15/04/2022 - 11:48

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương ba mươi bốn
CÔ HUYỆN ĐỘI PHÓ ĐẤT TÂY ĐÔ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

 

2. Chú Bảy Thanh và chú Nguyễn Bá sau khi tham dự tổng tấn công đợt I ở trọng điểm 2, cùng về Văn nghệ Khu Tây Nam Bộ và cùng một đoàn cán bộ Tuyên huấn khu lên Cần Thơ, cùng Tiểu đoàn Tây Ðô, 306, 307, 309 và các đơn vị đặc đông đều là đề tài giàu tính quyết chiến quyết thắng đối với các tác giả giàu nhiệt tình cách mạng.

Những bữa ăn ốc hương xào cari, cóc xào dừa sả, phần còn lại là ăn muối, tương trong chiến dịch, đã làm trọng điểm I do Khu ủy trực tiếp chỉ đạo trở nên gắn bó. “Sống là đây, chết cũng là đây” là câu nói của chú Bảy Thanh - Trưởng đội Vũ trang tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, đóng kế bên nhà cô Tư My. Huyện đội phó huyện Châu Thành.

Chú Bảy đưa chú Bá trái mận trắng, nói:

- Ðêm hôm vô xóm chài phát loa, giặc xổ đại liên, còn tàu sắt nó “đẩy” Canon 20 li vô ào ào, gẫy cây vườn của dân, cái loa 8 om rớt xuống, anh em thu loa, lượm mận đem về uống rượu đế Cái Muồng đó.

Nghe hai anh em nhí nhố, cô Tư My lội qua cây cầu dừa bắc ngầm dưới nước, tiếng chân cô Tư lùa nước ồ ồ mạnh mẽ, vai tròn, ngực nở, mặt trái xoan, điểm vài vết hoa mè, cô Tư ngước đôi mắt đen tròn của nhà nữ quân sự nhìn hai nhà tuyên huấn:

- Cho em lên tham gia vài ly
được hôn?

- Ðược! Ðược! Hân hạnh lắm.

Chú Bảy nói với cô Tư, rồi quay qua nói với chú Bá:

- Ông già cô Tư là vệ quốc hy sinh trận Tầm Vu, ông già là người “áp tải” cây pháo 105 li xuống rừng lớn để sau mình nhờ tàu Kilinxki của Ba Lan chở ra Bắc từ cửa sông Ông Ðốc đó!

Chú Nguyễn Bá hỏi:

- Rồi bây giờ?

- Bây giờ cô Tư là Huyện đội phó, mới dẫn quân đi tập kích tụi dã ngoại cầu Cái Răng về đó. Nhưng mà cô Tư ơi, chuyện chung thì vậy, còn chuyện riêng sao, cô lên đây mau đặng cô tự nói coi…

Cô Tư sợ ướt quần, cứ xăn mãi lên. Chú Bảy rắn mắt:

- Chú Bá, chú dòm coi em gái tôi kìa, đẹp vậy đó chớ! Con gái miền Tây mà!

Cô Tư qua khúc cầu oằn, lên khỏi khúc sâu nước, xổ quần dần xuống, bước lên bờ, vào ngồi góc ván:

- Mấy anh nói cái gì “vậy đó chớ”
là sao?

Chú Bảy Thanh:

- Nói chiến công cô tập kích tụi nó chết hơn 10 thằng, đài Cần Thơ mới nói đó. Nó nói đơn vị nữ Việt cộng hô “xung phong” và quăng pháo dù… có đúng không?

- Ðúng vậy, tụi nó chết cháy nhiều. Số sống sót tốc mùng chạy tán loạn. Tụi em thu được 6 súng AR15.

- Uống đi cô Tư. Và chú Ba tặng cô trái mận trắng như lòng trinh trắng.

- Trinh trắng hổng nổi đâu anh! Người ta nói mấy ông tuyên huấn, tuyên truyền nhiều “vợ hờ” lắm!

Cô Tư nói sỗ sàng nhưng thật thà. Tay đón cốc rượu và trái mận. Cây col 12 li trong bụng cô lòi ra ngoài khi cô với tay rót ly rượu khác để mời chú Bá:

- Anh uống đi! Tụi em có đứa thuộc thơ anh đó, sổ tay là có chép, chép nhiều thơ lắm, có thơ anh nữa. Còn anh Bảy đây, khi anh chưa đến, cứ giới thiệu là có đứa em làm thơ ở chung quê. Rồi nhậu xỉn xỉn là đọc câu: “Con đường ra thành phố em ơi. Ði từ tóc xanh đến ngày đầu bạc. Giọt nước mắt mới hóa thành tiếng hát”. Mà anh Bá ơi, khi anh Bảy em đọc cái đoạn đó là xỉn rồi đó nghen. Chớ lúc chưa xỉn thì chưa đọc…

Pháo Cái Bảo bắt đầu “đề-pa” đạn réo qua nhà ào ào, rớt quanh vườn nổ ầm ầm. Mấy cô chú vẫn ngồi ăn mận uống rượu. Cô Tư My nói:

- Nó bắn uy hiếp nhà em đó. Nó vẽ tọa độ nhà em rồi. Ðể em bảo con Nguyệt Minh - con gái mồ côi của em, xuống hầm cho chắc ăn đi, nó bắn trả đũa mình đó anh.

Chú Bảy Thanh:

- Pháo Cái Bảo bắn, chắc là pháo Cái Răng rồi pháo Bình Thủy cùng bắn chớ.

Cô Tư:

- Ðúng vậy, để coi. Công thức hợp đồng của lưới giao hỏa pháo ngụy là vậy. Còn Mỹ ở hạm đội 7 rót pháo vào bằng liều tống là khác nữa…

Giây lát pháo nhiều nơi gởi đạn tới xèo xèo. Nổ đất sình, cây lá tung lên tứ phía. Cháu Minh Nguyệt kêu lên:

- Mẹ ơi, mẹ về với con! Mẹ ơi!

Cô Tư:

- Không sao đâu con! Con vô hầm chữ A đi, mẹ sẽ về. Chờ qua làn pháo đã.

Anh Bảy vẫn không buông chai rượu đế, rót đưa người này, người kia và không quên rót cho mình 1 ly khẩu phần:

- Thằng bắn pháo, mỗi trái 2 ngàn đô la. Thằng Việt cộng cấp Khu uống rượu với nhà thơ và cô Huyện đội, mỗi ly có 0 đồng 5 cắc. Làm riết coi ai mạt kiếp. Thằng Mỹ mà thắng cái cuộc chiến tranh cục bộ này nghen, tôi “đội lục bình” đó!

Buổi sáng chiến tranh ở một căn cứ ngoại vi trọng điểm 1 là hình ảnh người cán bộ của Ðội tuyên truyền sắc sảo, gương mặt kiên nghị và trẻ trung, uống rượu vui vẻ cùng đồng đội, ngâm thơ và chọc ghẹo cô em gái đầy chiến công diệt giặc. Lỗ tai của họ nghe pháo tài tình, chưa rót ngay là chưa chun hầm. Nhưng có pháo bắn là anh Bảy bảo:

- Chú Sol, chú lấy đèn pin coi hầm có rắn hông.

Vậy rồi tán chuyện. Có phải đó là tư thái của người chiến sĩ trong cuộc đánh Mỹ xâm lược?

Văn phòng Ban chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy của Khu ở nhà bác Hai Tiểu, thuộc xã Long Tuyền - Cần Thơ. Nếu như cuộc chiến đừng xảy ra, thì đây là nơi trù phú, là thắng cảnh sông nước, là miệt vườn tươi mát của sông Hậu hiền hòa. Nhưng vì giặc chọn Cần Thơ làm Tây Ðô, làm bản doanh của Vùng 4 chiến thuật và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4. Nhiều tướng tá được điều đến giữ chức vụ, rồi điều đi liên tục, từ Ðặng Văn Quang mới ở cấp Ðại tá tới Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Viết Thanh, rồi Ngô Dzu, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam(*)…

Ngoài tướng tá người Việt, Ngụy Sài Gòn còn một hệ chỉ huy qua Ban cố vấn MACV và CIA trực tiếp cầm tay chỉ việc cho các tướng tá vùng 4 Cần Thơ thanh lịch với câu ca dao:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

3 giờ sáng ngày 31-1-1968, ta đồng loạt nổ súng, pháo ta bắn vào Sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4, sân bay Lộ Tẻ, đại đội biệt động thành phố, tiêu diệt đơn vị cảnh sát Ðầu Sấu, mở đường cho Tiểu đoàn Tây Ðô và Tiểu đoàn 307 tiến vào nội thành.

Nội tuyến Trương Trung Hiền phá khám giải thoát tù binh của ta, sau dẫn trung đội đi đánh căn cứ bảo an. Hiền bị thương nặng anh em ta cõng ra.
Hiền nói:

- Tôi chưa bị lộ, cứ để tôi ở lại trong lòng địch hoạt động.

Nhưng do vết thương nặng, Trương Trung Hiền đã hy sinh.

Ðường phố vắng tanh. Xe M113 của địch quét đèn sáng mặt đất. Mấy chiến sĩ trẻ bảo vệ cho các cô thanh niên xung phong cõng nội tuyến Trương Trung Hiền ra ngoài vòng rào để đưa đến bệnh xá. Hiền nói:

- Các đồng chí, tôi còn có thể giữ thế hợp pháp. Vậy các đồng chí hãy để tôi nằm tại đường phố này, còn các đồng chí thì rút ra nhanh đi. Xe giặc sắp tới rồi.

Anh em ta lưu luyến, không nỡ rời Hiền, nhưng Hiền lại giục đồng đội đi mau. Anh em ta vừa quay lưng là giặc và xe tăng tràn tới. Một Ðại úy giặc rọi đèn pin, hỏi:

- Chiến hữu ở đơn vị nào, sao bị thương nằm đây?

- Thưa Ðại úy, tôi ở Vĩnh Trà, được Tư lệnh trưởng Quân đoàn 4 điều qua sân bay Lộ Tẻ, tôi bị một toán đối phương đánh bạt ra vòng rào khi họ tập kích sân bay, tôi bị thương nặng quá, bò đến đây.

- May quá, một toán Việt cộng trang bị tiểu liên cực mạnh, vào đánh căn cứ bảo an. Họ diệt nhiều binh lính, sĩ quan và lấy nhiều súng đạn, tiểu đoàn tôi mới được lệnh đến cứu viện. Chúng nó mới vừa thoát ngõ này. Thiếu úy có thấy không?

- Thưa Ðại úy, hình như có một toán dân vệ khu phố của ta tuần tra, mới qua ngang, chớ không phải Việt cộng.

- Cũng có thể, họ giỏi quá. Ðơn vị đặc công và thanh niên xung phong đột nhập vào sân bay đánh pháo dù và B40, B41. Sau đó, họ dẫn nhau đi phá khám giải thoát mấy trăm tù binh và xóa sạch một trung đội bảo an của ta. Giờ họ thoát lối nào chưa rõ.

- Thưa Ðại úy, nhờ Ðại úy chở tôi đến bệnh viện.

- Ðược! Chiến hữu sẽ được tải thương bằng xe jeep chỉ huy của tôi. Nào ta đi.

Họ đưa Hiền lên xe và vào viện.

Nhưng khi nhập viện, nội tuyến Trương Trung Hiền hy sinh với bí mật của mình là A17 - hoàn thành nhiệm vụ. Sau nầy Trương Trung Hiền được Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương chiến công hạng 3.

(Còn tiếp)

----------------

(*) Máy bay Nguyễn Viết Thanh bị máy bay trực thăng Mỹ đụng vào, rơi, Thanh chết ngày 2-5-1970. Thiếu tướng Ngô Dzu thay Thanh làm Tư lệnh Vùng 4. Nhưng tháng 8-1970 Thiệu cho Ngô Quang Trưởng nắm Vùng 4 chiến thuật. Sau đến Nguyễn Khoa Nam.

 

Chia sẻ bài viết