03/07/2017 - 20:52

10 năm khuyến học khuyến tài

Ông Đinh Viết Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập; hoạt động này của thành phố Cần Thơ có sự phát triển nhanh và vượt bậc. Đây là nền tảng góp phần nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Thành quả

 Cầu Khuyến Học 1 ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Ảnh: B.NG

Ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, có cầu Khuyến Học 1. Em Phan Thanh Sang, học sinh Trường THCS Nhơn Nghĩa, kể: Hồi đó, chúng em đi học khó khăn vì đường đến trường sình lầy, phải qua cầu khỉ, sơ sẩy là bị lọt sông. Giờ thì đường từ nhà đến trường dễ dàng, chúng em có điều kiện học và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích". Cây cầu này được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10-2015, dài 20m, rộng 2m. Ông Nguyễn Văn Đậm, ngụ ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền; là một trong những người giám sát xây dựng cây cầu, cho biết: "Những năm trước, đường sá ở khu vực này chưa hoàn thiện. Học sinh, giáo viên đến trường hay bị té. Có lần, một người bạn của tôi ở Hà Nội về chơi và muốn giúp đường đến trường của thầy trò bớt ghập ghềnh. Vị mạnh thường quân tặng 120 triệu đồng để xây cầu và làm khoảng 300-400m đường đi". Ông Hồ Hữu Thậm, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phong Điền, cho biết: Cầu mang tên Khuyến Học với ý nghĩa hỗ trợ học sinh thuận lợi đến trường, tạo động lực để các em học tập tốt. Bên cạnh đó, các cấp Hội Khuyến học huyện còn trao học bổng cho học sinh nghèo, khen thưởng học sinh giỏi hay hỗ trợ giáo viên khó khăn... nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học.

Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14-CT/TU của Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về công tác khuyến học, 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nỗ lực xây dựng các hoạt động tạo quỹ khuyến học, khuyến tài. Nhiều hình thức vận động thiết thực được triển khai: tổ chức văn nghệ, nuôi heo đất, trồng cây khuyến học... Đặc biệt, một số địa phương, đơn vị hình thành học bổng mang tên danh nhân như Quỹ học bổng Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ); Quỹ học bổng Phan Văn Trị (huyện Phong Điền); Quỹ học bổng Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy)... Qua đó, các cấp hội đã huy động từ xã hội tiền và hiện vật có tổng giá trị hơn 223 tỉ đồng để phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài; trao 748.089 suất học bổng, quà và phần thưởng cho học sinh, sinh viên, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên dạy tốt, học giỏi; xây dựng 2 trường mẫu giáo và nhà công vụ cho giáo viên; 2 cây cầu khuyến học cho vùng ngoại thành… Toàn thành phố có 113.148 hộ đạt danh hiệu gia đình học tập, 184 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, 160 cộng đồng (ấp, khu vực) đạt danh hiệu cộng đồng học tập và 240 cơ quan trường học, doanh nghiệp đạt danh hiệu đơn vị học tập.

Hướng đến xây dựng cộng đồng học tập

10 năm qua, tổ chức các cấp Hội Khuyến học của thành phố Cần Thơ từng bước được kiện toàn; mạng lưới khuyến học phát triển rộng khắp; phong trào xây dựng các mô hình hiếu học nay là mô hình học tập phát triển nhanh, được xã hội quan tâm ủng hộ. Năm 2007, tổ chức hội có 850 đơn vị, đến cuối năm 2016 có 4.940 tổ chức hội, "phủ sóng" đến tổ nhân dân tự quản. Tính từ năm 2007 đến cuối năm 2016, Hội Khuyến học thành phố đã phát triển mới 123.491 hội viên, nâng tổng số 199.183 hội viên, đạt 16,03% dân số.

Quận Ninh Kiều là một trong những địa phương có hình thức hoạt động khuyến học hiệu quả, từng bước khơi dậy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, tạo cơ sở cho việc hình thành một xã hội học tập. Tính đến cuối năm 2016, Ninh Kiều có 3.723 Gia đình Cử nhân, 677 Gia đình Thạc sĩ và 196 Gia đình Tiến sĩ. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ninh Kiều, nhấn mạnh: "Từ khi có Chỉ thị 11 và Chỉ thị 14, các nhiệm vụ khuyến học và xây dựng xã hội học tập được cả hệ thống chính trị chung tay vận động, lan tỏa đến từng hộ gia đình". Có thể nói, đó cũng là đánh giá chung ở tất cả quận, huyện của thành phố Cần Thơ, là cơ sở để thành phố phấn đấu đến năm 2020, 70% gia đình được công nhận Gia đình học tập; 50% dòng họ được công nhận Dòng họ học tập; 60% ấp, khu vực đạt Cộng đồng học tập... Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức Hội, phát triển hội viên đạt từ 18% tổng dân số trở lên...

Thời gian tới, Hội Khuyến học thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị- xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cổ vũ toàn xã hội tham gia công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ông Đinh Viết Khanh cho biết thêm: Hội sẽ vận động cả hệ thống chính trị và cổ vũ nhân dân đẩy nhanh xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa; đầy mạnh xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Khu dân cư học tập. Đồng thời tăng cường vận động tổ chức, cá nhân, ủng hộ xây dựng các loại quỹ và hình thức khuyến học; tăng nhanh quỹ khuyến học gia đình...

Bài, ảnh: B.KIÊN- M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết