11/08/2016 - 13:57

“Vết gió” và những cuộc chơi nghiệt ngã

Với tiểu thuyết mới nhất "Vết gió" (NXB Trẻ - 2016), nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn thể hiện rất rõ tình yêu của mình đối với Hà Nội. Kể câu chuyện về những nhân vật với đời sống đô thị xô bồ, tác giả mang đến cho người đọc những sự so sánh, biến đổi của Hà Nội xưa và nay.

"Vết gió" kể về những thị dân Hà Nội với muôn mặt cuộc sống từ học hành, tình ái, kinh doanh, gia đình, bè bạn, đến lừa lọc, dối trá và những cạm bẫy vô hình. Nhân vật chính trong guồng quay đó là Thúy và Tuấn – một cặp đôi từng yêu nhau nồng nàn thời trẻ nhưng rồi chia tay và mỗi người một ngã rẽ. Tuấn du học ở Úc và cưới Hân, về nước mở công ty kinh doanh bia rượu, nước giải khát. Thúy làm bà chủ của một tiệm uốn tóc có tiếng, trải qua vài cuộc phiêu lưu tình ái và cuối cùng sống "già nhân ngãi, non vợ chồng" với Hưng – quý tử của một đại gia gỗ miền Trung, nhưng lại kiếm tiền bằng cách chạy hàng cho các đại gia đồ cổ ở Hà Nội. Từ hai nhân vật trung tâm, đời sống, tâm lý của những nhân vật khác như Hưng, Hân, Diễn, Hương… và những mối quan hệ xã hội phức tạp khác được tác giả triển khai từng bước một, tạo thành một vòng tròn phức hợp với nhiều nút thắt, mở khó đoán.

Diễn biến của tiểu thuyết khá chậm nhưng càng về sau, các mối quan hệ và kịch tính câu chuyện càng được đẩy lên cao trào, tạo nên những bước ngoặt cho tác phẩm. Với mỗi nhân vật, cuộc sống của họ nơi phố thị với tham vọng làm giàu là một cuộc chơi đầy thử thách, mà nếu ai không tỉnh táo hoặc thiếu bản lĩnh sẽ lập tức chuốc lấy thất bại, thậm chí là họa sát thân. Trường hợp của Hân – vợ Tuấn – là một điển hình. Với bản tính nhẹ dạ, cả tin, tham lợi trước mắt, Hân không chỉ thất bại trên thương trường mà còn bị lừa tình, tống tiền. Tuyệt vọng, quẫn trí, cô tìm đến cái chết để chạy trốn hiện thực phũ phàng. Với Hưng, số phận càng nghiệt ngã hơn khi chết một cách bất ngờ, tức tưởi vì cuộc chơi và săn lùng đồ cổ luôn ẩn chứa những bất trắc, hiểm họa khôn lường. Với Hương, dù thành công với chuỗi nhà hàng buffet nhưng cuối cùng vẫn phải cay đắng sang nhượng tâm huyết của mình cho người khác, vì cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường với những thế lực trong bóng tối…

Sau những xô bồ, nghiệt ngã, vòng quay số phận lại đưa Tuấn và Thúy tái hợp. Nhưng dường như chuyện tình của họ hay số phận của những nhân vật khác chỉ làm nền cho một chủ đề khác mà tác giả muốn nhấn mạnh. Đó là sự thay đổi của Hà Nội về quang cảnh, phố phường cho đến lối sống của thị dân. Qua đó, tác giả thể hiện sự tiếc nuối cho những giá trị đã mất của thành phố ngàn năm tuổi. Sự hoài niệm của tác giả bộc lộ rất rõ qua những trang viết được in nghiêng, bố cục đan xen với diễn biến của số phận các nhân vật. Những trang viết ấy như những tản văn kể lại lịch sử của Hà Nội từ Hồ Tây, sông Hồng, cầu Long Biên, các cửa ô, cây xanh trên phố, cột đèn đường, các quán ăn… Kể một cách nhẩn nha nhưng sắc sảo, đủ để cho người đọc thấy Hà Nội nay khác Hà Nội xưa nhiều lắm. Vì thế, đọc "Vết gió", chúng ta được thưởng thức "2 trong một": tiểu thuyết và tản văn. Trong đó, có những đoạn miêu tả Hà Nội đẹp và trong vắt đến nao lòng.

Đặc biệt, với vốn sống phong phú và sự am tường kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, ẩm thực, đồ cổ, rượu… Đỗ Phấn dẫn người đọc đi đến cùng những cuộc chơi của các nhân vật và từng ngóc ngách của Hà Nội. Để cuối cùng chuyến phiêu lưu ấy kết thúc bằng những cơn gió đầy ám ảnh. Những trận cuồng phong đã tạo nên những vết cắt đau đớn cho thị dân Hà Nội, khi họ phải lấm mình trong cơn gió.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết