Bất chấp cam kết hỗ trợ châu Phi phát triển xanh, các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc không ngừng mọc lên tại lục địa đen khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hết sức quan ngại.

Sức tàn phá môi trường của nhiệt điện than. Ảnh: Bangkokpost
Khi Chính phủ Ghana đồng ý bắt tay Tập đoàn Năng lượng Thâm Quyến (Trung Quốc) xây dựng nhà máy nhiệt điện than công suất 7.000 megawatt ở miền Trung nước này, nhà hoạt động Chibeze Ezekiel tỏ ra lo ngại. Ezekiel biết rằng nước thải, tro và hoạt động phát thải thủy ngân của nhà máy sẽ tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường địa phương.
Do đó, Ezekiel, người vừa được trao Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá, đã thành lập một tổ chức phi chính phủ, phát động chiến dịch truyền thông xã hội, nhấn mạnh các mối đe dọa của nhà máy đối với môi trường và cộng đồng địa phương, nhờ đó mà Chính phủ Ghana năm 2016 đã hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá 1,5 tỉ USD nói trên.
Chiến thắng của Ezekiel chỉ là một trong số nhiều “trận chiến” trên khắp lục địa đen giữa các nhà hoạt động với các công ty Trung Quốc và chính quyền. Bất chấp tổn hại về danh tiếng, các công ty Trung Quốc tiếp tục tài trợ xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than, khiến không ít nhà hoạt động môi trường phẫn nộ. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức hồi tháng 7, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng thúc giục các nước ngừng rót vốn vào ngành công nghiệp than toàn cầu nói chung và châu Phi nói riêng.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vạch ra kế hoạch phát triển xanh ở châu Phi trong khuôn khổ chính sách cơ sở hạ tầng gọi là sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”. Theo CNN, 38 quốc gia vùng châu Phi cận Sahara đã đồng ý tham gia BRI với hy vọng cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển năng lượng. Song, bất chấp cam kết loại dần các dự án phát thải carbon trong và ngoài nước của chính phủ, các ngân hàng và công ty Trung Quốc vẫn đang tài trợ cho 7 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở châu Phi và 13 nhà máy nữa đang được lên kế hoạch xây dựng, chủ yếu là ở phía Nam Sahara.
Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu Ðại học Boston (Mỹ) cho biết, kể từ năm 2000, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã rót tổng cộng 6,5 tỉ USD vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở châu Phi. Hồi tháng 10, một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố hướng tới mục tiêu carbon trung tính trước năm 2060, Tập đoàn Xây dựng Ðiện lực Trung Quốc (PowerChina) đã đưa 223 nhân viên đến Zimbabwe để “đẩy nhanh” việc mở rộng nhà máy nhiệt điện than Hwange. PowerChina cũng đóng góp 4,5 tỉ USD trong kế hoạch dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Musina - Makhado trị giá 10 tỉ USD của Nam Phi.
Với hàng loạt dự án phát triển điện than tại châu Phi, CNN châm biếm gọi đó là BRI “bẩn” gây ô nhiễm môi trường.
Theo CNN, nhiều chính phủ châu Phi vì phải đáp ứng nhu cầu năng lượng mà trả giá đắt cho môi trường. Tổ chức Kiểm soát Năng lượng Toàn cầu dự báo, nếu công tác xây dựng các nhà máy được thực hiện theo kế hoạch, sản lượng điện than do Trung Quốc tài trợ ở châu Phi có thể tăng gấp 3 lần vào thời điểm Bắc Kinh thực hiện mục tiêu carbon trung tính.
Nghiên cứu do Công ty tư vấn kỹ thuật Mott MacDonald (Anh) thực hiện cho thấy, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mang đến nhiều tác hại, như gây tác động đối với đa dạng sinh học khu vực, làm gián đoạn hoạt động sinh thái và gây ô nhiễm nguồn nước, làm chuyển đổi đất quy mô lớn, đồng thời làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Hiệp hội các nhà kinh tế học tài nguyên và môi trường châu Âu trong báo cáo năm 2017 ước tính, hơn 2.200 ca tử vong mỗi năm liên quan đến sản xuất nhiệt điện than ở Nam Phi. Trong đó, ung thư phổi, đột quỵ, bệnh tim và viêm đường hô hấp là những “thủ phạm” chính.
HOÀNG NAM