21/05/2022 - 10:45

“Mẹ già như chuối chín cây…” 

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Khi tuổi cao, sức yếu là lúc cha mẹ cần sự quan tâm, chăm sóc của con cái hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, nhiều người không thể cận kề, túc trực bên cha mẹ để chăm sóc trong những ngày ốm đau, bệnh tật. Lúc này, các thành viên gia đình cần bàn bạc, sắp xếp để chu toàn việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Bà Bùi Thị Thủy ân cần chăm sóc mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ.

Ơn nghĩa sinh thành

Chị Thới Dung đang sinh sống, làm việc tại huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ chia sẻ, quê chị ở tỉnh Hậu Giang, gia đình có 3 chị em. Trong tâm trí chị vẫn nhớ rõ mồn một hình ảnh cha mẹ tảo tần sớm hôm để lo cho mấy chị em ăn học. Làm ruộng, làm rẫy không đủ sống, cha mẹ chị nuôi heo, nấu rượu, rồi làm mướn, tiết kiệm từng đồng mong sao các con không bỏ dở việc học hành. Không phụ lòng song thân, 3 chị em chị Dung đều cố gắng học tốt và đã có việc làm ổn định. Chị Dung hiện là công chức nhà nước. Em gái và em trai đều sinh sống, làm việc tại Nhật. Cứ nghĩ, mẹ chị Dung đến lúc hưởng phước an nhàn, nhưng bất ngờ năm ngoái, mẹ chị đổ bệnh, thường xuyên đau ngực, khó thở, sức khỏe suy giảm.

Chị Minh Nguyệt ở quận Cái Răng, chia sẻ, quê chị ở Tiền Giang, gia đình có 5 anh chị em lập nghiệp xa, chỉ có em trai út sống cùng cha mẹ ở quê. Năm nay, cha mẹ chị đã ngoài 70 tuổi. Lúc trẻ, cha mẹ chị Nguyệt vừa làm vườn, vừa mua bán trái cây. Là chị gái lớn trong gia đình, chị vẫn nhớ nhiều chuyến hàng mẹ đội mưa giông, vượt sông lớn để mưu sinh. Chị Nguyệt kể: “Có lần, tôi đi mua trái cây với mẹ thì bất ngờ gặp mưa giông. Hai mẹ con tấp vội vào bụi bần để chờ bớt gió mới dám bơi xuồng tiếp. Nhưng giông càng lúc càng mạnh, nhấn lật xuồng. Mẹ con tôi được cứu lên bờ. Dù tiếc chuyến hàng mất trắng và mệt lả nhưng cứ mẹ ôm tôi vào lòng, động viên giúp tôi vượt nỗi sợ hãi”. Không thể kể xiết những hy sinh và nhọc nhằn của mẹ để nuôi 5 người con khôn lớn. Tết năm rồi, mẹ chị Nguyệt bất ngờ mệt, ngất xỉu. Qua xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ bị ung thư gan. Nghe tin, anh chị em trong nhà rất lo lắng, người thì muốn mẹ điều trị bệnh tại quê để thuận tiện tới lui thăm nom; người thì nhất quyết phải đưa mẹ lên điều trị ở TP Hồ Chí Minh vì kỹ thuật tiên tiến hơn.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Tháng 6-2021, mẹ chị Thới Dung phát hiện có khối u ngực, qua nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ đã kết luận là khối u ác tính. Ban đầu, mẹ chị suy sụp tinh thần. Hai người em chị Thới Dung vì điều kiện công việc, dịch bệnh, không thể quay về. Lúc này, chị Dung hết mực gần gũi, chăm sóc mẹ. Một mặt, chị Dung cùng cha thuyết phục mẹ tiếp nhận trị liệu; hai người em động viên tinh thần, thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe. Mặt khác, chị Dung cũng thu xếp công việc cơ quan để đưa mẹ đi điều trị. Hai người em cũng cho hay, sẽ tranh thủ trong thời gian sớm nhất về thăm mẹ.

Sau những những bất đồng ý kiến, chị Minh Nguyệt cũng họp gia đình và nhờ cô em gái - vốn được mẹ thương nhất, thuyết phục mẹ “hợp tác” điều trị bệnh. Anh chị em cũng hứa hẹn đồng lòng không để mẹ phải buồn. Trải qua nhiều lần nói chuyện, mẹ chị Minh Nguyệt đồng ý đi TP Hồ Chí Minh điều trị. Gia đình cũng phân công, ai là người trực tiếp gần gũi chăm sóc mẹ trong những ngày trị bệnh, ai phụ coi sóc nhà cửa, vườn tược, ai hỗ trợ tiền bạc. “Tuy rằng việc điều trị của mẹ tôi không có kết quả như mong đợi nhưng cả nhà đều động viên nhau “còn nước còn tát”. Mẹ tôi rất kiên cường, lạc quan. Bà nói là đã chuẩn bị tinh thần, đón nhận kết quả điều trị. Bà rất vui khi các con biết thương yêu, chia sẻ trách nhiệm chứ không đùn đẩy hay xem mẹ là gánh nặng”.

Lối xóm dành nhiều tình cảm khi nhắc đến gia đình bà Bùi Thị Thủy, ở ấp Ðông Lợi, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ. Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng khi mẹ bà Thủy là cụ Nguyễn Thị Trắng (năm nay 87 tuổi) già yếu, đi lại khó khăn, bà Thủy đã rước mẹ về chăm sóc phụng dưỡng 4 năm qua. Bà Thủy kể: “Mẹ tôi có 10 người con, tất cả lập gia đình ở riêng. Trước kia, mẹ tôi sống cùng em gái út. Tuy nhiên, mấy năm gần đây mẹ tôi bị bệnh, đi lại gặp nhiều khó khăn, trong khi hoàn cảnh gia đình em gái tôi đơn chiếc, đi làm cả ngày, việc chăm sóc mẹ bất tiện. Do đó, chị em thống nhất, tôi rước mẹ về chăm sóc”. Cũng theo bà Thủy, niềm vui lớn nhất chính là nhìn thấy mẹ có những bữa cơm ngon miệng. Bà tự tìm hiểu qua sách báo, tài liệu của ngành y tế để chăm sóc mẹ già tốt hơn. Sự chu đáo và tấm lòng hiếu thảo của bà Thủy là tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình.

Xã hội hiện đại, mỗi người đều bị cuốn vào guồng quay cuộc sống hoặc vướng bận gia đình riêng, đôi khi ít có thời gian dành cho đấng sinh thành. Dù hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng tình cảm, lòng đạo hiếu dành cho cha mẹ vẫn là những giá trị thiêng liêng mà chúng ta luôn trân trọng, giữ gìn. Xin mượn tâm tình của bà Thủy để kết thúc bài viết: “Tôi muốn tự mình chăm mẹ đến khi mẹ trăm tuổi để mẹ không cảm thấy cô độc khi bóng xế tuổi già sau những chuỗi ngày cực khổ vì con cháu”. Ðây cũng là nỗi niềm của rất nhiều người con khi chứng kiến cha mẹ mỗi ngày một già đi, sức khỏe suy giảm…

Chia sẻ bài viết