10/02/2019 - 09:00

“Mọt sách” Ngũ thường 

Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh Thiếu niên và Nhi đồng TP Cần Thơ.

Phải mất 5 năm tìm kiếm câu trả lời, Hồng Anh mới “ngộ ra” điều linh diệu từ chính bản thân mình.

1. Bạn đang nhìn  “mọt sách” giữa ngổn ngang những câu hỏi!

Tại sao một đất nước như Nhật Bản, nền giáo dục được thế giới ngưỡng mộ và mong muốn con mình được học, nhưng tỷ lệ tự tử của họ rất cao? Đọc tự truyện “Sói già phố Wall”, cô lại băn khoăn: Tại sao người đàn ông được biết bao người ngưỡng mộ tài năng nhưng có những đoạn đời đen đủi - nghiện ma túy, sắc dục, vợ bỏ, bệnh tật và tù tội? Tại sao tỷ lệ thành công, hạnh phúc giảm dần, tỷ lệ ly dị, phá sản, thậm chí tù tội tăng lên sau 10 năm, 20 năm, 30 năm khi xem kết quả khảo sát những người tốt nghiệp trường Harvard? Ngay cả “Vũ trụ đầy sao” Hollywood, những minh tinh, người mẫu nổi tiếng thế giới lại tồn tại thực trạng ly dị và kết hôn mới, trầm cảm và tự tử coi như điều hiển nhiên… Hồng Anh tự hỏi: Tại sao những người tưởng chừng mệnh lớn ảnh hưởng tới muôn người lại rơi vào thói thường không lối thoát?

Phúc phần không đủ thì mệnh sẽ mất đi, có phải vậy không? Vậy đâu là nguyên nhân gốc rễ? “Cuối cùng cũng tìm được mảnh ghép quan trọng để tự trả lời”- Nguyễn Hồng Anh nói về khóa học khai tâm, đã thay đổi cách sống của cả hai vợ chồng.

Một lớp học kỳ lạ nhất trên đời, không phải chạy lo bằng cấp, không thể tơ hào danh vọng mà chỉ lo không khai tâm, mở trí là không được học tiếp.

Một ông sếp ngân hàng, một nhà thầu khoán… coi trọng cách ứng xử chính trực, sẵn sàng từ chối những thói thường chung chi, rút ruột… Những tấm gương từ vô hình đã hiện rõ, mọi người nói với nhau “Đã tìm được điểm quay về, còn hơn cả tìm thấy báu vật”. Hồng Anh nhận ra sự thay đổi từ những người cùng học.

Đang gánh vác công việc giám đốc, lèo lái Trung tâm Hỗ trợ Thanh Thiếu niên và Nhi đồng TP Cần Thơ (Trung tâm), bà mẹ 35 tuổi này cũng từng chở con tới trường, vào sở làm mà đầu óc lo nghĩ, ruột rối như tơ vò; cũng từng khao khát sự an nhiên. Nhưng đời là sự cộng hưởng những câu chuyện từ lúc trẻ thay răng cho đến tuổi dậy thì, khao khát chứng tỏ bản thân, muốn làm điều to tát nhưng không thể hoàn tất, chỉn chu một việc nhỏ, nôn nóng và dễ bỏ cuộc khi bước vào trường đại học.

“Con tôi nhát lắm, con tôi lì lắm”… và đích cuối cùng của mọi ước ao là con cái thành công, hạnh phúc. Trong khi những phụ huynh nói họ phải tập trung kiếm thật nhiều tiền, có địa vị cao hơn… bằng bất cứ giá nào hoặc đầu tắt mặt tối bộn bề tới mức không còn thời gian chia sẻ, chuyện trò với con cái… và hệ quả là nhiều đứa trẻ có một kho chứa dư thừa mọi thứ nhưng luôn thiếu thốn sự thấu hiểu từ cha mẹ, thậm chí thấy ngột ngạt trong chính gia đình mình. Không ít đứa trẻ suốt ngày lầm lì trước một căn phòng thứ gì cũng có… “Ước gì tôi có thể nói với phụ huynh: Dừng lại đi, chúng ta đi nhầm đường rồi”- Hồng Anh không giấu được cảm xúc.  

Đầu tiên, Hồng Anh tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề, kỳ vọng rất lớn vì phụ huynh nào cũng có thừa những bức xúc về tương lai con cái. Nhưng lần đó thính phòng chỉ có 11 người! Khỏi nói thì ai cũng biết cô đau khổ khi nhiệt huyết bị tạt gáo nước lạnh, thậm chí thấy mình vô dụng khi cứ “rao giảng” nhân cách, giá trị sống còn phụ huynh chỉ cần cho con vào đại học là được rồi.

Khát khao có đủ lớn? Có nên trách người khi bất ổn? Hay vì mình khuyết cái tuệ khi đứng trước cách hành xử thói thường? Cô tự hỏi, trong lòng không chút bình an khi những câu hỏi cứ bám riết, văng vẳng bên tai “Làm ngơ có được không?”.

2. Đó là vạch phát tâm nguyện, Hồng Anh thú thật việc phục hồi hoạt động cho một Trung tâm còn nợ Bảo hiểm xã hội chiếm hết suy nghĩ nên cô chưa biết làm gì. Lúc đó, bé đầu lòng chào đời. Nhìn lại việc nuôi con, bản thân cũng có nhiều việc phải sửa lỗi.

“Khi mang thai bé thứ hai, tôi đã hứa với đất trời là: Con sẽ cống hiến hết mình cho cộng đồng, còn làm gì để cống hiến thì hãy dẫn dắt cho con”- Hồng Anh nhớ lại lúc có quá nhiều thử thách từ việc thiếu kinh nghiệm quản trị trung tâm, gia đình không ủng hộ khi cô từ bỏ công việc yên lành, thu nhập khấm khá để làm một công việc không lương, thậm chí lấy tiền nhà để trả các chi phí của trung tâm.

“Trung tâm đâu phải của mình…?”, câu nói đơn giản nhưng khiến cô như người đuối nước. Tới khi tự đáy lòng lên tiếng: “Con đuối thiệt rồi. Trời đất không cử ai xuống giúp con là con buông!”.

May thay, cứ mỗi lần như vậy thì y như rằng có cơ duyên. Vài ngày sau cô nhận được tâm thư của phu huynh chia sẻ về sự tiến bộ của con gởi đến.

“Dạy con nên người”, “Nuôi dưỡng động lực”, “Tự tin giao tiếp” là sự theo đuổi không mệt mỏi những kỳ vọng của Hồng Anh. Cô tìm tới những nông trại xin cho các bé tới nghe người lớn chỉ bảo về sự sống của muôn loài, nhìn thấy cuộc mưu sinh và việc ứng dụng công nghệ mới, nghe giải thích về đạo đức dù với việc trồng rau trái lành, sạch để từ đó các bé hiểu về nhân cách.

Phụ huynh ủng hộ một cách làm này, tiếp tục theo đuổi câu chuyện “Nuôi con thời hiện đại”, nhưng ý tưởng này là nhiệm vụ phải lo cho tròn hay vì mong muốn khôi phục những giá trị sống đang bị bào mòn? Hay nỗi lo mặt trái đời thường bước vào nhà mình? Sợ hãi khi đời có lắm cơ hội nhưng lại quá nhiều thách thức tới mức lộng hành? - Tôi hỏi.

Chúng ta được sinh ra có phải chỉ để đi làm kiếm tiền, ăn mặc, đưa đón con, dạy con, đi du lịch… Chỉ vậy thôi sao? Vậy những lo lắng của phụ huynh, những điều ngộ ra về nhân tâm, đạo đức, kỹ năng; những bài học về nhân - quả, luân hồi, tiến hóa để làm gì? Luân hồi ở đâu ra? Hồng Anh thú thật: Chính suy nghĩ “Cứ giúp người rồi Trời sẽ giúp mình” đã dẫn dắt cô.

“Lúc bé con thứ hai gần 3 tuổi”, Hồng Anh nói tiếp, “5 năm sau đó, tôi cứ làm thật tốt việc trợ giúp các bà mẹ, kiên trì dẫn dắt trẻ nhỏ, suy nghĩ ra nhiều trò chơi, nhiều kiểu học để trẻ hiểu cách ứng xử thế nào là thói thường, thế nào là chính nhân, quân tử; tự “sửa lỗi” trong cách chăm sóc con, chăm sóc gia đình, không ngờ cơ duyên lại tới. Mọi bất ổn trong gia đình gần như được tháo gỡ và mọi việc ở Trung tâm chạy tốt hơn.

Có vẻ như cơ duyên nhuộm màu sắc thần thoại? Tôi hỏi.

Mọi việc hướng về trí tuệ chứ không theo nền tảng nào khác. Trí tuệ thiên về khoa học, mở ra từ từ, dạy cho bản thân và trẻ biết giá trị để bám sâu và biết cách hành xử tử tế. Điều đó đã có từ lâu trong nguyên lý sống, gia phong từ xa xưa, nay lấy lại những gì đã bị thời gian chôn vùi, Hồng Anh tinh tế trong cách nhìn.

3. Kiến thức để phục vụ công việc, kỹ năng để mọi việc được giải quyết thuận lợi hơn… nhưng mọi thứ đang dừng lại khi con người thấy buồn hoặc tệ hơn nữa là đố kỵ khi ai đó hơn mình, tức giận khi bị người khác ám hại hoặc hả hê khi kẻ hơn mình đang “té ngựa”, sa cơ… Làm sao con người biết gốc của mình ở đâu, mình là ai, đâu là điểm tựa? Làm thế nào giúp trẻ hiểu và coi trọng nhân cách, có trách nhiệm, bao dung hơn, vị tha - cùng xây dựng một xã hội chuẩn mực và nhân văn hơn, Hồng Anh  bắt đầu từ câu hỏi như vậy khi chuyển đổi cách dạy trẻ.

Hồi xưa cô tâm huyết dạy kỹ năng để trẻ biết nhiều kỹ xảo, khôn ngoan hơn nhưng chưa chú trọng làm sao cho trẻ lớn lên đủ sức vượt qua mọi cám dỗ, làm sao cho trẻ hiểu phúc, đức, hiếu, sinh, nhân nghĩa… là gốc rễ của đời người.

“Một bà mẹ trẻ tự chọn cho mình một cách sống cực nhọc quá không?” - tôi lại hỏi.

“Cực nhọc chỉ khi mình phải làm điều không mong muốn, phải làm việc trong môi trường có quá nhiều sự đố kỵ ganh đua, phòng thủ. Ngược lại, công việc giúp mình ngày càng tươi mới, tâm thánh thiện được triển nở, được sống thật với chính mình thì đó là điều tuyệt vời nhất trong hành trình của một đời người”, Hồng Anh đã thành “cụ non” khi nhận ra điều này.

Khai thị, khai tâm, khai tuệ trong cách nói của Hồng Anh, tưởng chỉ có người phương Đông mới xem là giá trị sống, nào dè Stephen Covey - người khai sinh “7 thói quen hiệu quả” cũng nói về sự chính trực khi xây dựng thói quen dựa trên những giá trị phổ quát (universal values) và những nguyên lý trường tồn (timeless principles) về tính hiệu quả, trong đó có nhân tâm, chính trực, chủ động thực hiện mục tiêu trong bối cảnh tương thuộc.

“Vì con” là một chương trình do Hồng Anh phụ trách, là hồi trống gióng lên để phụ huynh nhìn về môi trường và con trẻ, cảnh báo những thay đổi ngoài đời, những tác động làm biến dạng gốc rễ của mỗi gia đình nhỏ bé. Hồi chuông cảnh báo mặt trái của xã hội đương đại và sự nhạt nhòa những giá trị truyền thống! Nói như vậy có quá đáng không?

Bây giờ nhìn lại Trung tâm vẫn còn nhiều điều phải chỉnh sửa, nhưng đã có nhiều câu chuyện tích cực để chia sẻ với các phụ huynh về những đứa trẻ thay đổi cách hành xử, biết chính trực, biết sống chan hòa, tử tế, biết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là thế nào. Khác với lúc trước, bản thân cô rất ái ngại khi nói về Trung tâm! “Đáng ngại nhất không phải là tự lo chi phí để vận hành trung tâm mà chính là lòng người đầy sợ hãi, nghi ngờ và do dự”, Hồng Anh nói.

Cô nhớ lại lời thầy dạy vẽ, hồi đó trong tay cô học trò nhỏ chỉ có hòn than đen nhẻm. Cứ tô thật đậm chung quanh chừa vùng sáng ở giữa, tô đậm chừng nào thì vùng sáng ở giữa càng rõ ràng hơn chừng nấy. Giờ đây cô ngộ ra ngụ ý của thầy: Cuộc sống cũng vậy khi chung quanh có những mảng màu tối thì chân lý cuộc sống rõ ràng hơn.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết