20/08/2020 - 10:02

“Sao Tháng Tám” vẫn tỏa sáng 

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020), nhiều đài truyền hình Trung ương và địa phương phát lại phim truyện “Sao Tháng Tám”. Đây là tác phẩm của cố đạo diễn, NSND Trần Đắc, đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977, cũng là một trong những phim có đề tài chiến tranh cách mạng có sức sống bền bỉ nhất của điện ảnh Việt Nam.

Một cảnh trong phim “Sao Tháng Tám”.

Dù được quay ở thời điểm nước ta mới thống nhất vào những năm 1975-1976, trong điều kiện điện ảnh còn nhiều khó khăn, nhưng “Sao Tháng Tám” vẫn được thực hiện chỉn chu, giàu giá trị nghệ thuật và đậm ngôn ngữ điện ảnh. Nhất là những trường đoạn tái hiện bối cảnh, hình ảnh về sự lầm than của nhân dân dưới chế độ thực dân phong kiến, mà đỉnh điểm là nạn đói kinh hoàng; từ đó bật lên khí thế những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bằng thủ pháp sử dụng hình ảnh và nghệ thuật ánh sáng, cũng như câu chuyện và lời thoại cô đọng, đắt giá; phim giúp khán giả hiểu được cuộc sống cùng cực của dân ta qua những khuôn hình khiến người xem ám ảnh, thổn thức. Ðó là những dáng người da bọc xương lay lắt trong cơn đói, đến khung cảnh một buổi chợ quê ảm đạm đến những chiếc xe chất đầy xác người chết đói mang đi chôn; những công nhân lao động cơ cực trong các hầm lò, nhà máy với đồng lương rẻ mạt, ngày ngày bị đánh đập... Ðối lập là những bộ cánh sang trọng, ngôi nhà, cuộc sống xa hoa của các “bà lớn”, “ông lớn”... Từ đó, làm bật lên những xung đột, mâu thuẫn, những ngọn lửa âm ỉ chỉ chực chờ thời cơ bùng phát. Thổi bùng ngọn lửa biến căm hờn thành sức mạnh, phá tan ách thống trị là những chiến sĩ cách mạng luôn sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân. Từ những thanh niên trí thức như Kiên, người phụ nữ nông dân như cô Mến, đến những cụ già, những đứa trẻ… đều góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám.  

“Sao Tháng Tám” đã trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển, có sức ảnh hưởng lớn với thời đại và điện ảnh nước nhà. Sau “Sao Tháng Tám”, điện ảnh Việt cũng có một số phim làm về giai đoạn này và sau năm 1945, như: “Hà Nội mùa Ðông năm 46” (1997) của đạo diễn Ðặng Nhật Minh; “Nhà tiên tri” (2015) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng đạo diễn Vương Ðức thực hiện nhằm chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9… “Nhà Tiên tri” lấy bối cảnh từ năm 1947-1951, tái hiện Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp. Bác đã có những tiên đoán về thắng lợi của quân và dân ta vào năm 1954 và thực tế lịch sử đã chứng minh những nhận định của Người hoàn toàn chính xác. Trong khi đó, “Hà Nội mùa Ðông năm 46” miêu tả bầu không khí và đời sống người Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến, tái hiện thành công một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi mà ít người hiểu tường tận.

Nhờ những tác phẩm điện ảnh như “Sao Tháng Tám”, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 không chỉ là hồi ức hào hùng trên phim tài liệu, mà còn ghi dấu đậm nét trong lòng nhiều thế hệ qua những thước phim sống động trên màn ảnh rộng.

CÁT ĐẰNG 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Sao Tháng Tám