04/05/2023 - 15:55

“Khát vọng mùa vàng” kết nối nông dân 

BẢO LAM

"Khát vọng mùa vàng" là talkshow dành cho nông dân sản xuất giỏi mọi miền đất nước. Không chỉ chia sẻ kiến thức về nông nghiệp, chương trình còn có những câu chuyện kinh kế thị trường, hội nhập bằng nông nghiệp sạch. Chương trình phát sóng lúc 19h15 thứ tư hằng tuần trên kênh THVL1.

Mỗi tập của "Khát vọng mùa vàng" khoảng 15 phút, gồm 2 phần. Nội dung chính là cuộc nói chuyện, chia sẻ về quá trình làm nông nghiệp của khách mời. Phần sau là tiểu phẩm giải trí gắn với đời sống nông thôn, những câu chuyện liên quan đến hoạt động nông nghiệp. Tập đầu của "Khát vọng mùa vàng" kết nối và chia sẻ câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Công (ảnh, trái) ở Sóc Trăng - người tạo ra giống chanh dây ngọt. Trong chương trình, ông Nguyễn Hữu Công chia sẻ có cơ duyên được biết giống chanh dây Colombia tốt cho sức khỏe, ông đã mua hạt giống về trồng thử, lai tạo với cây nhãn lồng và tạo ra chanh dây ngọt có một không hai. Cây chanh dây này không chỉ giúp kinh tế gia đình ông Nguyễn Hữu Công mà còn được nhiều người biết đến, mua về trồng thử, chuyển đổi mô hình cây trồng.

Những người nông dân xuất hiện trong "Khát vọng mùa vàng" đều sáng tạo và không ngại thử thách. Ví như anh Mạc Như Nhân, chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm, đã sử dụng xơ mướp để làm các sản phẩm thủ công và xuất khẩu. Anh Nhân chia sẻ ban đầu không có người mua. Cơ duyên đến khi anh Nhân nảy ra ý tưởng làm túi xách từ xơ mướp để làm quà tặng vợ. Từ ý tưởng này, anh đã phát triển thành các sản phẩm đa dạng, như: đồ gia dụng, thời trang, lưu niệm, trang trí nội thất… và tìm được thị trường phù hợp. Sản phẩm sau đó cũng được xuất khẩu đến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha... Từ đó đã tạo thêm công ăn việc làm cho những người dân nông thôn, hình thành vùng trồng mướp được bao tiêu làm nguyên liệu để sản xuất. Bà con cũng tham gia làm sản phẩm theo mẫu để xuất khẩu.

Những người nông dân trong "Khát vọng mùa vàng" đều có xu hướng làm nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao giá trị nông sản quê nhà. Như câu chuyện khởi nghiệp với nấm rơm hấp của anh Tống Duy Khương ở Lai Vung, Ðồng Tháp. Khi anh Tống Duy Khương quyết định về quê khởi nghiệp từ nghề nông, đã lựa chọn nấm rơm hấp để khai thác tối ưu lợi ích kinh tế và gia tăng giá trị sản phẩm cho nông sản. Qua 3 năm, trải qua không ít thất bại, nông dân trẻ Duy Khương cũng tạo ra được dòng sản phẩm nắm rơm hấp theo xu hướng sạch. Mọi khâu sản xuất đều khép kín, từ trồng trong nhà kính đến quá trình thu hoạch, hấp thanh trùng, làm thành phẩm. Sản phẩm sau khi hoàn thành có thời hạn sử dụng lâu hơn gấp 30 lần so với nấm rơm tươi, đồng thời giữ được hương vị và thành phần dinh dưỡng. Với sản phẩm chất lượng, hiện thương hiệu nấm rơm hấp Phước Lộc của anh Tống Duy Khương cung ứng ra thị trường bình quân mỗi tháng hơn 1 tấn, tập trung ở các thị trường Ðông Nam Bộ, miền Trung… Sắp tới, anh Tống Duy Khương còn tìm hiểu, nghiên cứu để hướng sản phẩm nấm rơm trở thành thịt thực vật, có thể làm chả, thịt thay thế cho động vật, phục vụ cho người tiêu dùng chay.

Sau khi cùng chia sẻ và lắng nghe câu chuyện của người nông dân, chương trình "Khát vọng mùa vàng" gửi tặng đến người xem tiểu phẩm khởi nghiệp ngắn qua sự thể hiện của bộ ba ca sĩ, diễn viên: Trường Sang, Bảo Bảo và Dương Thanh Vàng, mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, phù hợp.

Những câu chuyện trong "Khát vọng mùa vàng" là hành trình gầy dựng sự nghiệp của những người nông dân tâm huyết, gắn bó với nông nghiệp quê nhà. Họ luôn kiên trì và tìm hướng đi để nâng cao giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Chia sẻ bài viết