14/08/2008 - 20:46

Xã Tân Lộc

“Khoác áo mới” cho cầu, đường

Một trong những con đường ở Tân Lộc vừa được xây mới, đưa vào sử dụng.

Giao thông nông thôn (GTNT) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở vùng nông thôn. Nhận thức đúng đắn ý nghĩa vấn đề này, chính quyền xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng GTNT ở địa phương. Tính đến nay, hệ thống GTNT ở xã Tân Lộc đã được bê tông hóa hơn 95%, nhiều cây cầu gỗ cũng được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Thời gian trước, hệ thống GTNT của xã Tân Lộc thuộc diện yếu nhất trong các xã của huyện Thốt Nốt. Rất ít con lộ được bê tông hóa, đa phần là lộ đất, xã Tân Lộc chưa thể ấp liền ấp vì chưa có đường giao thông hoàn chỉnh. Đặc thù là xã cù lao, Tân Lộc luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng nên lộ GTNT rất dễ xuống cấp, hư hỏng. Hơn nữa, xã Tân Lộc còn là một xã thuần nông, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng GTNT không phải là chuyện dễ. Chính những điều này đã gây nhiều cản ngại trong công tác xây dựng, phát triển GTNT ở xã Tân Lộc.

Trước thực trạng trên, cuối năm 2007, Đảng ủy xã Tân Lộc ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng GTNT với chỉ tiêu “bê tông hóa hơn 60% hệ thống GTNT của xã trong năm 2008”. Nghị quyết này đã được UBND xã triển khai sâu rộng trong các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, tổ nhân dân tự quản, nhân dân trong xã để thực hiện và đã phát huy hiệu quả.

Ông Phạm Văn My, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Để đạt được chỉ tiêu mà nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra, UBND xã Tân Lộc đã phát động phong trào toàn dân xây dựng GTNT và được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác xây dựng GTNT của xã có những chuyển biến rõ rệt, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tính từ đầu năm 2008 đến nay, xã Tân Lộc xây dựng được 6 tuyến giao thông mới với chiều dài hơn 7.000m; bắc mới 9 cây cầu bê tông cốt thép. Tổng số tiền để xây dựng đường và cầu hơn 9 tỉ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp gần 8 tỉ đồng, chưa kể, ngày công lao động, giá trị đất người dân đã hiến tặng”. GTNT phát triển đã giúp mảnh đất cù lao Tân Lộc vốn nghèo khó dần dần “thay da đổi thịt”.

Tuyến đường bến đò Tân Lộc – ấp Long Châu giờ đã khác trước, con đường được tráng bê tông thẳng thốn, rộng rãi, đi qua những con rạch người đi đường không còn bắt gặp hình ảnh cây cầu khỉ lắt lẻo vốn đã quen thuộc ở thôn quê mà thay vào đó là những cây cầu bê tông chắc chắn. Hai bên đường hàng cây xanh rì, rợp bóng mát.

Bác Lê Văn Minh, ở ấp Long Châu vui mừng nói: “Trước đây, con lộ này xuống cấp dữ lắm, mặt lộ nhiều “ổ voi”, “ổ gà”, mùa mưa thì sình lầy, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là mấy cháu học sinh. Nhưng nay con lộ này đã hoàn toàn khác, được tráng bê tông thẳng tắp, rộng rãi, người đi lại thuận tiện, an toàn”.

Được vậy là nhờ đầu năm 2008, UBND xã quyết định xây mới tuyến đường bến đò Tân Lộc – ấp Long Châu bằng bê tông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo dự tính, kinh phí để xây dựng tuyến đường này gần 3 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng số tiền còn lại đã huy động nhân dân, mạnh thường quân đóng góp. Qua gần 2 tháng thi công, tuyến đường bến đò Tân Lộc – ấp Long Châu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Phạm Văn My cho biết thêm: “Để tạo sự đồng thuận, tin tưởng cao trong nhân dân khi xây dựng GTNT, địa phương rất chú trọng thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở bằng việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với những việc làm cụ thể như. Công khai công trình sắp thi công, thu chi tài chính, mức đóng góp kinh phí của mỗi hộ dân (trừ hộ nghèo, khó khăn-PV) để người dân thảo luận, đóng góp ý kiến. Người dân trực tiếp tham gia giám sát thi công công trình, tài chính, kiểm tra chất lượng... thông qua các tổ chuyên môn do người dân bầu chọn công khai như: Tổ quản lý công trình, Tổ vận động và quản lý tài chính, Tổ giám sát, Tổ nghiệm thu và bảo quản công trình. Cách làm này được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, giúp Tân Lộc xóa dần lộ đất, cầu khỉ, từng bước bê tông hóa hệ thống GTNT”.

Một điển hình trong việc phát huy qui chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng GTNT ở xã Tân Lộc là việc tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình thi công tuyến đường bến đò Tân Lộc- ấp Long Châu. Bà Lại Thị Ngận, Trưởng ấp Long Châu cho biết: “Khi xây dựng tuyến đường bến đò Tân Lộc- ấp Long Châu, nhiều người dân có ý kiến nên uốn nắn, chỉnh sửa lại làm sao để con đường ít cua quẹo nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Hay chiều ngang con đường chỉ nên mở rộng 3,5 m để hạn chế thiệt hại về vật kiến trúc, hoa màu cho người dân. Những ý kiến bổ ích này đã được chính quyền địa phương tiếp thu và điều chỉnh công trình cho phù hợp với điều kiện thực tế... Chính vì vậy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được địa phương phát huy một cách triệt để, từ đó người dân tích cực tham gia xây dựng GTNT”.

Hiện nay, ở xã Tân Lộc chỉ còn 2 tuyến GTNT với chiều dài hơn 5km chưa được bê tông hóa. Cũng theo ông Phạm Văn My, từ đây đến cuối năm, địa phương sẽ tiến hành xây dựng mới 2 tuyến giao thông này, một số cây cầu xuống cấp cũng sẽ được xây mới bằng bê tông cốt thép, để đảm bảo 100% các tuyến giao thông cũng như hệ thống cầu của xã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và cũng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nói về công tác xây dựng GTNT của xã Tân Lộc, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt cho biết: “Tân Lộc là xã còn gặp nhiều khó khăn nhưng với cách làm sáng tạo, linh hoạt đã tạo ra sự đột phá trong công tác xây dựng GTNT. Cách làm hay của xã Tân Lộc sẽ được nhân rộng ra toàn huyện trong thời gian sắp tới”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết