13/01/2019 - 11:46

“Kỷ lục” buồn cho Chính phủ Mỹ 

Tính đến ngày 12-1, tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã bước sang ngày thứ 22 và có thể kéo dài trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ không có dấu hiệu nhượng bộ quanh vấn đề ngân sách xây bức tường biên giới.

Thành viên công đoàn và nhân viên liên bang biểu tình bên ngoài Nhà Trắng để phản đối chính phủ đóng cửa. Ảnh:AP

Trong suốt lịch sử Mỹ, chính phủ đóng cửa bị coi là biểu tượng của sự rối loạn. Trước 0h ngày 22-12, Chính phủ Mỹ từng đóng cửa 20 lần trong quá khứ kể từ khi quy trình ngân sách hiện đại được đưa vào thực thi, với Đạo luật Ngân sách năm 1974 nêu rõ chính phủ liên bang sẽ phải ngừng hoạt động khi kinh phí không được phê duyệt. Tình trạng đóng cửa chính phủ hiện nay cũng xô đổ kỷ lục 21 ngày dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton 1995-1996, trở thành đợt đóng cửa lâu nhất trong lịch sử. Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo Mỹ có thể mất xếp hạng tín dụng AAA nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa làm rối loạn chức năng của các cơ quan quản lý, dẫn đến việc vượt quá giới hạn nợ của quốc gia. Không chỉ ảnh hưởng tới phần lớn trong số khoảng 800.000 nhân viên liên bang, ước tính đợt đóng cửa này còn gây thiệt hại khoảng 6 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Theo BBC, hàng ngàn người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh bất ổn tài chính. Trong động thái trấn an nhân viên liên bang, Tổng thống Trump dự kiến ký thành luật dự thảo được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua hôm 11-1, đảm bảo tất cả nhân viên được bồi hoàn tiền lương khi chính phủ mở cửa trở lại. Theo luật này, khoảng 420.000 nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc khi chính phủ đóng cửa sẽ được trả lương. Diễn biến mới phần nào khiến các nhân viên an tâm dù thế đối đầu giữa Tổng thống Trump và đảng Dân chủ tại Quốc hội quanh yêu cầu cấp ngân sách 5,7 tỉ USD xây bức tường biên giới vẫn chưa có hồi kết.

Trong những tuần gần đây, ông Trump nhiều lần đe dọa sử dụng quyền hạn khẩn cấp của tổng thống để qua mặt Quốc hội xây tường biên giới. Tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 11-1, ông Trump khẳng định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là giải pháp dễ dàng. Dù vậy, ông sẽ không vội vàng làm điều này mà sẽ để Quốc hội giải quyết. Theo đó, ông Trump thừa nhận hành động như vậy có thể dẫn tới cuộc chiến pháp lý tại Tòa án Tối cao. Những người phản đối cũng cảnh báo động thái đơn phương của tổng thống về vấn đề biên giới có thể bị coi là vi hiến và tạo tiền lệ nguy hiểm trong các cuộc tranh cãi tương tự.

Hiện Quốc hội Mỹ đã ngưng họp để nghỉ cuối tuần, đồng nghĩa tình hình sẽ không có tiến triển cho đến tuần sau. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý vấn đề an ninh biên giới Mỹ-Mexico đặt ra những thách thức lớn, từ buôn bán ma túy, tình trạng bạo lực đến hoàn cảnh của những người xin tị nạn. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng ngân sách nên được phân bổ trong nhiều lĩnh vực an ninh biên giới thay vì để xây một bức tường. Tổng thống Trump cáo buộc đảng Dân chủ chơi trò chính trị và chống lại ông chỉ để ghi điểm vì cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Quan điểm đảng Cộng hòa hiện nay cũng ủng hộ Tổng thống Trump không phê chuẩn bất kỳ dự luật chi tiêu nào nếu không bao gồm tiền xây bức tường biên giới.

Ngày 11-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tạo điều kiện cho các lao động tay nghề cao ở lại nước Mỹ và trở thành công dân nước này, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của người nhập cư. Tổng thống Trump cam kết sẽ cải cách thị thực loại H1-B. Khoảng 3/4 số người xin thị thực loại này đến từ Ấn Độ, đa số làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Trên mạng xã hội Twitter, ông nhấn mạnh những người được cấp thị thực H1-B tại Mỹ có thể an tâm rằng sự thay đổi trên sẽ sớm có hiệu lực, giúp đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo việc họ được cư trú tại Mỹ, trong đó có triển vọng trở thành công dân nước này. Ông Trump nhấn mạnh Mỹ mong muốn những người tài năng và có tay nghề cao theo đổi sự nghiệp tại nước này.

Mỗi năm Mỹ cấp 85.000 thị thực H1-B, trong đó có 20.000 thi thực dành cho những lao động có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn. Người được cấp thị thực này được chủ tuyển dụng bảo lãnh ở Mỹ trong thời hạn 3 năm và được phép gia hạn 1 lần. Điều kiện cấp thị thực này đơn giản hơn thị thực thường trú. Thung lũng công nghệ Silicon của Mỹ và Ấn Độ tìm cách thúc đẩy một hệ thống thị thực hào phóng của Mỹ dành cho lao động nước ngoài tay nghề cao, khẳng định họ là lực lượng cần thiết để phát triển ngành công nghệ, song những người chỉ trích cho rằng công dân Mỹ cần được ưu tiên những công việc trả lương cao.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết