Trước những cảnh báo về cạnh tranh mới giữa hai cường quốc trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, chuyên gia cấp cao của tổ chức Greenpeace khu vực Ðông Á Li Shuo cho biết vấn đề sẽ không thể giải quyết nếu một trong hai nước đóng các kênh liên lạc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) bên cạnh Tổng thống Mỹ Biden và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Hội nghị COP26.
Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận song phương về biến đổi khí hậu, góp phần dẫn tới thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về vấn đề này (COP21) diễn ra một năm sau đó ở Pháp. Sự kiện trên cũng đánh dấu cột mốc quan trọng về hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là hai nước xả khí thải nhiều nhất trong nỗ lực giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia nhận định thành công mà hai bên đã đạt được cách đây 7 năm khó có khả năng lặp lại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, Bắc Kinh dường như không đề cao nỗ lực của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, Mỹ chỉ là một “học sinh trốn học trở lại trường” chứ không phải là một “vị vua trở lại” trong các cuộc đàm phán về khí hậu, ngụ ý về quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi năm 2017. Trong bức thư gởi tới các đại biểu tham dự Hội nghị COP26 đang diễn ra tại Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn chỉ trích các nỗ lực của Mỹ tập hợp đồng minh đối phó Trung Quốc chỉ dẫn đến chia rẽ. Thay vì “đánh lạc hướng” và biến vấn đề khí hậu thành “con bài thương lượng địa chính trị”, ông Tập đề nghị Washington tăng cường tài trợ cho quá trình khử carbon như cách thể hiện sự tôn trọng cam kết của một quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu (Trung Quốc tự coi mình là một quốc gia đang phát triển).
Theo giới quan sát, trong khi hệ thống hiệu quả để kiểm soát khí hậu toàn cầu đòi hỏi hầu hết các quốc gia phải tham gia, tình trạng xói mòn lòng tin giữa hai cường quốc có thể xóa bỏ nỗ lực của quốc tế.
Thế nên trước thềm Hội nghị COP26, một nhóm gồm 31 nghị sĩ Mỹ đã trình lá thư đề nghị Tổng thống Biden tham gia các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc trong vấn đề khí hậu. Hành động này không chỉ giải quyết được nhu cầu cấp bách đe dọa toàn cầu mà còn giảm thiểu rủi ro bùng phát xung đột quân sự đe dọa an ninh quốc gia, bức thư nhấn mạnh. Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26, Tổng thống Biden cũng lên tiếng xin lỗi về quyết định của người tiền nhiệm rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà theo ông là đã đặt tất cả các bên liên quan vào tình th ế bất lợi hiện nay.
Nữ hoàng Anh kêu gọi hành động chung đối phó với khủng hoảng khí hậu
Ngày 1-11, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác trong “sự nghiệp chung” đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu để giải quyết những “chướng ngại vật” vốn khó có thể vượt qua.
Trong thông điệp được phát qua video, Nữ hoàng Elizabeth II cảnh báo tình hình sẽ xấu đi nếu tình trạng ô nhiễm trên thế giới không được quan tâm ngay tại thời điểm hiện nay. Nếu các nước không đương đầu với thách thức này, mọi vấn đề khác sẽ “trở nên vô nghĩa”. Bà nhấn mạnh: “Không ai trong chúng ta đánh giá thấp những thách thức phía trước: nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng khi các quốc gia xích lại gần nhau vì mục tiêu chung, thì luôn có chỗ cho hy vọng”.
MAI QUYÊN (Theo Diplomat)