðồn trưởng nói:

- Tôi có cớ để bắt giữ ông và giải về Khám Lớn khai thác vì ông là một cán bộ lớn của Việt cộng. Giấy tờ tùy thân của ông, sau khi co cóp và rọi đèn, tôi cho là giấy tờ giả, làm từ bộ phận kỹ thuật của Ban Tuyên huấn Khu ủy do hai họa sĩ Lê Ấn và Văn Nhiệm phụ trách. Nhưng tôi lại được lịnh trả tự do cho ông, coi như ông là người đầu tiên nhận lấy sự may mắn của trời ban…

Hai Nô trả lời:

- Thiếu úy nói vậy tội nghiệp tôi. Tôi làm ăn chất phác, nay đi xuống Vĩnh Trinh đòi tiền bán lúa, vì trễ xe nên tôi chèo xuồng cho tiện. Nào ngờ gặp biệt kích bắt giải về đây…

Vợ Trưởng đồn nói:

- Chú Hai ơi, cha cháu bị Huế Nhâm bắn chết trước cửa buồng. Mẹ cháu và tụi cháu cùng quỳ xuống lạy lục van xin, mà Huế Nhâm vẫn không tha tội chết cho cha cháu. Cha cháu xin hút điếu thuốc cuối cùng, Huế Nhâm cũng không cho, mà bảo cha cháu phải đọc lời gọi hàng do Huế Nhâm tự  viết. Nội dung lời gọi hàng, cha cháu bảo đã bị bắt, kêu gọi anh em sĩ quan binh sĩ dưới quyền hãy buông súng đầu hàng để tránh đổ máu. Mẹ cháu thương chồng, nhét điếu thuốc vào miệng cha cháu - bấy giờ cha cháu đã bị trói thúc ké nên không tự cầm thuốc hút được. Mẹ cháu phải chồm tới móm thuốc cho chồng, bị Huế Nhâm xô ra.

Trong trí nhớ của vợ Trưởng đồn, hình ảnh Huế Nhâm hiện rõ. Huế Nhâm nói: “Chúng tôi rất thông cảm chị và các cháu. Nhưng tội ác của chồng chị đã sát hại cán bộ cách mạng và nhân dân vô tội trong khu rừng tràm Bang Biện Phú và tuyến Xẻo Rô - Huyện Sử lên đến con số ngàn. Ông bà ta nói “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”. Chồng chị, cha các cháu, đã có bản án tử hình từ lâu. Tôi chỉ là người thi hành bản án để trả lại mối thâm thù của gần hai ngàn sanh linh đã bị chồng chị và đồng bọn giết hại. Mong chị và các cháu thông cảm…”. Bấy giờ, bên kia kinh xáng, những loạt súng tiểu liên nổ giòn. Loa truyền thanh mời dân chúng họp mít tinh mừng chiến thắng và cho hay tên Ngàn cảnh sát trưởng ác ôn khét tiếng đã bị bắn chết. Tiếng loa vừa dứt, Huế Nhâm liền thi hành phận sự. Huế Nhâm hỏi: “Anh Lâm Quang Quận, sau khi nghe đọc bản án tử hình, trước giờ nhận lấy cái chết do chính mình tạo ra, anh có muốn nói gì không?”. Lâm Quang Quận trả lời: “Dạ thưa không! Tội tôi ngàn lần đáng chết. Tôi chỉ mong sau này quý ông cách mạng chiến thắng kẻ thù của mình, tha thứ cho con cái và người thân của tôi…”. Huế Nhâm nói “Ðược, dù cho anh không yêu cầu như vậy, ngay bây giờ cũng như khi toàn thắng, Cách mạng sẽ đối xử với chị và các cháu như tất cả những công dân của một nước Việt Nam hòa bình độc lập, được hưởng quyền tự do dân chủ, làm ăn sinh sống và học hành trên đất nước cắm cờ đỏ sao vàng ca khúc khải hoàn”. Huế Nhâm vừa dứt lời, một chiến sĩ dí mũi súng vào ngực tên Quận trưởng gian ác với 3 tiếng nổ liên tục, rồi gắn lên ngực hắn bản án tử hình. Vợ con tên Quận trưởng như những kẻ mất hồn, nhìn thi thể kẻ đền tội với nhân dân run rẩy trong vũng máu trước cửa buồng, nhưng không có tiếng khóc hoặc giọt nước mắt nào chảy ra.

Hình ảnh 10 năm về nước bỗng hiển hiện trong ký ức của vợ tên trưởng đồn, khi Hai Nô xuất hiện tại tọa độ Kinh B trong trường hợp bị biệt kích tóm bắt, và thấy có đủ giấy tờ tùy thân, nên đem gởi cho đồn Kinh B xét hỏi và giải quyết. Thiếu úy Trưởng đồn Kinh B quyết định thả Hai Nô sau khi mời một bữa cơm gia đình, nhắc lại chuyện xưa và nhìn bà con xa…

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết