03/06/2017 - 16:02

“Vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa

PHAN HOÀNG

Từ bỏ vinh hoa phú quý ở nước ngoài để trở về Tổ quốc tham gia cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (sinh ngày 13-9-1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là niềm tự hào của người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết câu chuyện cách đây tròn 70 năm, khởi đầu cho huyền thoại "vua vũ khí", với việc chế tạo Bazooka và trận đánh lịch sử ở khu vực chùa Trầm, Sơn Tây năm 1947.

Hạ quyết tâm ở hội nghị Trúc Sơn- Hà Đông

Hai nhà trí thức Tạ Quang Bửu và Phạm Quang Lễ gặp nhau từ những ngày diễn ra Hội nghị Fontainebleau bên Pháp. Sau, ông Tạ Quang Bửu- du học về toán lý ở Pháp và Anh- về nước dạy học và nghiên cứu về điện, tham gia Cách mạng Tháng Tám (CMT8), giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Bấy giờ khí tài của quân đội ta còn thô sơ và thiếu thốn, ông Tạ Quang Bửu đã mời kỹ sư Phạm Quang Lễ về cùng nghiên cứu đạn chống tăng. Ngày 5-12-1946, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức Cục trưởng Quân giới Bộ Quốc phòng cho kỹ sư Phạm Quang Lễ và đặt thêm tên Trần Đại Nghĩa cho ông.

Thiếu tướng - GS.VS Trần Đại Nghĩa

Sau CMT8, Pháp mưu đồ tái xâm lược nước ta qua hằng loạt hành động quân sự và ngoại giao. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Chính phủ cách mạng bí mật rút vào Hà Đông. Đầu năm 1947, tại Hội nghị Quân sự tổ chức ở Trúc Sơn thuộc tỉnh Hà Đông, Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa thể hiện quyết tâm tự sản xuất vũ khí hiện đại. Ông cũng mở lớp truyền thụ cho cán bộ.

Dựa vào 3 khẩu súng và hơn 20 viên đạn Bazooka mà quốc tế hỗ trợ ta đánh phát xít Nhật, ông Trần Đại Nghĩa chỉ huy nghiên cứu, chế tạo đạn. Đạn nổ tốt nhưng không thể xuyên qua thép. Vậy là phải gấp rút nghiên cứu, sửa chữa và điều chỉnh. Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu trực tiếp lên binh công xưởng góp sức.

Đêm 2-3-1947, ông Trần Đại Nghĩa cùng lãnh đạo quân ta được báo quân Pháp đang xua quân hòng chọc thủng mặt trận Cầu Mới- Hà Đông. Nha nghiên cứu kỹ thuật Cục Quân giới do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa kiêm Giám đốc Nha vừa chuyển lên Tuyên Quang, đã chế tạo 5 viên đạn Bazooka. Một tiểu đội Bazooka đánh xe tăng được cấp tốc huấn luyện suốt trong đêm.

Sáng hôm sau, 3-3-1947, tại khu vực chùa Trầm ở Sơn Tây, diễn ra cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa quân ta và quân Pháp. Bốn xe tăng dẫn đầu đội hình quân Pháp tấn công, bộ binh tràn theo sau. Bỗng từ một vị trí bí mật ven đê, tiếng súng của tiểu đội Bazooka nổ… Viên đạn đầu tiên được bắn, chiếc xe tăng dẫn đầu bốc cháy. Viên đạn thứ hai bắn cháy thêm một chiếc xe tăng nữa. Bị phản đòn chính xác bất ngờ, đội hình quân Pháp hoảng loạn. Hai chiếc xe tăng còn lại bỏ chạy. Bộ binh cũng chạy theo. Quân ta xung phong.

Sau chiến thắng ở chùa Trầm, Sơn Tây, ông Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và chế tạo thêm vũ khí Bazooka. Nhờ đó quân ta đã giành thêm một chiến thắng quan trọng trong Chiến dịch Việt Bắc vào tháng 9-1947.

Bí mật hành quân "không kính" vào Khu 4 và "dòng họ" SKZ

Giữa lúc Chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947 diễn ra quyết liệt, Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa nhận lệnh của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp khẩn cấp vào Khu 4. Đây là vùng hậu phương tương đối an toàn để đội ngũ Nha nghiên cứu Kỹ thuật quân giới yên tâm nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí công đồn, diệt chiến xa.

Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn Tổng tư lệnh
Võ Nguyên Giáp thăm xưởng sản xuất vũ khí thời chống Pháp.

Lúc về nước những năm trước, ông Trần Đại Nghĩa mang theo gần một tấn sách, tài liệu vũ khí, mà ông bí mật thu thập trong hơn mười năm ở châu Âu. Ông gửi số sách ấy cho một người bạn ở Hà Nội, nhưng chiến tranh bùng nổ, tản cư, sách bị thất lạc. Bằng trí nhớ của mình, ông cố gắng nhớ lại các kiến thức, kết nối và tính toán thành những bản vẽ để làm dữ liệu chế tạo vũ khí. Ông tập hợp vào một chiếc cặp tài liệu "bất ly thân". Trên đường vào Khu 4, ông Trần Đại Nghĩa và chiếc cặp ấy chính là hai nhiệm vụ bảo vệ của đội cận vệ.

Cục trưởng Trần Đại Nghĩa dẫn đầu đoàn cán bộ quân giới rời Tuyên Quang băng rừng xuống Bắc Giang. Đoàn chia thành những tốp nhỏ, vừa đi vừa tự mở đường, vừa nghe ngóng, cảnh giác địch. Theo lời của ông Trần Hồ, một thành viên của đội cận vệ, đội đã yêu cầu ông Trần Đại Nghĩa tạm thời bỏ kính, để nếu có gặp địch thì chúng cũng không nhận ra. Ông nghiêm chỉnh làm theo. Tuy nhiên, vì cận thị nặng nên hễ bỏ kính là ông đi lại loạng choạng khó khăn, phải có người đi kèm sát bên.

Ông Trần Đại Nghĩa là nhà lãnh đạo giỏi về tổ chức, khuyến khích sự sáng tạo của cán bộ. Sau thất bại trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, quân Pháp phòng thủ trong những boong-ke rất kiên cố. Nhiệm vụ phải có vũ khí hóa giải boong-ke ấy được giao trực tiếp cho Cục trưởng Trần Đại Nghĩa và ông triển khai cho toàn ngành quân giới. Bấy giờ, nhà khoa học trẻ Nguyễn Trinh Tiếp, đang là Trưởng phòng Xạ thuật Nha nghiên cứu Kỹ thuật Cục Quân giới, đã chế tạo súng phóng bom, hay còn gọi súng không giật (SKZ), với đạn lõm, có tầm bắn gần nhưng sức công phá mạnh. Đề án chế tạo SKZ 60 được trình lên và lập tức được ông Trần Đại Nghĩa đưa vào sản xuất thử nghiệm. Cục trưởng Trần Đại Nghĩa thường xuyên góp nhiều ý thực tế. Sau sáu tháng nghiên cứu, loại súng này được sản xuất hàng loạt.

Đây là một loại vũ khí nhẹ, nhưng dùng để bắn các loại đạn hạng nặng mà không có độ giật cao, mạnh hơn Bazooka, có khả năng chọc thủng các bức tường bê-tông dày 600- 1000mm của lô cốt địch. Cũng từ SKZ 60 đã sản sinh thêm nhiều loại SKZ phù hợp từng chiến trường.

Nhà khoa học đầu tiên được phong tướng và Anh hùng lao động

Trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn mọi bề, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Trần Đại Nghĩa, ngành quân giới đã tự nghiên cứu và chế tạo súng và đạn Bazooka, SKZ, AT, đạn bay, mìn nổ chậm… Từ cuối năm 1947, tại Bắc Kạn, ông đã mở lớp giảng dạy nghiệp vụ ngắn ngày cho 100 công nhân về quá trình sản xuất, ứng dụng các loại vũ khí. Đây cũng là thế hệ cán bộ nòng cốt cho ngành công nghiệp quốc phòng nước ta sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Từ tháng 3-1949 đến tháng 6-1952, Bộ Tổng tư lệnh giao Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa kiêm thêm nhiệm vụ Cục trưởng Pháo binh. Ông tổ chức xây dựng một binh chủng mới để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn. Sự ra đời của Đại đoàn 351, đại đoàn pháo binh- công binh đầu tiên của quân đội ta vào năm 1951, có sự góp sức không nhỏ của ông Trần Đại Nghĩa. Bằng chiến thuật hợp đồng binh chủng, Đại đoàn 351 đóng vai trò quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Trần Đại Nghĩa là một trong 11 vị tướng đầu tiên được thụ phong chính thức của quân đội ta. Theo sắc lệnh 110/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20-01-1948, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng; Tư lệnh Nam Bộ, Nguyễn Bình là Trung tướng; còn các ông Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm được phong Thiếu tướng.

Trong một bài viết ký bút danh C.B đăng trên báo Nhân Dân số 61 ra ngày 12 tháng 6 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, kỹ sư Nghĩa luôn luôn cố gắng làm đúng lời hứa: khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những học thức rộng rãi ở châu Âu áp dụng vào điều kiện eo hẹp của nước ta. Đồng chí rất giỏi về khoa học máy, nhưng lúc thực hành thì không "máy móc"… Kỹ sư Nghĩa có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành". Không chỉ là nhà khoa học đầu tiên được phong tướng, ông Trần Đại Nghĩa còn là nhà khoa học đầu tiên được phong Anh hùng. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, ông Trần Đại Nghĩa cùng các ông Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; còn các ông Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, bà Nguyễn Thị Chiên là Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Chia sẻ bài viết