31/12/2012 - 17:36

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

10 năm phấn đấu và trưởng thành

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các thầy cô Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, tại lễ kỷ niệm 10 năm
thành lập.

Là trường đại học y dược lớn nhất ĐBSCL, 10 năm qua - kể từ khi tách ra từ Khoa Y- Nha- Dược thuộc Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã đào tạo hàng ngàn cán bộ y tế cho vùng. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và 33 năm xây dựng, phát triển do trường tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của trường. 10 năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để trường đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo.

"Chiếc nôi" đào tạo nguồn nhân lực

Vào những ngày này, khi đến Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài) dễ dàng nhận thấy sự "thay da đổi thịt" của ngôi trường 10 năm tuổi. Mảnh đất khoảng 30,95 ha, giờ đã mọc lên nhiều công trình khang trang, hiện đại, với nhiều khoa như: Y, Điều dưỡng, Y tế công cộng, Bệnh viện Trường ĐH Y Dược..., đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, cán bộ, giảng viên của trường. Theo PGS.TS PhạmVăn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, tiền thân là cơ sở Khoa Y- Nha - Dược thuộc Trường ĐH Cần Thơ được thành lập vào tháng 9-1979. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL, ngày 25-12-2002, Chính phủ quyết định thành lập Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Từ đây TP Cần Thơ- trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của vùng ĐBSCL có thêm một trường đại học đào tạo về lĩnh vực khoa học sức khỏe, đây là bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của nhà trường. PGS.TS Phạm Văn Lình xúc động nói: "Lúc mới thành lập, cán bộ và sinh viên của trường gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở phân tán nên việc dạy, học của thầy trò rất vất vả nhưng từ đó, đã tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt".

Thực tế cho thấy, giai đoạn từ năm 2003 - 2007, do qui mô đào tạo tăng, trường đã thuê cơ sở của một số đơn vị ở thành phố để làm phòng học, như: Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam, Câu lạc bộ hưu trí,... Anh Huỳnh Thanh Giang, một trong những cựu sinh viên của trường, đang công tác tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ, nhớ lại: "Lúc ấy, việc học của thầy và trò hết sức khó khăn. Có những khi, trong cùng buổi học, tiết đầu thì học nơi này, các tiết sau thì sang nơi khác. Vất vả lắm nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt".

Qua thống kê của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, từ khi thành lập đến nay, trường cung cấp gần 10.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân và hơn 1.500 cán bộ y tế có trình độ sau ĐH cho vùng ĐBSCL. Từ năm 2003 đến nay, qui mô đào tạo của trường tăng trung bình 15%/ năm. Hiện nay, trường có 8.500 sinh viên theo học 8 chuyên ngành bậc ĐH (tăng gấp 2 lần so với năm học 2003-2004) và gần 1.000 học viên theo học 32 ngành sau ĐH.

Hướng phát triển mới

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, 33 năm xây dựng và phát triển Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trường, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực khoa học sức khỏe cho vùng ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Không phải ngẫu nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định như thế, bởi sau năm 1975, cả vùng ĐBSCL chỉ Trường ĐH Cần Thơ có Khoa Y-Nha-Dược, cung ứng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn vùng.

Từ khi tách khỏi Trường ĐH Cần Thơ, nguồn lực của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã phát triển khá mạnh. So với năm đầu thành lập, đội ngũ cán bộ, viên chức của trường hiện nay tăng gần 2,5 lần. Từ 217 cán bộ, viên chức ban đầu, đến nay có 530 người (trong đó có 11 giáo sư và phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 171 thạc sĩ, 21 bác sĩ chuyên khoa 2). Đi đôi với công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên, trường còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. So với năm 2003, cơ sở vật chất của trường tăng gấp 5 lần, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL đang thiếu trầm trọng, trường đã trưng dụng thêm 151 cán bộ có trình độ sau đại học tại các cơ sở y tế làm giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng. PGS.TS Phạm Văn Lình nói: "Nguồn vốn đầu tư 950 tỉ đồng cho giai đoạn 1 từ Bộ Y tế, sau đó được chuyển sang nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ (năm 2009) là động lực để nhà trường nỗ lực hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 1 vào năm 2015".

Theo quy hoạch tổng thể phát triển trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Y tế, từng bước xây dựng trường thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao của vùng ĐBSCL, có đầy đủ các khoa theo nhóm ngành đào tạo về khoa học sức khỏe, có bệnh viện thực hành thuộc trường, làm cơ sở chuẩn mực cho sinh viên kết hợp khám chữa bệnh cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu đào tạo ĐH và sau ĐH chuyên sâu ngành y- dược, đào tạo giảng viên. Sau năm 2020 sẽ nâng cấp trường thành Trường ĐH Y Dược Cần Thơ theo 3 cấp có đủ các trường và các khoa, là cơ sở đào tạo trọng điểm của vùng có chương trình đào tạo tiên tiến tương đương với chương trình đào tạo các nước trong khu vực.

Trong từng giai đoạn cụ thể, trường sẽ xây dựng, đầu tư phát triển nguồn lực phù hợp. Giai đoạn 2010-2015, trường đưa vào sử dụng các hạng mục công trình phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học như: khoa Y, Điều dưỡng, Khoa học cơ bản, Răng hàm mặt, Trung tâm nghiên cứu...; hiện đại hóa các trang thiết bị thực hành, thực tập đồng bộ. Nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên phải đạt 600 cán bộ, trong đó có trên 70% cán bộ giảng dạy đạt trình độ sau ĐH vào năm 2015. Theo PGS.TS Phạm Văn Lình, so với cả nước, ĐBSCL vẫn còn hụt hẫng về nguồn nhân lực y tế. Ngoài nỗ lực của trường, hỗ trợ của các đơn vị, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản sẽ giúp trường hoàn thành nhiệm vụ. Đến năm 2016, trường sẽ đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực y- dược cho vùng ĐBSCL theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: "Tập thể cán bộ, sinh viên nhà trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm đáp ứng qui mô ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế cho toàn vùng, xứng tầm là một trường ĐH trong khu vực ĐBSCL".

Bài ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết