11/04/2022 - 12:41

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương ba mươi hai

GIẶC GIẾT ÐÀN TRÂU

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3. Giao hàng xong, hôm nay có cả hàng CÐ (“chất độc”: dụng cụ y tế), hàng X (súng đạn) hàng “mắm” (điện đài) cùng chở về. Trời lờ mờ dưới trăng rừng. Giao hàng quý xong, anh chị em ai cũng vui mừng. Thằng Hải tặc thổi sáo, chú Sáu Phước dạy cho nó dùi ống trúc, thổi sáo… bài “Tiếng đàn Ta Lư” của Huy Thục “Ði trên rừng, gùi trên lưng nặng trĩu đàn Ta Lư, em cất tiếng ca vang cùng núi rừng mừng thắng trận quê em…”.

Hải thổi nghe đứt từng khúc tức tưởi lắm. Nhưng lạ sao, nó làm cho cả cánh rừng rung lên qua âm nhạc. Các cô các chú cùng bài hát hòa theo tiếng sáo trúc. Bấy giờ cô Tám chăn trâu nằm trên lưng trâu mơ màng và ngủ khò. Ai hát cứ hát. Ai thổi sáo cứ thổi sáo. Trâu khôn lắm, nó cứ đi với vai kéo cộ và cô chủ thiên thần của chúng ngủ trên lưng. Lớp sáo vi vút, lớp tiếng vỗ tay ca hát, lớp nhịp bước đàn trâu kéo cộ khua lọc cọc êm tai… Cô Tám ngủ ngon quá chừng.

Về tới nơi, trâu chui vô mấy cụm tràm mà thường ngày cô Tám cột nó, nhánh tràm gạt cô Tám rớt xuống đất. Các cô chú đi theo cộ mới biết cô ngủ quên trên lưng trâu, ráp nhau cười ồ. Cô Tám lồm cồm ngồi dậy, thấy trâu đã về tới nơi. Biết cô hay tự ái, các chị chẳng ai nói gì, từ giã rồi về cứ. Cô Tám nhắc khéo:

- Sáng lại, em phải đi xách nước cho trâu uống một mình hả?

- Thì em cứ để sáng rồi biết!

Có một lần đi giao hàng, còn 500m nữa mới tới điểm hẹn thì trực thăng soi đèn hai bên. Cô Tám sợ nó phát hiện trâu, nó bắn, cô mới chui xuống bụng trâu nằm. Cô ngây thơ nghĩ, giặc bắn trâu chết, bụng trâu bự vậy nó che cho mình sống. May kỳ đó nó bắn chung quanh, không trúng đàn trâu.

Trâu không biết nghe hết tiếng người. Kêu nó “đi” thì nó đi, kêu “dò” thì nó dừng lại, mà không biết làm sao kêu nó nằm xuống được. Mỗi lần máy bay trực thăng quần bắn. Cô Tám sợ quá, la “Nằm xuống". "Nằm xuống” mà nó có nằm đâu, nó cứ đứng sừng sựng hoài. Lúc máy bay bỏ pháo sáng là cô Tám lấy vải dù hoa che cho nó, trùm luôn cả chiếc xe, hoặc chiếc cộ. Nhờ vậy máy bay bay ngang qua nó không thấy.

Ở Ðại đội Nguyễn Việt Khái, người được phân công giữ đội trâu là anh Bình. Phát hiện bầy trâu, máy bay bắn ảnh bị thương tám vết mà ảnh và đàn trâu không sao, bị thương nhẹ. Ờ mà cô Tám nhớ chú Bình gặp cô hay hỏi “Chị Thanh đâu?”.

Tắm, kỳ cọ cho đàn trâu, cho trâu ăn cỏ uống nước rồi, cô Tám bắt đầu lấy nếp, đậu xanh trong thùng thiếc, đổ nước chụm lửa nấu cho trâu bồi dưỡng. Gió đưa khói tan nhanh, không để “đầm già” hay trực thăng vũ trang phát hiện.

Cách trại trâu không xa là mấy ụ đại liên phòng không 12 li 8, bảo vệ trâu và căn cứ của ta. Thức ăn của người thiếu hụt, chớ các cô chú không dám lấy khẩu phần của voi, ngựa, trâu bò mà ăn, “không dám rớ” vô nguồn lợi của chúng, để chúng đủ sức kéo hàng nặng, đạt chỉ tiêu trên giao. Nhưng cô Tám rất lo sợ trâu bị muỗi cắn ngứa, hay cọ vô cây, làm cây (tràm không to lắm) cứ rung rinh, động đậy. Máy bay trực thăng hay “đầm già” quần thấy, bắn không thương tiếc.

Lần chuyển hàng về an toàn, trâu cột ở cục tràm chồi che khuất, trên nhìn không thấy, nhưng chắc trâu ngứa cạ rung ngọn tràm, nên hai chiếc “cá lẹp” vây bắn một lúc chết mười mấy con trâu một ngày. Con chết, con bị thương rống lớn kêu cứu. Tội nghiệp nó lắm. Tiếng máy bay gầm rú thì nó quen, chớ bị đạn xuyên vào bụng vào ngực nó làm lủng gan ruột, bể tim phổi, gãy chân thì nó phải rống lên, nó bứt dây chạy kiếm chủ cầu cứu.

Các cô chú ban đầu không xuất hiện vì đương cự sao lại mấy chiếc trực thăng. Sau thấy trâu rống quá, có cô chú nào lấy AK quét lên trời, đạn xoáy vào bụng trực thăng, lập tức cả đơn vị bắn như vãi đạn lửa lên cao. Mấy khẩu 12 li 8 cũng dần dà lên tiếng. Ðuổi được đàn trực thăng, nhưng đàn trâu thân yêu của ta chết ráo!

Cô Tám chạy lại cắt dây mấy con trâu còn cột mũi nó vào cây tràm, vỗ về an ủi nó bằng tiếng người. Ðôi mắt nó còn nhìn cô Tám và các cô chú lưu luyến buồn thương vô cùng. Nó không nói gì được, nhưng nó rên. Con nghé còn quất đuôi, kêu “nghẹ, nghẹ” thê thảm rồi nhắm mắt theo cha mẹ.

Ðàn trâu, bạn “đồng đội” của đơn vị thanh niên xung phong anh hùng, chung sống và kéo được hàng trăm tấn vũ khí, người, vật dụng. Trâu cùng người đem hết sức cống hiến cho tuyến đường và bị giặc hạ sát tất cả!

Cô Tám khóc suốt một buổi và cô không ăn thịt trâu, khô trâu - vì thấy thịt, khô trâu cô nhớ trâu, mủi lòng. Những tháng sau này (sau khi đàn trâu bị máy bay bắn chết), cô Tám còn chiêm bao thấy đàn trâu thân yêu của mình. Nó ngoan ngoãn húp cháo đậu xanh có đường thốt nốt rồi nằm nghỉ trong đám tràm chồi.

4. Trâu chết một lúc sạch trơn! Việc vận chuyển gặp khó khăn lớn chớ đâu chuyện dễ. Cái Én từng đưa bác Hai Văn - Phan Văn Ðáng, Phó Bí thư Trung ương Cục xuống miền Tây chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy, là con trâu ngoan nhất bầy. Nó bị thương nhiều vết nhưng là con vật chết sau cùng. Nó còn le lưỡi liếm con nghé - con trai tơ của nó, đưa đôi mắt nâu đen nhìn cô Tám một hồi rồi hả miệng hớp hơi mấy cái mới chết. Những hình ảnh tang thương trong cuộc chiến tranh không chỉ riêng người, mà loài vật cùng chung số phận.

Ban Chỉ huy Liên đội mới đưa về mấy cái máy cày. Máy chạy nhanh hơn trâu đi. Nhưng động cơ nổ ầm ì làm sao nghe tiếng máy bay và tiếng pháo “đề pa” được! Dùng máy cày, ta phải có một đội phòng không làm ám hiệu trong đêm.

Xe ba gác tiện hơn, ban đầu 2 người phụ trách một xe, sau có sáng kiến là ghép 2 xe lại vững vàng hơn mà cũng chỉ tốn 2 người (người kéo người đẩy) số hàng tăng gấp đôi.

Máy cày ta bị lộ quá, phải dẹp. Còn xe ba gác rồi cũng dẹp theo. Cuối cùng là dùng sức người mang vác.

Chú Năm Ðoàn, chú Sáu Thiện thao tác cách mang vác cho anh chị em thanh niên xung phong. Buổi đầu mỗi người tùy theo sức mang từ 15 đến 35 ký. Hai kiện tướng là cô Dũng và cô Tuyết “B52” mang số lượng gấp đôi gấp ba các cô chú cùng đơn vị nên được chọn là “Chiến sĩ thi đua xuất sắc”.

Mùa khô vác đã đành, mùa sền sệt thật gian nan nhất. Ði mãi mỏi mệt, muốn kiếm chỗ ngồi nghỉ chân cũng không có vì tất cả là đồng nước, sình lầy. Ði xa mệt quá, lệnh chỉ huy cho nghỉ bằng cách mang nguyên hàng trên lưng đứng lom khom, hai tay chống đầu gối nghỉ một chút, rồi đứng dậy đi suốt. Họ lấy sức trẻ để chịu đựng và vượt lên phía trước của tuyến đường…

Những khi bị đỉa cắn, dùng vôi buộc trong mảnh vải hoặc xà bông cục mang theo, chà vào, con đỉa tự rớt. Nữ phần đông sợ đỉa. Nhưng lội đồng nước ướt át và đỉa cắn đêm ngày, có cô la hoảng kinh khiếp, nhưng sau rồi quen dần.

Mệt và đói, mang vác nặng, nhiều cô xỉu dọc đường. Khi bị xỉu, nằm đại xuống đất nghỉ, một lúc khỏe ngồi dậy uốn éo rồi đứng lên vác hàng đi tiếp. Có thi đua nhau nên hăng hái lắm, không để thua.

Hình ảnh của thanh niên xung phong khiêng vác đạn thì Ðoàn phim Giải phóng Quân Khu IX những năm 1969-1970 có ghi. Chúng tôi đi vượt qua những bưng nước, những cánh đồng cách bứt bởi kinh mương và hố bom B52, hố pháo dày đặc. Những cánh đồng nối với những cánh rừng Hà Tiên - Nam Thái Sơn - Mỹ Hiệp Sơn - Tân Hội - Cái Sắn. Ði trong bom pháo phủ vây quanh mình, giặc dùng dàn nhạc Tân Tây Lan nã vào đoàn vận chuyển ngày đêm. Nghe pháo là biết nó sẽ nổ gần xa, anh chị em thanh niên xung phong cứ đi, mặc cho pháo nổ ầm ầm không đếm xuể. Mảnh đạn pháo bay vèo vèo như mèo kêu.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết