Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, nông sản Việt Nam đa dạng về chủng loại, chất lượng ngày càng cải thiện, được người tiêu dùng tại Nhật ưa chuộng. Tuy nhiên, hành trình xuất khẩu nông sản qua thị trường Nhật cũng gặp nhiều khó khăn do vướng rào cản kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ vượt quá mức cho phép, nhiễm khuẩn… Làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc cho nông sản Việt rộng đường sang Nhật là vấn đề mấu chốt được bàn thảo tại tọa đàm “Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế kết nối thị trường Nhật” vừa diễn ra mới đây.
Tâm huyết làm nông nghiệp hữu cơ
Nhận thấy tiềm năng, nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, bà Ino Mayu - đến từ Nhật Bản, có quá trình học tập, nghiên cứu nhiều năm tại Việt Nam quyết định thành lập tổ chức “Seed to Table” (từ hạt giống đến bàn ăn). Tổ chức này truyền đạt kiến thức, huấn luyện cho nông dân, học sinh tỉnh Bến Tre, Ðồng Tháp xây dựng và thực hành tiêu chuẩn hữu cơ PGS; hiểu và thực hành vườn rau hữu cơ tại trường; giúp nông dân chế biến nông sản để xuất khẩu đi Nhật. Bà Ino Mayu, cho biết: “Tại Nhật Bản, các siêu thị đều có quầy, khu vực dành cho nông sản hữu cơ và diện tích ngày càng mở rộng. Nhật Bản nhập nhiều nông sản hữu cơ từ các nước, trong đó các sản phẩm nông sản chế biến chiếm tỷ lệ lớn hơn sản phẩm tươi. Người Nhật không chỉ quan tâm đến vấn đề sản xuất sạch, an toàn mà còn quan tâm đến các yếu tố về xã hội, môi trường. Ðây là những vấn đề quan trọng nông dân, doanh nghiệp Việt cần quan tâm khi nhắm đến thị trường Nhật”.
Sản phẩm gạo đạt chuẩn hữu cơ của HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt.
Là hợp tác xã (HTX) đầu tiên và duy nhất ở ÐBSCL đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ EU (Liên minh châu Âu), USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và JAS (tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản), ông Ðoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ: “10 năm trước, tôi bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 1ha. Ban đầu khi chưa thấy hiệu quả, bà con cũng không mặn mà tham gia. Khi hiệu quả cao gần gấp đôi so sản xuất lúa thông thường, tôi vận động thành lập HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt với 15 thành viên tham gia, diện tích 11,5ha. Ðến năm 2019, HTX có 65 thành viên, diện tích “nở nồi” lên 100ha, khép kín sản xuất hoàn toàn bằng quy trình hữu cơ”. Theo ông Tài, sản xuất hữu cơ hiện nay vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì việc sản xuất hữu cơ thuận tiện với nhiều loại phân bón, chế phẩm sinh học và đặc biệt là sự hỗ trợ từ chuyên gia, nhà khoa học. Còn khó ở chỗ năng suất giảm sút, tìm đầu ra sản phẩm và khâu cải tạo đất. Vì vậy, người sản xuất hữu cơ phải tâm huyết và cần có người đồng hành mới có thể thực hiện hiệu quả.
Về việc đạt tiêu chuẩn JAS để xuất khẩu sang Nhật, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp Hải Âu - Seagull ADC (tỉnh Hậu Giang) cho là khá “nhẹ nhàng”. Ngay từ buổi đầu thành lập, công ty xác định phải sản xuất theo tiêu chuẩn và bắt đầu là tiêu chuẩn VietGAP rồi sau đó là Global GAP. Tất cả quá trình canh tác đều được ghi chép lại cẩn thận. Những thông tin ghi chép này là bằng chứng về quá trình sản xuất để khi đối tác yêu cầu, công ty có thể đáp ứng ngay. Mặt khác, việc ghi chép này cũng giúp công ty tìm ra những quy trình sai để rút kinh nghiệm. Quy trình sản xuất đi vào nề nếp, nên khi các đoàn Nhật Bản tìm kiếm nguồn hàng họ hoàn toàn tin tưởng và hỗ trợ, hướng dẫn công ty đạt chứng nhận JAS và xuất khẩu sang Nhật. “Ban đầu khi sản xuất theo tiêu chuẩn GAP tôi chỉ mong muốn là làm ra sản phẩm sạch, an toàn cho người Việt mình chứ không nghĩ đến xuất khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, khi chúng ta làm ra sản phẩm chất lượng thì không những tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước mà còn có thể dễ dàng xuất ngoại” - ông Trần Phong Lan nói.
Chung tay
Theo các chuyên gia, để nông sản Việt rộng đường xuất sang thị trường Nhật, các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã có thể tìm hiểu và thực hiện tiêu chuẩn JAS (Japanese Agricultural Standards) - tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đưa ra với những quy định về tiêu chí, chỉ tiêu cho sản phẩm, nhãn mác (đồ uống, thực phẩm chế biến, nông lâm sản chế biến và dầu ăn, mỡ) để bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo bà Tường Mỹ, điều hành Công ty Yoshimi (nhà phân phối hàng Việt Nam sang Nhật Bản), các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Nhật hầu hết đạt tiêu chuẩn về chất lượng, song thường bị vướng tình trạng bị nhiễm khuẩn Ecoli và chứa chất bảo quản. Tình trạng nhiễm khuẩn này không phải từ sản phẩm gốc mà xảy ra trong quá trình chế biến hoặc có trong các chất phụ gia thêm vào. “Thị trường Nhật ưa chuộng và có nhu cầu nhập nhiều loại trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít… nhưng lo ngại vấn đề trên nên tôi chưa mạnh dạn đưa hàng sang. Thêm nữa, giá nông sản hữu cơ Việt Nam còn cao, khó cạnh tranh với nước khác khi cùng xuất khẩu mặt hàng tương tự vào Nhật. Ðây là vấn đề mà nhà sản xuất, nhà quản lý cần chú ý khi xuất khẩu sang thị trường Nhật” - bà Tường Mỹ lưu ý.
Từ thực tế sản xuất, ông Ðoàn Văn Tài đề xuất các nhà khoa học nên nghiên cứu từng vùng đất để đưa ra quy trình chuẩn từ đó các hộ nông dân, các HTX đưa vào áp dụng thống nhất. Mặt khác, trong những năm đầu sản xuất hữu cơ, người nông dân phải đối mặt với năng suất sụt giảm 30% và gần như không được lợi nhuận trong 3 năm đầu tiên. Vì vậy, nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho các nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bà Ino Mayu cho rằng, việc chuyển đổi nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp về sản xuất hữu cơ vô cùng quan trọng. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ, làm thí điểm các mô hình để hình thành tư duy mới, thói quen sản xuất sạch, an toàn cho nông dân, doanh nghiệp. Hiện nay nông sản Việt Nam xuất sang thị trường Nhật chủ yếu ở dạng tươi trong khi người tiêu dùng nơi đây có xu hướng chọn các sản phẩm nông sản chế biến. Vì vậy, doanh nghiệp nên tăng cường khâu chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nông sản, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Bài, ảnh: MỸ THANH