26/05/2024 - 16:39

“Xanh hóa” trong ngành công nghiệp thời trang 

Trong cuộc cạnh tranh phát triển bền vững, các hãng thời trang đang chuyển hướng “xanh hóa” các hoạt động. Trong đó, xu hướng thời trang tuần hoàn, tái sử dụng, tái chế quần áo, cũng như tìm các vật liệu thân thiện môi trường gia tăng.

Nanocellulose - vật liệu sinh học có tính bền vững cao.

Theo Coherent Market Insights, thị trường thời trang bền vững toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 33 tỉ USD vào năm 2030. Dự báo này dựa trên những thay đổi thị trường tiêu dùng và sản xuất trong ngành công nghiệp thời trang. Nhóm người tiêu dùng quan tâm đến môi trường đang tăng nhanh. Báo cáo Thị trường Thời trang Bền vững Toàn cầu dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 22,9% trong giai đoạn 2023-2030 do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và khách hàng ngày càng ưu tiên việc sử dụng các loại vải thân thiện với môi trường. Từ những cơ sở này, nhiều đơn vị đã sáng tạo và truy tìm những vật liệu mới, đảm bảo thân thiện môi trường.

Tại Anh, Công ty công nghệ sinh học Modern Synthesis đã nghiên cứu và sáng tạo ra Nanocellulose, một vật liệu sinh học do vi khuẩn tạo ra trên khung sợi. Tiến sĩ Ben Reeve, Giám đốc điều hành Modern Synthesis, cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu rác thải từ nhiều nguồn khác nhau như chất thải trái cây để tạo ra Nanocellulose. Chúng có cấu trúc và kích thước nhỏ nên khi dính vào nhau sẽ tạo nên những liên kết bền chặt. Cuối cùng, chất liệu thu được có trọng lượng nhẹ và vô cùng bền chắc”. Theo các nhà nghiên cứu, các sợi Nanocellulose rất nhỏ, bền gấp 8 lần thép và cứng hơn cả sợi Kevlar (loại sợi có độ bền gấp 5 lần thép). So với các vật liệu truyền thống, Nanocellulose sinh ra lượng khí thải rất ít, giúp giảm thiểu khí thải carbon của ngành công nghiệp thời trang. Ngoài ra, với khả năng nhuộm và tạo ra các lớp phủ khác nhau, chất liệu sinh học bền vững này có thể trở thành sự thay thế linh hoạt cho hàng dệt may thông thường.

Tại Nhật Bản, Seiko Epson có định hướng tái chế quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy của hãng vào năm tới, khi lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Công nghệ tái chế thông thường thu hồi sợi chỉ khoảng 10%, nhưng phương pháp mới của Seiko Epson đang nghiên cứu có thể thu hồi hơn 50% sợi. Seiko Epson đặt mục tiêu cuối cùng là sẽ thu hồi 100%. Không chỉ thế, quy trình này còn tiết kiệm nước và một số nguyên liệu khác. Theo đó, vải tái chế được in bằng máy in kỹ thuật số của Seiko Epson có hoạt tiết và màu sắc tươi tắn, sắc nét hơn.

Theo dữ liệu từ Statista, thị trường quần áo tái chế dự kiến sẽ đạt giá trị 351 tỉ USD vào năm 2027. Do đó, nhiều thương hiệu thời trang đang có xu hướng sử dụng các vật liệu như: bông hữu cơ, len organic, vải tái chế từ chất thải nhựa, lụa tái chế… Các sản phẩm thời trang cũng được tập trung tạo ra các mẫu đơn giản, có thể sử dụng trong nhiều mùa và tình huống khác nhau, nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Cụ thể, Martin Margiela tái sử dụng quần áo và sáng tạo các thiết kế bằng kỹ thuật phân hủy; còn Prada cung cấp chiếc túi Hobo bằng nylon tái chế; Versace nghiêm cấm sử dụng lông thú... Uniqlo tạo ra bộ sưu tập capsule có tên “Dry-Ex” được thực hiện bằng cách tái chế chai nhựa và cho phép sử dụng các kỹ thuật giặt cải tiến giúp giảm 99% lượng nước sử dụng. Zara cam kết sử dụng các vật liệu tái chế hoặc bền vững hơn như: cotton, lanh và polyester, hướng đến mục tiêu 100% hàng may mặc đều được làm từ các loại vải này vào năm 2025.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Business of Fashion, Fashion Magazine)

 

Chia sẻ bài viết