17/06/2024 - 18:35

“Khoác áo mới” cho khóm Cầu Đúc 

Từ lâu, khóm Cầu Đúc là nông sản đặc trưng, nổi tiếng gần xa của tỉnh Hậu Giang. Ngoài hình ảnh trái khóm tươi quen thuộc, người trồng khóm nơi đây còn đa dạng hóa sản phẩm, tạo diện mạo mới cho khóm Cầu Đúc qua việc chế biến thành mứt, rượu, nước màu, siro khóm…

Đa dạng sản phẩm từ khóm

Hộ anh Lâm Trường Thọ ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh là một trong những hộ gắn bó lâu năm với cây khóm Cầu Đúc. “Gia đình tôi trồng khóm “cha truyền con nối”. Ông tôi, cha tôi trồng khóm và tôi từ khi chập chững lớn lên đã rất đỗi thân quen với những rẫy khóm quanh nhà. Qua nhiều năm trồng, nghiên cứu, rút kinh nghiệm tôi đã cho ra 2 dòng sản phẩm từ khóm Cầu Đúc: rượu khóm Trường Thọ và nước màu khóm. Việc chế biến ra sản phẩm khóm từ khóm Cầu Đúc không những nâng giá trị gia tăng cho khóm Cầu Đúc mà tôi còn mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cho quê nhà trong thời gian tới” - anh Lâm Trường Thọ chia sẻ.

Chị Trần Thị Kim Hai giới thiệu về mứt khóm Cầu Đúc.

Theo anh Lâm Trường Thọ, rượu khóm được làm từ 3 nguyên liệu chính: đường cát, khóm và men. Công đoạn sản xuất ra rượu khóm mất 3 tháng và phải qua 3 khâu ủ, nấu và chưng cất. Anh cũng mạnh dạn mua máy lọc các chất độc có trong rượu trước khi bán sản phẩm ra thị trường, đăng ký và được cấp nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Cứ khoảng 10 trái khóm thì cho ra một lít rượu. Với giá bán 150.000 đồng/lít, rượu khóm mang lại giá trị gấp đôi so với khóm tươi. Đối với sản phẩm nước màu khóm làm từ 100% nước cốt khóm Cầu Đúc chín cây nguyên chất, được nấu sôi và cô đặc, có mùi thơm dịu nhẹ. Nước màu khóm thích hợp dùng cho các món kho để tạo màu hấp dẫn và còn làm cho món ăn mềm mại, thấm vị.

Rời nhà anh Lâm Trường Thọ, tôi tìm đến Cơ sở sản xuất Vân Lộc do chị Trần Thị Kim Hai làm chủ. Nơi đây có thâm niên 6 năm chuyên sản xuất mứt khóm Cầu Đúc và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Trước đến nay, bà con vùng này vẫn có thói quen làm mứt khóm để dùng vào dịp Tết. Từ đó, tôi suy nghĩ, tại sao mình không kinh doanh mứt khóm vừa tạo thêm thu nhập vừa giảm áp lực tiêu thụ khóm tươi vào vụ thu hoạch rộ? Nghĩ là làm, tôi bắt đầu đầu tư máy móc và cho ra những mẻ mứt khóm đầu tiên. Ban đầu, tôi chỉ bán cho bạn bè, người thân hoặc cho họ dùng thử, góp ý để điều chỉnh dần và cho tới hiện tại mứt khóm đã có vị chuẩn nhất, hợp với khẩu vị nhiều khách hàng”. Theo chị Trần Thị Kim Hai, mứt khóm có giá bán sỉ dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg. Mứt tiêu thụ quanh năm nhưng hút hàng nhất là vào dịp Tết. Như Tết vừa rồi chị bán ra được khoảng 1.000 hộp mứt khóm (0,5kg/hộp).

Hợp lực nâng tầm khóm Cầu Đúc

Cùng với sự nỗ lực của các hộ trồng khóm, hợp tác xã, tổ hợp tác, hành trình đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị khóm Cầu Đúc còn có sự đồng hành từ ngành chức năng. Đơn cử như việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đăng ký công nhận sản phẩm OCOP, gắn tem truy xuất nguồn gốc qua mã QR… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong số 175 sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh, có 9 sản phẩm được chế biến từ khóm Cầu Đúc gồm: rượu khóm, 2 sản phẩm nước màu khóm, 2 sản phẩm mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, siro khóm, siro khóm củ dền và siro khóm củ gừng. 

Là một trong những chủ thể được hỗ trợ hồ sơ, thủ tục và kinh phí công nhận sản phẩm OCOP cho sản phẩm mứt khóm, chị Trần Thị Kim Hai, cho biết: Mứt khóm có vị thơm ngon, chua chua ngọt ngọt từ trái khóm chín tự nhiên, kết hợp với vị gừng the nơi đầu lưỡi… nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, do còn hạn chế khâu quảng bá nên sản phẩm chỉ được tiêu thụ phạm vi hẹp. Từ khi được công nhận OCOP và được chính quyền hỗ trợ, mứt khóm được tham gia trưng bày tại nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh nên thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng và người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm”. Theo chị Trần Thị Kim Hai, hiện chị còn tích cực bán mứt khóm Cầu Đúc trên mạng xã hội. Sắp tới, chị dự định mở rộng cơ sở, mua thêm máy móc để làm thêm sản phẩm mới: khóm sấy muối ớt.

Về dự định tương lai, anh Lâm Trường Thọ, bộc bạch: “Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, chỉ vùng đất Hỏa Tiến mới trồng được khóm Cầu Đúc hương vị thơm ngon, đặc trưng. Để phát huy lợi thế này, ngoài việc tiếp tục theo đuổi quy trình trồng khóm theo VietGAP, tôi tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản phẩm nước ép khóm Cầu Đúc. Mặt khác, cũng chăm chút vườn cây ăn trái, ao cá… để làm du lịch cộng đồng theo định hướng từ chính quyền địa phương”.

TP Vị Thanh khuyến khích nông dân trồng khóm kết hợp làm du lịch cộng đồng, nhân rộng mô hình du lịch homestay tại làng khóm Cầu Ðúc, nhằm thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm cùng nông dân trồng khóm, chăm sóc khóm, thu hoạch khóm; thưởng thức các món ăn từ khóm như rượu khóm, mứt khóm, bánh xèo nhân củ hủ khóm, dưa chua củ hủ khóm… Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ khóm đạt chứng nhận OCOP, góp phần quảng bá thương hiệu khóm Cầu Ðúc vươn xa.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết