13/03/2018 - 07:19

“Truyền lửa” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL 

Với động thái quyết liệt từ Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tháng 5-2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã thành lập hành lập Mạng lưới khởi nghiệp vùng ĐBSCL (MSN). Với những thành quả bước đầu, MSN xác định tiếp tục thực hiện vai trò kết nối để vừa phát huy thế mạnh của từng địa phương, vừa tạo được sức mạnh tổng thể trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả vùng.

Theo đánh giá từ VCCI Cần Thơ, sau gần 1 năm thành lập, điểm nhấn trong hoạt động của MSN là phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL. Từ cuộc thi này, có 100 hồ sơ, với 250 thí sinh đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia. Nội dung tập trung vào các lĩnh vực: giải pháp kinh doanh, nông nghiệp, sản xuất thương mại, thủ công mỹ nghệ, công nghệ thực phẩm, môi trường, du lịch trải nghiệm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất… Ngoài ra, MSN cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực (tìm ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình) cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nông nghiệp là lĩnh vực đang được khuyến khích tại ĐBSCL. Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm). Ảnh: MỸ THANH
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nông nghiệp là lĩnh vực đang được khuyến khích tại ĐBSCL. Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm). Ảnh: MỸ THANH

Bên cạnh những thành quả đạt được, theo VCCI Cần Thơ, hoạt động của MSN trong năm qua vẫn thiếu sự kết nối, khâu phối hợp chưa tốt nên chưa phát huy thế mạnh của vùng. Đơn cử như việc tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL phải nhìn nhận là chưa đáp ứng được mục tiêu của phong trào khởi nghiệp đang được các địa phương khuyến khích - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Trong số 100 hồ sơ tham gia dự thì có đến 32 hồ sơ thuộc lĩnh vực giải pháp kinh doanh. Nghĩa là các thí sinh chỉ đưa ra các ý tưởng về những điều mình phát hiện trên thị trường, những giải pháp liên quan đến sản xuất, thương mại, mua bán thông thường. Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù là thế mạnh của ĐBSCL nhưng ý tưởng cũng chỉ loay hoay với nuôi trồng thủy sản, nuôi trùn quế, trồng rau sạch, nuôi gà, bò…”- bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được cũng như rút kinh nghiệm những mặt hạn chế, năm 2018, MSN tập trung vào mục tiêu liên kết tổ chức các hoạt động trong mạng lưới. Chẳng hạn như: tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL, kết nối đầu vào cho 10 doanh nghiệp, kết nối 20 doanh nghiệp với các nhà đầu tư. Đồng thời, thiết lập khu ươm tạo khởi nghiệp ĐBSCL (Co-working Space) cho các startup ĐBSCL và startup Nhật Bản; mạng lưới tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức đào tạo, bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho 50  cán bộ chuyên trách  về khởi nghiệp tại ĐBSCL…

Mô hình khởi nghiệp sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên địa bàn phường Trà An, quận Bình Thủy. Ảnh: MỸ THANH
Mô hình khởi nghiệp sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên địa bàn phường Trà An, quận Bình Thủy. Ảnh: MỸ THANH

Tại buổi họp mặt thành viên MSN vừa được VCCI Cần Thơ tổ chức, bà Bùi Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, MSN cần có giải pháp, kế hoạch kết nối các phong trào khởi nghiệp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; phát huy vai trò định hướng khởi nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng… Ngoài ra, theo bà Võ Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, MSN nên thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp. Bởi đây là điều kiện thuận lợi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nảy sinh nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo. Nhiều ý kiến đề xuất ý tưởng xây dựng khu làm việc chung cho các ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham khảo nhằm hoàn thiện hồ sơ tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL đạt yêu cầu.

Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phong trào khá mới mẻ. Do đó, các thành viên MSN không chỉ làm tốt khâu “truyền lửa” mà còn phải cung cấp, hỗ trợ thông tin; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hiểu đúng và đầy đủ về phong trào này. Thông tin từ VCCI Cần Thơ, Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2018 khuyến khích, ưu tiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực IoT (Internet of Things); ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thực phẩm… “Chúng tôi khuyến khích những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với những sản phẩm mới, dịch vụ mới đi kèm yếu tố về công nghệ cao. Thực tế cho thấy, giai đoạn hiện nay những sản phẩm gắn liền với yếu tố công nghệ kỹ thuật càng cao, thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng và thu được lợi nhuận càng lớn”- ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, nhấn mạnh.

MSN ra đời nhằm mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp vùng ĐBSCL, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, khơi gợi và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong cộng đồng, doanh nghiệp từ đó góp phần tăng số lượng và chất lượng hoạt động của DN, hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển bền vững. Thành viên sáng lập MSN là đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp… 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết