20/03/2022 - 07:55

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi bốn

TẤM  LÒNG  ĐẤT  BẠN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Chú Mười Kỷ ngước nhìn chú Hai Văn rồi nhìn hết các cô chú. Nắng sáng xuyên qua tàng mận bên mái nhà chú Hai Tiểu, chói xuống cuốn sổ tay loại 400 trang của chú Mười. Chú Mười lật lật mấy trang rồi nói.

- Thưa anh Hai, anh Chín và các đồng chí. Trước hết, tôi xin lướt qua thắng lợi đợt 1 của cuộc Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa. Trong nghị quyết tháng 12 năm 1967 và nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1968 quyết định là Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, nhưng cũng có văn bản gọi Tổng tiến công và nổi dậy. Đến Trung ương Cục gọi là “Nghị quyết Quang Trung”, lấy miền Đông Nam Bộ (Khu 7 cũ) và Sài Gòn làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn, quyết tâm xóa Ngụy quyền, lập chánh quyền Cách mạng. Ở Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo khởi nghĩa gồm các đồng chí Tư Bình, Mười Kỷ, Sáu Tâm, Mười Thiện, Năm Cúc, Ba Bài, Mười Quang. Đồng chí Phan Văn Đáng - Phó Bí thư Trung ương Cục xuống miền Tây từ đầu tháng 11-1967, đồng chí phổ biến quyết tâm của Đảng trở thành mệnh lệnh, phải chấp hành vô điều kiện. 3 giờ sáng ngày 31-1-1968, pháo ta bắn vào Sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4, sân bay Lộ Tẻ, tiêu diệt đơn vị cảnh sát Đầu Sấu, mở đường cho tiểu đoàn Tây Đô và Tiểu đoàn 306 từ Đầu Sấu tiến đến ngã tư Tự Đức, đánh lãnh sự quán Mỹ trên đường Hùng Vương, chiếm Bến xe mới. Tiểu đoàn 307 định chiếm đài phát thanh nhưng không chiếm được, chỉ chiếm khu vực hậu cần và Trung tâm nhập ngũ Vùng 4 chiến thuật. Tiểu đoàn 303 đánh vào sân bay Lộ Tẻ, bị địch dùng xe M113 chia cắt, ta thiệt hại nặng. Rút về trú thủ cầu Rạch Ngỗng đến cầu Tham Tướng. Tiểu đoàn 309 ăn Tết ở Phụng Hiệp, đến trễ một ngày, cùng đơn vị 303 chiếm cầu Tham Tướng và khu Văn hóa, làm chủ 1 ngày 2 đêm. Đội vũ trang tuyên truyền cùng tiểu đoàn 307 đánh vào Đài phát thanh như đã nói. Đặc công thành phố đánh Bộ Tư lệnh vùng 4, bắn cháy 2 xe M113 ở đại lộ Hòa Bình. Cứ thế ta bám Lộ Vòng Cung này đây tác chiến liên tục ngày đêm, loại khỏi vòng chiến đấu 13.000 tên địch, trong đó có hàng ngàn tên Mỹ, phá hủy hàng trăm máy bay các loại, 43 xe quân sự, 7 tàu chiến và 8 khẩu pháo. Ở trọng điểm 2, ta đánh cả 3 thị xã, riêng thị xã Vĩnh Long ta làm chủ phần lớn trong 6 ngày đêm, làm cho địch bị thiệt hại nặng nề. Thưa các đồng chí, để nói phần tổng hợp quan trọng này, xin để đồng chí Tư lệnh Quân khu phát biểu.

Chú Chín Hồng phát biểu:

- Phần này tôi nói theo sự thống nhất của đồng chí Phó Bí thư Trung ương Cục chỉ đạo miền Tây, theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Thường vụ Khu ủy… Một, ta thắng lớn nhưng ta cũng bị tiêu hao, thất bại nặng. Hai, binh biến và khởi nghĩa trong binh sĩ Ngụy không xuất hiện như kế hoạch ngành Binh vận đã đề ra. Ba, cuộc tiến công không đạt được những mục tiêu đề ra, chưa có trận tiêu diệt địch lớn nào. Bốn, không có Tổng khởi nghĩa ở thành thị. Năm, do vậy trong hội nghị sơ kết đợt 1 có ý kiến đề nghị ta quay về giải phóng nông thôn. Và tới bây giờ cán bộ lãnh đạo các khu vực mới nghe nói đến khả năng thứ 2 trong nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12-1967(*). Tức là ta giành thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch vẫn giữ được nhiều vị trí quan trọng, các đô thị lớn - nhất là Sài Gòn để tiếp tục chiến tranh.

Chú Hai Văn - Phan Văn Đáng:

- Nhưng thưa các đồng chí, cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” đợt 1 của ta toàn miền Nam đã giáng một đòn choáng váng vào đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Ngày 1-3-1968, Johnson chấp nhận cho Mc. Namara thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, cử Clack Clifford thay thế, Westmoreland Tư lệnh chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ bị triệu hồi và Abram thế chân. Ngày 31-3-1968, Johnson tuyên bố 3 điểm: Mỹ đơn phương ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; Mỹ nhận đàm phán với Việt Nam; Johnson không ra tranh cử Tổng thống cuối nhiệm kỳ nữa. Đây là sự thừa nhận của Tổng thống Mỹ về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Mỹ đưa thêm một số quân sang miền Nam cho đủ 545.000 quân viễn chinh theo kế hoạch đã định từ trước, để rồi tìm cách rút chân ra, thực hiện chủ trương phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh Nam Việt Nam.

Sau cùng, chú Chín Cửu (Nguyễn Tấn Thanh), Trưởng Phòng Dân quân của khu phát biểu:

- Con đường 1C như các đồng chí biết rõ, ta đưa nguồn vũ khí từ cảng Sihanouk Ville về bờ Nam Vĩnh Tế qua Cái Sắn - con lộ, con kinh chiến lược rồi mới về căn cứ giao nhận. Như vậy tuyến đường 1C dài hơn nửa nghìn cây số. Phía đất bạn tới bờ Bắc Vĩnh Tế hơn 200km chia làm 3 công đoạn - chở xe tải từ cảng Sihanouk Ville về Sóc Chuốt. Tổ chức cho tàu chở từ Sóc Chuốt đến kho trung chuyển Kirivong, từ Kirivong chuyển về bờ bắc Vĩnh Tế đầy phức tạp và Mỹ - Ngụy đã có những cấu kết với nhà cầm quyền Campuchia khi khả năng Quốc trưởng Sihanouk bị đảo chính có thể xảy ra. Bạn (K- Cộng sản Campuchia) của ta hiện quá yếu, phải nhờ ta giúp nhưng không chắc là họ tốt với ta đến ngày ta toàn thắng, có dấu hiệu xấu. Còn đoạn 1C từ Đầm Trích về Nam Thái Sơn - Mỹ Hiệp Sơn - Cái Sắn thì anh Hai và các đồng chí có đi thị sát rồi. Giặc đã biết con đường 1C lợi hại cỡ nào nên nó tập trung cao độ đánh phá. Mới đây, địch dùng cả B52 đánh phá khu vực kho bãi của tuyến đường 1C ở Hà Tiên với cơ số 3 phi đội, đánh ta 3 đợt liên tục. Trước tình hình đó, tôi đề nghị các đồng chí hỗ trợ cho thanh niên xung phong có đủ gạo ăn, khỏi đói để đủ sức khiêng vác, kéo đẩy. Có đậu xanh, đường, mía cho voi và trâu bò ăn. Có bệnh xá dã chiến. Đề nghị cho Liên đội II ở trọng điểm 1 sau đợt 3 này, cho anh em thanh niên xung phong Trà Vinh, Vĩnh Long và Tây Đô lên tuyến 1C để có cơ sở một Trung đoàn thanh niên xung phong vận chuyển và cầm súng tự vệ, mở đường, bảo vệ hành lang, kho bãi luôn. Số có khả năng vào chủ lực, ta lập thêm một tiểu đoàn bảo vệ đầu cầu Đầm Trích vàm Rạch Dứa và tuyến Hà Tiên - Đá Dựng liên hoàn làm kho bãi và trạm dưỡng quân sau này.

Chú Mười Kỷ xin ý kiến chú Hai Văn chỉ đạo. Chú Hai Văn phà một hơi thuốc thoải mái:

- Tôi hoàn toàn thống nhất với đề xuất của đồng chí Chín Cửu, tôi sẽ yêu cầu Trung ương Cục miền Nam cho phép các đồng chí tuyến đường 1C vũ trang tất cả các loại vũ khí mà ta có, gồm B40 và B41, AT tăng, H12, DKZ 75, 57, các loại pháo cối và súng phòng không Cơ-ri-nốp 12 li 8. Trang bị cho nữ chiến sĩ thanh niên xung phong pháo dù, súng AK và súng nhỏ K54, K59 để tự vệ như Quân biệt động của ta ở thành phố.

Hội nghị bế mạc. Các cô các dì các chị đem thức ăn mời cấp lãnh đạo dùng bữa trước khi chia tay. Bỗng chú Mười Thiện (Nguyễn Hữu Sanh) đọc câu ca dao trong bản tin văn nghệ Tiểu đoàn Tây Đô có câu:

“Vòng Cung đi dễ khó về.

Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”.

Chú Mười Thiện nói:

- Nè, anh Hai và mấy ông đọc đi. Câu này ăn cắp ý ca dao “Cà Mau đi dễ khó về” còn câu sau “đạn chen đầu đạn bom kề hố bom” là nói láo! Nói quá về sự ác liệt để hù anh em chớ có ca ngợi gì đâu? Văn nghệ gì kỳ cục vậy. Câu của ai vậy? Tác giả nào vậy?

Chú Tám Đương:

- Không rõ, ca dao đơn vị Tây Đô mà.

Chú Năm Phú:

- Không phải bộ đội Tây Đô đâu!

Cuộc hội nghị sơ kết quan trọng vừa xong, các chú dùng cơm và uống trà. Trong những phút thư giãn, chú Hai Văn đề nghị mấy chú quê Cà Mau kể chuyện bác Ba Phi. Chú Mười Kỷ kể chuyện “Con rắn vuông”, chú Mười Thiện kể chuyện “Cọp xay lúa”, “Nếp dẻo”. Chú Chín Hồng kể chuyện “Gà lai cúm núm”… Bỗng Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Thủ đô Hà Nội sau bản tin miền Nam, truyền bài thơ “Tổ quốc gọi nơi nào - tôi có mặt” của nhà thơ miền Nam Nguyễn Bá, bài thơ xung trận giục giã muôn lòng thề hy sinh chiến đấu:

Dù tôi phải đến trong tầm đại bác

Tôi xông lên không một phút ngập ngừng

- Vì tôi là chiến sĩ Giải phóng quân

Tổ quốc gọi: Trận cuối cùng đánh thắng!

 

Dù phải đến giữa lê đâm, súng bắn

Tôi xông lên không một phút ngập ngừng

Đem căm thù làm bão táp chuyển rung

Lay đổ hết những thành trì chúng nó

 

Nếu Tổ quốc cần tôi ôm bộc phá

Tôi xông lên bằng tiếng nổ long trời

Dù phải đem lồng ngực - trái tim tôi

Làm ánh chớp sáng ngời - trong một phút

- Tôi sẽ đánh cho quân thù ngã gục!

 

Nếu Tổ quốc cần tôi lên phía trước

Tôi xung phong làm người lính đi đầu

Từ Trị Thiên đến Mũi Cà Mau

Tổ quốc gọi nơi nào - Tôi có mặt

- Dù nơi đó là Tây Nguyên - Đồng Tháp

Là miền Tây, hay ở miền Đông

Nơi tôi đi là núi hay rừng

Nơi tôi đến là sông hay biển

Miễn nơi đó phải là nơi trực chiến

Mà chính tôi giáp mặt quân thù

- Thằng giặc gần - chỉ cách một đường lê!

(Trích đoạn đầu)

Bài thơ trào dâng khí thế quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh làm tất cả xúc động. Chú Hai Văn và cả hội nghị vui mừng. Chú nói:

- Những bài thơ như thế là một đánh dấu lịch sử trong giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy 1968, góp sức giành thắng lợi to lớn nhất bằng tinh thần quyết tử. Chúng ta coi những tác phẩm văn nghệ đầy hào khí dân tộc như vậy là vũ khí chiến đấu mà Đảng bộ và quân dân Tây Nam Bộ cùng cả nước mong đợi.

Bấy giờ cùng với bài “Đường tháng tám” của Phan Minh Đạo, “Bài ca khởi nghĩa” của Hưởng Triều, “Mùa xuân quyết thắng” của Xuân Huy và “Tổ quốc gọi nơi nào tôi có mặt” của Nguyễn Bá được 2 đài Tiếng nói Việt Nam và Giải phóng truyền đi liên tục ngày đêm, tràn ngập không gian giục giã muôn lòng. Các chiến sĩ mang những bài thơ nóng bỏng như thế ra trận trong suốt 3 đợt tấn công dữ dội chưa từng thấy, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, không một bước lùi, giành những thắng lợi to lớn, tạo thế mạnh cho hội nghị Paris và phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới - mà trong đó tác phẩm văn học miền Nam vinh dự góp phần…

 (Còn tiếp)

--------------------

(*) Khả năng 1: Ta thắng lớn, buộc Mỹ phải chịu thua và thương lượng kết thúc chiến tranh. Khả năng 3: Mỹ tăng quân, dùng lục quân đánh miền Bắc, mở rộng chiến tranh sang Đông Dương.

Phải nỗ lực phi thường giành thắng lợi cao nhất theo khả năng 1, nhưng vẫn sẵn sàng đối phó với khả năng 2. Khả  năng 3 rất ít, nhưng phải đề phòng.

Chia sẻ bài viết