13/04/2022 - 21:47

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương ba mươi bốn

CÔ HUYỆN ÐỘI PHÓ ÐẤT TÂY ÐÔ

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.Chú Chín Tần cùng các cô chú ngành Dân y khu Tây Nam Bộ sống chan hòa với Liên đội I Thanh niên xung phong - Tây Nam Bộ. Chú Năm Ðoàn và chú Chín Tần - Trần Minh Hữu vốn là bạn học Trường Trung học kháng chiến Tiền Phong của Xứ đoàn Thanh niên Cơ quan Nam Bộ. Hồi nhỏ mấy chú rắn mắt lắm, đi chở cây về cất trường, trại, mà còn nhỏ quá không biết kềm lái ghe, nước xoáy, quay ghe ngang tấp vào cột đáy, hoặc đụng ghe mua bán lẻ lúa gạo của dân chìm, bà con la làng chỏi hỏi, định “bắt thường”. Nhưng chủ ghe nhìn thấy mấy chú “con nít” không, bèn than:

- Trời đất! Người lớn đâu mà để cho bầy con nít nầy đi làm chìm ghe chìm tàu của tôi vầy nè.

Than vậy rồi chủ ghe bỏ đi, còn an ủi mấy chú đừng buồn, để chủ ghe mướn thợ lặn vớt lúa… Nhưng biết lỗi, mấy chú lặn vớt ghe lên “bắt đền” cho dân. Không ngờ “trời khiến” lúc ra tuyến lửa này, anh em lại gặp nhau. Từ lúc có Trạm xá Dã chiến, anh em thanh niên xung phong ta đỡ biết bao nhiêu. Gánh Tư Bay, Hai Tân đi Bình Sơn mua gạo không được mà bị giặc bắn bị thương nặng 4, 5 anh em, cũng nhờ Trạm giải quyết. Ðại phẫu thuật dã chiến mà đã cứu sống được anh em trong những ca mổ giữa rừng nước sệt gay go.

Cụm tràm thấp, tán chưa đủ rậm, vậy mà đã che những chiếc xuồng làm giường mổ gọn gàng. Y sĩ, y tá mang khẩu trang và xoa tay bằng cồn, nấu dao kéo bằng “rề xô” dầu lửa. Dùng đèn “măng xông” và đèn pin co rọi thêm những chỗ ngõ ngách trong lúc mổ. Theo dõi tim mạch bằng tay. Kháng sinh thiếu thì dùng mật ong tinh khiết. Dụng cụ y học của bạn bè thế giới viện trợ đưa xuống tận khu rừng thiêng Nam Thái Sơn - Gộc Xây - Hà Tiên này. Chất inox chói sáng, dao kéo khua lách cách, mùi cồn và mùi thuốc khỏe Incomrer bay thơm ngào ngạt.

Những ly sữa nóng bốc hơi ngon lành, những trái khóm, trái cam hiếm hoi từ đâu đó của tình đồng đội, nghĩa đồng bào chuyển tới Trạm xá Dã chiến.

Qua ca phẫu thuật rắc rối và thành công to, chú Chín cùng chú Năm Ðoàn mừng rỡ vô cùng. Hai chú mời cô Út Nhì, cô Bảy Thu, chú Sáu Thiện cùng ken xuồng lại như sàn nhà nổi, ngồi uống trà. Chú Năm nói:

- Hồi ông đang gắp mảnh đạn ra khỏi lồng ngực, bỏ vào thau cái “kẻng”, tôi ngoài này thở cái phào. Tôi mừng quá trời! Sợ nó chết.

Chú Chín Tần:

- Ðúng khả năng tôi và anh em với điều kiện thiếu thốn dã ngoại vầy là cấm mổ. Nhưng ta đưa chiến thương đi đâu? Từ đây về Trạm khu hơn 150km, đồn bót, căn cứ và tàu, máy bay giặc tuần tra ngăn chặn, ta khiêng cõng nhau sao xuể. Thôi thì đem can đảm ra cứu nhau.

Chú Năm Ðoàn hỏi:

- Chắc là nó sống luôn không?

Chú Chín Tần đáp:

- Chắc rồi. Nó uống sữa được rồi, nhìn tôi cười cười nữa. Nó còn nói, nhờ bị thương nặng mới được uống sữa đó!

Nghe vậy hai chú ngồi khóc. Các cô khóc theo. Chú Chín nói:

- Hồi chuẩn bị ca mổ, xem kháng sinh, trụ sinh cạn nguồn. Mấy cô y tá mới giới thiệu còn 1 lít mật ong tinh khiết. Tôi đổ vô vết thương trong thành bụng hơn nửa xị mật, chắc ăn hơn chích mấy chục hủ bi.

Cô Út Nhì ngạc nhiên hỏi:

- Mật mà đổ trong thành bụng được sao anh Chín, rồi nó chảy ra đâu?

- Cơ thể ta hay lắm. Nó tự tiếp thu lấy chất mật tinh khiết, vừa kháng sinh, vừa nuôi tế bào mau bình phục, gắn kết với nhau lại, mau lành hơn ta dùng kháng sinh. Tất nhiên là ta đưa khối lượng vừa phải…

- Như vậy ta bị thương, bị đứt tay chân ta có dùng mật thay thuốc được không?

Cô Bảy Thu:

- Rất tốt, lấy bông gòn hấp chín, sạch sẽ chấm mật ong tinh khiết, băng lại ngay vết thương mau lành hơn xức thuốc kháng sinh hoặc uống Peniciline viên, hoặc chích cũng không bằng.

Chú Chín Tần dặn:

- Nhưng cũng nói rõ, mật dùng rất khó, phải đảm bảo mật tinh khiết. Cũng như nước dừa thay cho nước cất, thay Cereum truyền dịch thì phải chọn trái dừa tốt, hái xuống nhẹ nhàng, chặt bằng dao sát trùng v.v… nếu không, bị phản tác dụng liền.

Mật ong, nước dừa… là những dược liệu do ngành y học kháng chiến miền Tây sáng tạo, xuất phát quanh K50 của anh Nguyễn Công Thiện và Võ Tá Thông phụ trách. Hai vị bác sĩ quân đội này dựa vào trí tuệ nhân dân địa phương mà sáng tạo ra phương thuốc mật ong, nước dừa, lá ô rô (đọt ô rô)…

Bấy giờ cái radio bên cạnh cô Út Nhì bỗng đến giờ phát tin:

“Ðây là Ðài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các đồng chí và đồng bào miền Nam thân mến, bản tin hôm nay gồm có các tin chính như sau: Ðối phó với cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân ta ở Cần Thơ mấy đợt vừa qua, làm chúng thiệt hại nặng nề. Ðịch tập trung ném bom, bắn phá, hủy diệt từng khu vực và thành phố Cần Thơ, nhất là khu vực Vòng Cung”.

Tất cả các cô chú đều ngưng câu chuyện, bảo cô Út Nhì “mở lớn lớn chút chị Út” rồi lắng tai nghe tiếp:

“Ðịch còn đánh rộng ra 12 xã dọc theo hai bên sông Cần Thơ. Bộ binh Mỹ tăng cường yểm trợ cho Vùng 4 chiến thuật Ngụy. Chúng mở 3 cuộc càn lớn vào Vòng Cung nhằm đánh bật ta ra khỏi đó, đồng thời chúng tiến hành bình định cấp tốc.

Nhưng chúng gặp phải sự tấn công quyết liệt của quân dân ta. Sau ngày 25-8-1968, tàu Mỹ điên cuồng xả súng bắn từ Vàm Xáng Xà No dọc theo hai bờ sông đến nhà thờ thị trấn Cái Răng ra Cái Nai, Cái Da, phá hoại nhiều nhà cửa, làm chết hàng trăm đồng bào ta. Lập tức tiểu đoàn 307 và đặc công khu Tây Nam Bộ dùng bộc phá tập kích sân bay Lộ Tẻ, phá hủy 60 máy bay các loại của địch.

Tiếp theo, ngày 21-9-1968, tiểu đoàn 309 cùng đơn vị đặc công khu Tây Nam Bộ tập kích tiêu diệt căn cứ pháo binh Bình Thủy - Cần Thơ, diệt 180 tên địch phá 18 khẩu pháo, đốt cháy 65 xe và đánh thiệt hại bộ phận sửa chữa quân xa của địch.

Tại Sóc Trăng, đêm 22-9, ta bắn DKZ75 vào Dinh tỉnh trưởng, cối 82 ta pháo vào sân bay, Tiểu khu gây cho địch nhiều thiệt hại. Ðại đội 301 của ta diệt 1 Trung đội bảo an địch ở thị xã Sóc Trăng - Tiểu đoàn Phú Lợi của ta đánh sập cầu Trà Men, cơ quan Hậu cần Trung đoàn 33 (Sư 21) phá hỏng 18 máy bay, diệt 30 xe quân sự có 18 xe bọc thép, thu 125 súng các loại”.

Mọi người đều biết rõ và tự hào chiến công của bộ đội ta là nhờ vũ khí từ con đường 1C của ta đưa về. Chú Năm Ðoàn nói to:

- Các đồng chí phấn khởi chưa, vác nặng gian khổ nhiều, đổi lại chiến công vậy đó!

Các cô chú hoan hô mà trào nước mắt.

Kế đến buổi phát thanh Quân đội nhân dân truyền bài thơ “Lá thư đông xuân” của nhạc sĩ Thanh Trần, bài hát âm vang hùng dũng: “Ðông xuân năm nay, em gởi thư ra chiến trường thăm anh, thăm người em yêu thương đang mùa thi đua lập công…”. Các chú cô trào nước mắt xúc động vì bài hát nói chính mình. Chính khí phách và trái tim mình. Các chiến sĩ thanh niên xung phong chậm nước mắt. Chú Chín Tần nói:

- Nhạc sĩ Thanh Trần viết bài này ở trọng điểm I (thị xã Bạc Liêu) anh em bội đội cùng nhau hát. Báo Giải phóng miền Tây đăng bản nhạc và các đài phát thanh Hà Nội, Giải Phóng cổ vũ mạnh mẽ.

Năm Ðoàn nhìn chị Út Nhì nói:

- Trường trung học kháng chiến đào tạo nhiều nhân tài cho xứ sở. Anh em mình, kể cả anh Ba Cao - tức nhạc sĩ Thanh Trần, là học trò của nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng, trưởng thành từ phong trào Thanh niên Cơ quan Nam Bộ!

Âm vang bài hát dữ dội, từ chiếc radio con phát tiếp những câu hát cuối. Cô Bảy Thu và chú Sáu Thiện ghé tai lắng nghe cho hết chữ.

     (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết