Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa ra mắt tập thơ “Bay lên từ cánh đồng” (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành), tạo dấu ấn với những bài thơ đượm nét chân quê và gợi bao hoài niệm qua những câu thơ mới lạ, cuốn hút. Chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ về tập thơ này, nhà thơ người Tiền Giang nói thêm:
- Ở “Bay lên từ cánh đồng” lần này, tôi đào sâu hơn mảng đề tài viết về làng quê với những vẻ đẹp truyền thống và những ký ức tuổi thơ trong trẻo. Ðọc tập thơ này, bạn đọc sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh hết sức bình dị từ cánh đồng, đất đai, ruộng vườn, dòng sông… cho đến những người nông dân, những người trẻ bỏ làng lên phố với bao ước mơ, hoài bão. Tập thơ là những ký ức tuổi thơ mang vẻ đẹp thi vị, chất chứa trong đó là sự tiếc nuối cái đẹp nguyên sơ, chân chất của làng quê đã phôi pha theo thời gian, theo sự biến đổi của cuộc sống.
Cũng vì thế ở tập thơ này, tôi không quan tâm nhiều đến việc cách tân thơ, tôi để cảm xúc thơ của mình tự do bay trên cánh đồng thơ ấu bằng những gì chân thật và bình dị nhất từ sâu thẳm trái tim mình.
* PGS-TS Hồ Thế Hà nhận xét thơ anh “nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở… Nó đánh thức “con người nhà quê” luôn ẩn núp trong mỗi chúng ta”. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
- Nhà phê bình văn học Hoài Thanh cho rằng: “Mỗi người Việt Nam đều có trong hồn mình một người nhà quê”. Quá trình đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do đến các thành phố lớn khiến cho nhiều người trẻ hôm nay sớm “ly hương” và “ly nông”, tuy nhiên, trong tâm hồn mỗi người vẫn còn đâu đó “con người nhà quê” hồn hậu, chân chất. Và khi bắt gặp một hình ảnh, một mùi hương, một giọng nói, một câu ca… quen thuộc thì những ký ức làng quê lại quay trở về mãnh liệt và trọn vẹn.
Thật may mắn nếu thơ của tôi làm được điều đó, khi nó đánh động vào tâm hồn, nơi sâu thẳm và tốt đẹp nhất của mỗi chúng ta.
* Nhưng cũng có người cho rằng, ký ức đồng quê bây giờ có lẽ như đang bị “khai thác quá mức”, “lạm phát” trong văn chương, làm nên sự trùng lắp, lối mòn nhàm chán. Anh nghĩ sao?
- Nông nghiệp, nông thôn và người nông dân từ lâu vốn là đề tài yêu thích của tất cả các loại hình văn học nghệ thuật. Có lẽ vì thế, nhiều người nghĩ rằng làng quê và những cánh đồng đã có quá nhiều người cày xới, thâm canh đã trở nên kém màu mỡ, không còn gây hứng thú cho các tác giả cũng như độc giả đương đại.
Cuộc sống hôm nay với bao đổi thay, quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại đời sống và bộ mặt tươi mới cho làng quê. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong đời sống hiện đại, như: việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển, mối quan hệ xóm giềng, những thay đổi về giá trị thẩm mỹ, không gian văn hóa đặc trưng của làng quê Việt Nam từ mái đình, cây đa, bến nước, con đò… đang có nhiều thay đổi. Những “mảnh vỡ” trong tâm hồn trước sự đổi thay, những nếp cũ và mới cọ xát nhau trên giá trị mới đang hình thành. Ðây chính là những chất liệu mới, nguồn cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ. Và tôi tin rằng, nếu khéo léo tránh giẫm phải dấu chân những người đi trước, thì đây vẫn là một đề tài lớn của văn học đương đại.
* Là một nhà thơ trẻ nổi bật và rất tâm huyết với văn học trẻ ÐBSCL, anh nhận định gì về lực lượng này hiện nay. Theo anh, cần làm gì để văn học trẻ đồng bằng bứt phá hơn trong thời gian tới?
- Dù chưa thật sự sôi động nhưng thời gian qua văn học trẻ đồng bằng vẫn khẳng định được bản sắc và vị trí của mình trên văn đàn cả nước. Ðội ngũ những cây bút trẻ với nhiều sự tìm tòi, đổi mới đang hứa hẹn cho những sự cách tân trong văn chương thời gian tới đây. Sự xuất hiện nhiều hơn về số lượng tác giả trẻ và tác phẩm có chất lượng đã phần nào cho sự ổn định trong phong cách sáng tác, góp phần tạo nên diện mạo đa sắc cho văn học ÐBSCL đương đại. Những tác giả trẻ từ thế hệ 8X trở đi, về văn có thể kể đến: Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng, Hoàng Khánh Duy, Nghiêm Quốc Thanh, Trần Sang, Lê Quang Trạng, Trương Văn Tuấn, Huỳnh Trọng Khang, Phát Dương... Về thơ có Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Giang San, Huệ Thi, Nguyễn Ðức Phú Thọ, Phan Duy, Vĩnh Thông, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Bàng…
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Trương Thị Thanh Hiền, nhà văn Trầm Hương, nhà thơ Thái Hồng và nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (từ trái sang) tại một hội thảo về văn học ĐBSCL vào năm 2019. Ảnh: NVCC
Lực lượng đã có, để bứt phá, tôi cho rằng phải trông đợi nhiều vào tài năng và sự nỗ lực tự thân của mỗi người đã có. Bên cạnh đó, rất cần có sự động viên, khích lệ của các Hội Văn học Nghệ thuật ở địa phương, sự tác động của những cây bút đã thành danh để họ có thể phát huy hết khả năng và niềm đam mê đối với văn chương.
* Xin cảm ơn anh!l
ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)